Bài 2: 'Đòn bẩy' thoát nghèo bền vững

Nếu nói tín dụng chính sách là 'cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi', thì Chỉ thị số 40-CT/TW ví như 'ngọn gió' đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn.

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều gia đình khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều gia đình khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vùng biên khởi sắc

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho gần 294.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tăng hơn 115% so với giai đoạn trước năm 2014.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 18.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ cho gần 19.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, giảm gánh nặng về chi phí cho hộ gia đình; tạo việc làm cho hơn 67.000 lao động, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống; hỗ trợ cho vay xây dựng hơn 360 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm an cư lập nghiệp; giúp cho các hộ gia đình nông thôn xây dựng hơn 300.000 công trình nước sạch và vệ sinh, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao sức khỏe, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ hộ nghèo từng giai đoạn, trong đó: giai đoạn 2011-2015 giảm từ 4,27% xuống còn 2,08%; giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm từ 2,08% cuối năm 2015 xuống còn 0% vào cuối năm 2020. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 512 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16%.

Đặc biệt, từ nguồn vốn này, nhiều xã nông thôn vùng biên đã “chuyển mình”, phát huy những lợi thế đặc trưng và riêng có của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

10 năm về trước, Tân Hòa một xã vùng biên của huyện Tân Châu, tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 8%. Nhờ có những chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo, đến nay toàn xã chỉ còn lại 9 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,3%.

Ông Trần Văn Oanh (ngụ ấp Cây Khế, xã Tân Hòa) trước đây không có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi, với quyết tâm vươn lên làm giàu trên quê hương, ông Oanh quyết định phát triển mô hình nuôi ba ba lấy thịt. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên việc xây dựng ao hồ, mua con giống còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Oanh cho biết: "Khi bắt đầu phát triển mô hình, gia đình tôi chỉ có 2, 3 cái ao thôi. Sau đó tôi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và xây dựng thêm ao, sắm sửa công cụ để chăn nuôi thêm. Đến nay, tôi có gần 10 cái ao vừa để nuôi ba ba thịt vừa nhân giống; thu nhập gia đình dần ổn định hơn".

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng- Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, hiện nay địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; gắn vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH với các chương trình giải quyết việc làm, góp phần cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho người dân.

Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững đã và đang được nhân rộng tại xã Tân Hòa như: mô hình nuôi ba ba với hơn 200 hộ nuôi, phát triển diện tích trồng cây cao su đạt trên 1.400 ha và nhiều mô hình khác, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, thu nhập của người dân xã Tân Hòa ngày một nâng cao, đến cuối năm 2023 đạt bình quân 80 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ gia đình ông Oanh mà nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách ở huyện Tân Châu, nhờ nguồn vốn chính sách, sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đã vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và địa phương.

Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết: tín dụng chính sách xã hội đã thật sự đi vào cuộc sống người dân, phát huy hiệu quả xã hội, góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; xây mới, sửa chữa nhà ở; giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn, nhất là địa bàn vùng biên giới như Tân Châu. Đến nay, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm từ 6,02% xuống còn 0,82%.

Nguồn vốn vay ưu đãi được nhanh chóng giải ngân cho người dân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn.

Nguồn vốn vay ưu đãi được nhanh chóng giải ngân cho người dân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn.

Mở ra “cuộc đời mới”

Ngoài việc đầu tư vốn tín dụng hàng năm, tỉnh còn triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống.

Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời của những người lầm lỡ đã có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng đầy tính nhân văn của Chính phủ. Toàn tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ 66 lượt đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

Anh T.N.X (ngụ ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên) từng chấp hành án phạt 6 tháng tù, sau khi mãn hạn, anh quyết tâm phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời. Khi chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù chính thức có hiệu lực thi hành, anh X là một trong những người đầu tiên trên địa bàn tỉnh được vay vốn.

“Tôi được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng, khi được thụ hưởng chính sách này tôi rất vui mừng vì có vốn để phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời. Từ nguồn vốn này tôi sử dụng để mua cây giống, mua bò”- anh X nói.

Còn ông N.V.T (ngụ xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu) chia sẻ: "Sau khi mãn hạn tù về nhà, được chính quyền, công an xã giới thiệu vay vốn 90 triệu đồng từ NHCSXH, tôi đầu tư nuôi hơn 3.000 con vịt giống. Sau này, tôi bán vịt, trả vốn cho NHCSXH, còn tiền lời, tôi dành phát triển thêm đàn vịt. Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương, NHCSXH đã tạo điều kiện cho tôi có số vốn làm ăn, làm lại cuộc đời”.

Không chỉ đồng hành cùng người nghèo, tín dụng chính sách xã hội còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho 325 người dân vay vốn lãi suất thấp để mua, thuê mua, sửa chữa, xây mới nhà ở, với tổng số tiền trên 122 tỷ đồng.

Trong ngôi nhà mới, bà Lê Thị Thu Hương (ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành) không khỏi vui mừng cho biết, gia đình bà được vay vốn từ NHCSXH để xây lại căn nhà, do nhà cũ đã xuống cấp. Từ nguồn vốn này, gia đình bà Hương đã xây dựng nhà kiên cố với 100m2.

“Lãi suất rất rẻ nên tôi thấy không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Có được căn nhà mới, tôi thấy cuộc sống mình thay đổi nhiều, vì an cư thì mới lạc nghiệp”- bà Hương vui vẻ nói.

Có thể khẳng định, dù trải qua nhiều giai đoạn, nguồn vốn có lúc thuận lợi, lúc khó khăn, song, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là sự điều hành của HĐQT, NHCSXH tỉnh luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng CSXH, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và thúc đẩy công cuộc phát triển bền vững của tỉnh.

Vũ Nguyệt

Còn tiếp

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-don-bay-thoat-ngheo-ben-vung-a175654.html