Bài 2: Di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở: Không thể chậm trễ

Sau khi cơn lũ lịch sử đi qua, các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, hậu quả do mưa lũ để lại. Ưu tiên cao nhất lúc này là ổn định chỗ ở, bảo đảm sinh kế để người dân an cư lạc nghiệp.

Sau khi cơn lũ lịch sử đi qua, các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, hậu quả do mưa lũ để lại. Ưu tiên cao nhất lúc này là ổn định chỗ ở, bảo đảm sinh kế để người dân an cư lạc nghiệp.

Hơn 20 ngày trôi qua kể từ khi mưa lũ xảy ra, gia đình ông Hoàng Văn Nhu, thôn Pác Cháng, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) với 5 thành viên vẫn phải nương tựa nhờ nhà người anh em. Đông người, chật chội, bất tiện, thiếu thốn đủ thứ nhưng cũng đành chấp nhận bởi ngôi nhà riêng của gia đình ông đã bị lũ cuốn đi mất. Mong muốn lớn nhất của ông lúc này là sớm tìm được đất dù có phải vay mượn thêm ông cũng sẽ cố để cất lại căn nhà, sớm có chỗ ở ổn định yên tâm làm ăn.

Người dân thôn Pác Cháng, xã Linh Phú mong tìm được đất để cất nhà ở.

Người dân thôn Pác Cháng, xã Linh Phú mong tìm được đất để cất nhà ở.

Ông Mai Đình Thư, Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú cho biết, không chỉ gia đình ông Nhu mất nhà, toàn xã còn 13 hộ nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm phải di chuyển đến ở các nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, tiểu học trong khu vực cũng đang mong ngóng từng ngày tìm được chỗ đất ở an toàn để định cư, ổn định đời sống.

Không chỉ huyện Chiêm Hóa bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ dân tại các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương cũng bị mất trắng nhà cửa, phải di dời khẩn cấp. Hơn lúc nào hết các hộ dân nơi đây mong muốn được hỗ trợ dựng lại nhà cửa, có “điểm tựa” để bắt tay gây dựng cuộc sống mới.

Một số điểm sạt lở tại huyện Yên Sơn.

Một số điểm sạt lở tại huyện Yên Sơn.

Tại thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) có 10 hộ nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm phải di chuyển tới nơi an toàn. Hiện có 4 hộ phải dựng lán tạm cạnh nhà văn hóa thôn Đán Khao; 2 hộ ở nhà lớp học cũ, số còn lại ở nhờ nhà người dân. 10 hộ với 46 nhân khẩu phải sống trong cảnh có nhà mà không thể về, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Người dân thôn Đán Khao phải sống trong cảnh có nhà mà không thể về.

Người dân thôn Đán Khao phải sống trong cảnh có nhà mà không thể về.

Với đôi mắt đỏ hoe, bà Lý Thị Kính, thôn Đán Khao chia sẻ: "Cả đời tôi gắn bó với mảnh đất này, tích góp mãi mới có ngôi nhà khang trang để ở. Giờ nằm ở khu vực sạt lở, không thể ở được nữa, đất thì không có, hai ông bà chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng, không biết lấy chỗ đâu mà làm lại nhà”.

Cũng như bà Kính, gia đình chị La Thị Ương, thôn Đán Khao cũng nằm trong khu vực nguy hiểm phải di dời. Phải rời bỏ nhà cửa, mảnh đất sinh sống bao đời để đến nơi ở tạm vì nguy cơ sạt lở cao. Cuộc sống của chị và 2 con nhỏ bị đảo lộn hoàn toàn, những khó khăn chồng chất khiến chị không khỏi bàng hoàng và tuyệt vọng.

Chị La Thị Ương
Thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn)

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Yên Hà Thị Bình cho biết, chính quyền địa phương đã tích cực tìm kiếm đất ở mới để bố trí cho bà con. Tuy nhiên, quá trình này gặp rất nhiều khó khăn. Đất ở mới thường xa nơi sản xuất, không phù hợp với phong tục tập quán của bà con. Hơn nữa, nhiều hộ dân không có đủ tiền để mua đất, xây nhà mới.

