Bài 2: Để sản phẩm OCOP phát huy đúng vai trò
Hiện nay, sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam đã có mặt tại hơn 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu, luôn nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Hà Nội đang đẩy mạnh sản phẩm OCOP là mặt hàng chính trong phát triển kinh tế làng nghề, nhất là làng nghề ở Hà Tây (cũ)...
15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ vốn ít lãi...
Hiện ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu hàng TCMN, chỉ sau Trung Quốc. Sản phẩm TCMN có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, vốn không cần nhiều, nhưng lãi suất lớn, giá trị gia tăng cao, năng lực xuất khẩu lớn. Cứ 1 triệu USD xuất khẩu mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với các ngành khác. Do vậy, có thể kim ngạch xuất khẩu không cao, nhưng do đầu tư thấp, nên tỉ suất lợi nhuận rất cao, thu được nhiều ngoại tệ.
Đồng thời TCMN còn làm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ du khách quốc tế cũng chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu. Giai đoạn 2015-2019, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN tăng trung bình 9,5%/năm, dự báo đạt trên 12%/năm, khoảng 4 tỷ USD năm 2025.
Vì thế TCMN được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong những năm tới. Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển.
Chương trình OCOP đã được các địa phương và người dân đón nhận cộng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng phát huy các nguồn lực tại chỗ làm động lực phát triển kinh tế. Đồng thời gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương trong Hà Nội.
Xác định rõ sản phẩm OCOP là các sản phẩm gắn với các tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Tức là tập chung khai thác phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, phát huy khả năng sáng tạo và lòng tự hào của người dân… Hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”, lấy văn hóa là nền tảng, động lực để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP là “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của làng nghề.
GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia chia sẻ: "Hà Nội hiện đang chú trọng sản phẩm OCOP làng nghề để phát triển kinh tế làng nghề và công nghiệp văn hóa Hà Nội. Nhưng có mở rộng sản phẩm đến mức nào thì cũng cần có những sản phẩm chuyên biệt có giá trị cao. Giá trị của sản phẩm được đánh giá bởi sang tạo đi vào chất lượng sản phẩm không đi vào số lượng".
Hiện nay, sức cạnh tranh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam so với các sản phẩm khác trên thị trường nội địa và quốc tế chưa cao, chưa uyển chuyển, nhanh nhạy trong đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm thiếu sự độc đáo, chưa thể hiện rõ bản sắc văn hóa, mẫu mã chưa thực sự bắt mắt. Một số sản phẩm đẹp nhưng lại không có khả năng sản xuất số lượng lớn.
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN ở Hà Nội chưa có người thiết kế chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào nghệ nhân, thợ giỏi. Các nghệ nhân lại ít nắm được nhu cầu của thị trường, không có kỹ năng thiết kế, nên chỉ sáng tạo mày mò theo cảm tính. Do vậy, sản phẩm ngày càng bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm các nước trong khu vực, nhất là ở khu vực châu Á: Ấn Độ, Trung Quốc. Ấn Độ nổi tiếng về gia công đồ trang sức; sản phẩm của Trung Quốc rất đẹp, tinh tế, mang đậm bản sắc dân tộc...
Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển thành một ngành công nghiệp văn hóa
Đóng góp của các làng nghề rất lớn nhưng trên phương diện quản lý Nhà nước, “làng” không được quy định là 1 đơn vị trong hệ thống quản lý hành chính Nhà nước. Nên từ việc xét duyệt công nhận làng nghề cho đến thực hiện các chính sách hỗ trợ củaNhà nước đều thông qua chính quyền các cấp mà trực tiếp là cấp xã.
Làng nghề là đơn vị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đa ngành, lại phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên đồng thời chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành từ trung ương xuống địa phương, nên tạo sự chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL... Cần tiến hành các giải pháp đồng bộ nhằm khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi phát huy sức sáng tạo của các bên liên quan. Khơi thông các điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi.
GS.TS. Từ Thị Loan cho biết thêm, ban hành Luật Làng nghề để có chính sách hỗ trợ về tài chính, tiếp cận nguồn vốn, cho vay tín dụng với lãi suất thấp, ưu đãi về thuế, phí; ưu tiên mặt bằng sản xuất; hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất; xử lý rác thải, bảo vệ môi trường; xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu; đào tạo nguồn nhân lực.
Tập trung vào khâu thiết kế mẫu sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, bắt mắt người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản phẩm. Kết hợp chuyển đổi linh hoạt từ thiết kế dân tộc sang thiết kế đương đại. Phát triển thị trường xuất khẩu, đảm bảo đầu ra ổn định, hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, những mặt hàng có nguồn gốc làm từ nguyên liệu tự nhiên.
Cần tăng cường ứng dụng kỹ thuật công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với kinh nghiệm, bí quyết cổ truyền; sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu, quản trị, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; thương mại điện tử, mua bán, tiếp thị trên nền tảng số.
(Còn nữa)