Bài 2: Để tư nhân chung tay cùng Nhà nước trong công tác cai nghiện
Các cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân tạo điều kiện cho những người muốn đi cai nghiện không phải lo lắng thủ tục hành chính phiền phức. Đồng thời, cũng giúp giảm chi ngân sách và góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân gặp khó khăn từ nhiều phía, khiến nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động.
Nhiều rủi ro, khó trăm bề
Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TPHCM), từ những năm 1999- 2000, với mong muốn hỗ trợ những người từng lẫm lỡ, ông cùng các cộng sự quyết tâm xây dựng và phát triển một trung tâm cai nghiện tự nguyện, góp phần cùng Nhà nước đẩy lùi “cái chết trắng”.
Trải qua 21 năm, đến nay Trung tâm đã điều trị cho hơn 22.000 lượt học viên tự nguyện đến cai nghiện và đưa họ trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy chia sẻ, để duy trì một cơ sở cai nghiện tự nguyện cần đủ tâm huyết, đủ trình độ chuyên môn và nguồn lực đủ lớn. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước không rõ ràng nên không thể thực thi, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa cho biết, trải qua hơn 20 năm, những khó khăn về mặt pháp lý, giáo dục, điều trị cho người bệnh đã dần được khắc phục, nhưng khó khăn nhất vẫn là vấn đề kinh tế. Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy dẫn chứng: “Trong số 23 trung tâm cai nghiện tự nguyện đã được cấp phép chỉ còn hơn chục trung tâm hoạt động vì chi phí quá lớn, rủi ro cũng nhiều. Khi chúng tôi làm một trung tâm cai nghiện thì phải đi thuê mặt bằng, chính sách đối với người tự bỏ tiền ra để xây dựng trung tâm cai nghiện tư nguyện theo Nghị định 147 năm 2003 cũng có, tôi là cựu chiến binh cũng có chính sách, nhưng không áp dụng được. Chúng tôi vẫn phải thuê đất theo giá thị trường. Điện nước thì phải trả như các công ty, xí nghiệp và các đơn vị kinh doanh dịch vụ khác. Ví dụ, tôi đi thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở mất gần 20 tỷ. Nếu 5 năm đến 10 năm sau, chủ đất đòi lại thì tất cả nhà cửa xây dựng trên đó phải bỏ đi. Như vậy là chúng tôi mất hết”.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, làm ‘nghề’ cai nghiện ma túy tự nguyện hiện gặp rất nhiều rủi ro nên nếu không có tâm sẽ không làm được. Đơn cử như việc nhiều bệnh nhân sử dụng ma túy đá, hành vi bất thường, nhiều người còn đánh lại bác sĩ, nhân viên trung tâm. Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy mong muốn, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều hơn những cơ sở cai nghiện tự nguyện, trong đó có Thanh Đa, trước hết hỗ trợ thuê đất dài hạn. Đồng thời hỗ trợ thêm về chuyên môn trong thời buổi xuất hiện thêm nhiều loại ma túy mới gây loạn thần…
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có 23 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được cấp phép, nhưng 10 cơ sở đã ngừng hoạt động. Có 2 cơ sở quy mô tiếp nhận dưới 60 lượt người/năm và 13 cơ sở trên 100 lượt người/năm. Tính bình quân hằng năm các cơ sơ này đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 lượt người.
Việc tiếp nhận hơn 11% tổng số người được tiếp nhận cai nghiện trong toàn bộ hệ thống cơ sở cai nghiện cả trong và ngoài công lập, tạo cơ hội cho những người muốn đi cai nghiện không phải lo lắng thủ tục hành chính phiền phức. Đồng thời, cũng làm giảm chi ngân sách tương đương trên 11% tổng chi cho công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy và góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Hiện chi phí cho 01 người khi vào cơ sở cai nghiện tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập là 10,671 triệu đồng/người/năm (theo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).
Tuy nhiên, ngoài lực lượng y bác sĩ được đào tạo chuyên môn sâu, có nhiều người làm công tác này chưa được đào tạo bài bản, nên các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người nghiện còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, do quy mô nhỏ, lực lượng cán bộ mỏng nên việc quản lý, chăm sóc những đối tượng có hành vi gây rối rất khó khăn. Đáng chú ý, hiện nay người sử dụng ma túy tổng hợp tăng rất nhanh, trong khi các cơ sở chưa đủ điều kiện tiếp nhận, điều trị cho những trường hợp có biểu hiện loạn thần.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát hợp lý nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện, trong khi tính tự phát của thị trường và của người dân lại phát sinh khá phổ biến nên chất lượng dịch vụ cai nghiện chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có được niềm tin của người sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, một số cơ sở cai nghiện tự nguyện đặt ở những khu dân cư tập trung gây lo ngại về trật tự, an toàn xã hội cho chính quyền và người dân địa phương. Quy định về cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy chưa tạo điều kiện cho sự phát triển các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập (sau 15 năm chỉ có 23 cơ sở được cấp phép).
Biện pháp cai nghiện này hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của bên cung cấp dịch vụ và bên mua dịch vụ. Nhà nước tạo hành lang pháp lý và thực hiện các hỗ trợ khi cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập không được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân sách như ở các cơ sở cai nghiện công lập. Đến nay chưa có cơ sở cai nghiện ngoài công lập nào được hỗ trợ, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư mang tính xã hội, lợi nhuận không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, mô hình này chưa phát huy được hiệu quả cao.
Cần có cơ chế mới
Hiện nay, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa có khả năng tăng nguồn thu trong giai đoạn tới, lại phải giảm bớt chi tiêu công và chủ yếu dành cho các mục tiêu cần ưu tiên như phát triển và tăng trưởng kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục, khoa học công nghệ..., không đủ để đáp ứng công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Do vậy, phải có một cơ chế mới, đặc thù để huy động kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động cai nghiện tự nguyện, giảm gánh nặng, tiết kiệm cho ngân sách, bảo đảm đáp ứng đủ và bền vững cho công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.
Để giải quyết thực trạng này, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy đang được Bộ Công an soạn thảo, xin ý kiến đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện: Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập hay ngoài công lập đều thực hiện bằng một chính sách xã hội hóa chung, không phân biệt. Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với các dịch vụ cơ bản, cho tất cả mọi người tự nguyện cai nghiện.
Đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành đặt ra trong Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Công an đang chủ trì xây dựng.