Đồng chí Hà Thị Bình
Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Yên (Yên Sơn)

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa to trên diện rộng, tại địa bàn thôn Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang) đã xuất hiện các điểm sạt lở từ đỉnh dốc Bản Lằn trên quốc lộ 279, gây sạt lở khối lượng đất đá lớn ước trên 1 vạn m3, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 18 hộ dân trong thôn.

Sạt lở tại thôn Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang).

Sạt lở tại thôn Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang).

Sau khi xảy ra sạt lở, lãnh đạo UBND xã Sơn Phú đã kịp thời có mặt, di dời khẩn cấp 18 hộ dân đến nhà văn hóa thôn và dựng nhà tạm cho các hộ có nơi ở ổn định. Hiện có 11 hộ dân đang được dựng nhà tạm tại sân nhà văn hóa thôn, 7 hộ còn lại đi ở nhờ tại một số nhà người quen.

Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, hiện 18 hộ dân tại thôn Bản Lằn nằm trong diện di dời sống tại các nhà tạm đang có cuộc sống ổn định, 100% đều có sự hỗ trợ bằng tiền và các nhu yếu phẩm của nhiều nhà tài trợ, đoàn thiện nguyện. Xã đã hoàn tất các phương án trình UBND huyện sớm làm nhà thép tiền chế tập trung để 18 hộ dân có nơi ở ổn định, lâu dài. Dự kiến kinh phí khoảng 500 triệu đồng.

Người dân Sơn Phú phải sống trong lán tạm, có nhà nhưng không về được.

Người dân Sơn Phú phải sống trong lán tạm, có nhà nhưng không về được.

Không để bất kỳ người dân nào thiếu ăn, thiếu chỗ ở là nhiệm vụ cao nhất của cả hệ thống chính trị được đặt ra lúc này.

Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các thôn, bản, các gia đình bị vùi lấp mất nhà, tái định cư cho các bản, làng, nhà ở cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai cấp bách do các địa phương đề xuất, trong đó có phương án xây dựng khu tái định cư và di dân xen ghép, để di dân tại các địa bàn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Khu vực có nguy cơ sạt lở tại xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

Khu vực có nguy cơ sạt lở tại xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức 10 cuộc họp, ban hành 25 văn bản, Công điện, Quyết định của Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra và xử lý sự cố đê điều. Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngày 4-10, tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh, các địa phương bằng mọi giá phải khẩn trương lo chỗ ăn, chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng nhà ở; linh hoạt trong quá trình thực hiện, không chờ đợi thực hiện thủ tục bởi đây là vấn đề cấp bách. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, sẽ đứng ra chịu trách nhiệm mọi vấn đề, quan trọng nhất là cuộc sống của người dân phải sớm được đảm bảo các điều kiện về ăn, ở. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp và PTNT- cơ quan bố trí sắp xếp ổn định dân cư của tỉnh khẩn trương làm việc với các huyện xây dựng phương án ổn định chỗ ở cho người dân trước ngày 10/10 và đảm bảo 31-12 phải hoàn thành xong việc xây dựng nhà ở cho người dân bị mất nhà, đảm bảo để người dân an cư lạc nghiệp.

Ngay sau đó, tại Hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, một lần nữa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung cao độ, triển khai khẩn trương các giải pháp nhằm ổn định cuộc sống cho nhân dân. Trong đó, việc tìm kiếm nơi ở mới, đặc biệt là hình thức di dân xen ghép, cần được ưu tiên hàng đầu. Đến ngày 10-10, các địa phương phải báo cáo cụ thể phương án thực hiện. Trước ngày 31-12-2024, 100% các hộ dân bị ảnh hưởng phải được bố trí nơi ở ổn định, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại các cuộc họp, các giải pháp đã được đưa ra để bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản cho nhân dân. Trước mắt phải di chuyển hết dân ra khỏi vùng nguy hiểm, lâu dài là phải sắp xếp bố trí bằng được chỗ ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa đến nơi an toàn nhất. Trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi thị sát để lập kế hoạch di chuyển, sắp xếp, bố trí chỗ ở cho người dân bị mất nhà.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các vị trí xung yếu, các điểm xây dựng khu tái định cư cho người dân.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các vị trí xung yếu, các điểm xây dựng khu tái định cư cho người dân.

Trong văn bản số 4330/UBND-ĐTXD ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai khẩn cấp, cấp bách do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố: Khẩn trương rà soát, thống kê các thôn bản, số hộ gia đình, nhân khẩu có nhà ở bị sập, đổ, vùi lấp không còn nơi cư trú và xác định rõ biện pháp tái định cư đối với các hộ dân theo các hình thức khu/điểm tái định cư tập trung hoặc tái định cư xen ghép trong các khu dân cư có sẵn; tổng hợp, đề xuất bổ sung các dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai khẩn cấp, cấp bách cần thực hiện ngay trong năm 2024-2025 để di dời và bố trí, sắp xếp ổn định (tập trung hoặc xen ghép) cho người dân đang sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đến nơi ở mới đảm bảo an toàn và yên tâm ổn định cuộc sống lâu dài.

Văn bản số 4330/UBND-ĐTXD ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai khẩn cấp, cấp bách do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

Văn bản số 4330/UBND-ĐTXD ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai khẩn cấp, cấp bách do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, ngày 12-9-2024, Đoàn công tác do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trực tiếp kiểm tra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Sơn Dương; thăm hỏi, động viên Nhân dân bị ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra trên địa tỉnh. 2 đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do các thứ trưởng đã trực tiếp lên làm việc với tỉnh về sắp xếp ổn định dân cư tại huyện Chiêm Hóa- địa phương có số hộ dân mất nhà nhiều nhất cùng tỉnh Tuyên Quang sắp xếp ổn định đời sống cho các hộ dân.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tỉnh về sắp xếp ổn định dân cư tại huyện Chiêm Hóa.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tỉnh về sắp xếp ổn định dân cư tại huyện Chiêm Hóa.

Chiêm Hóa - huyện có số hộ dân bị mất nhà nhiều nhất do mưa lũ. Đến thời điểm 30-9, với gần 100 hộ mất nhà, chưa kể rất nhiều hộ dân có nhà mà không được về do nguy cơ sạt lở đất, đá bất cứ lúc nào. Sắp xếp ổn định đời sống người dân huyện Chiêm Hóa đang khẩn trương thực hiện song song 2 giải pháp, sắp xếp chỗ ở tạm thời và tính toán giải pháp lâu dài để bố trí ổn định dân cư.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng
Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa

Với vai trò là cơ quan được giao trách nhiệm sắp xếp bố trí dân cư vùng xung yếu, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố chỉ đạo xã tuyên truyền, vận động người dân trong cộng đồng, anh em dòng tộc nêu cao tinh thần “Tương thân tương ái”, “ Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” sang nhượng đất ở.

Người dân bị ảnh hưởng thiên tai hiện đang mong mỏi có được nơi ở mới an toàn.

Người dân bị ảnh hưởng thiên tai hiện đang mong mỏi có được nơi ở mới an toàn.

Hiện nay, đã có 127 hộ (đợt 1) được hỗ trợ kinh phí trên 11 tỷ đồng để làm mới và sửa chữa nhà ở từ nguồn kinh phí cứu trợ tiếp nhận của Ban vận động cứu trợ tỉnh và các huyện, thành phố.

Riêng với những hộ không bố trí được đất ở, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh để đưa vào các diện sắp xếp bố trí dân cư theo hình thức xen ghép hoặc tập trung tùy vào điều kiện của từng địa phương, đảm bảo tất cả các hộ đều sớm có nhà ở, nhanh chóng ổn định đời sống.

Tại hội nghị khắc phục hậu quả mưa, lũ do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh vừa được tổ chức ngày 23-9 vừa qua, đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: "Việc các hộ dân trong trường hợp di chuyển khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm mà không có trong quy hoạch sẽ không phải lập hồ sơ quy hoạch mà phải thực hiện xử lý, bố trí ngay chỗ ở nhằm ổn định đời sống cho người dân tại địa phương đó".

Hy vọng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái của cộng đồng, sự sẻ chia của các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, người dân bị thiệt hại sẽ sớm có nơi ở mới, an cư lạc nghiệp.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bai-2-di-dan-ra-khoi-vung-nguy-hiem-sat-lo-khong-the-cham-tre-199952.html