Bài 2: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua gió ngược

Gần 900.000 tỷ đồng là tổng gói hỗ trợ giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024 mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành để gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp. Con số khá lớn khiến chúng ta cảm thấy 'mông lung', song thực tế, mỗi đồng trong gói hỗ trợ này đều đang len lỏi, mang lại động lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chính sách hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh tư liệu

Chính sách hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh tư liệu

Hưởng lợi trực tiếp từ các gói hỗ trợ

Tại Công ty TNHH Lam Sơn, doanh nghiệp chuyên về sản xuất phụ tùng cho ô tô, xe máy. Từ năm 2020 cho đến nay, doanh nghiệp đã liên tục được thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, với số tiền trên 20 tỷ đồng. Nhờ số tiền này mà doanh nghiệp có thêm số vốn tạm thời để sản xuất kinh doanh. Hơn 4 năm qua, doanh nghiệp đã sử dụng số tiền từ gia hạn nộp thuế chưa phải đóng ngay, để mỗi năm sắm sửa thêm 1 con robot, nhằm tăng năng suất lao động.

Chính sách hỗ trợ tài khóa không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn và nguồn lực. TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

Thông tin trên được ông Đặng Thế Nguyện - Giám đốc Công ty TNHH Lam Sơn chia sẻ với phóng viên. Ông cũng cho biết thêm, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do đại dịch Covid-19. Để giúp chúng tôi vượt qua, những chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế của Chính phủ là hết sức kịp thời. Chúng tôi đã có thêm nguồn vốn, thêm dư địa để đầu tư trang thiết bị. Trong đó có trang thiết bị tự động hóa, giảm sức lao động cho công nhân. “Hưởng lợi từ chính sách gia hạn thuế hơn 4 năm qua, công ty chúng tôi đã đầu tư được 5 con robot, năng suất tăng từ 1,7 - 1,8 lần so với trước. Và thu nhập của người lao động cũng được nâng lên” - ông Nguyện cho hay.

Cũng lấy nguồn tiền được gia hạn, Công ty In bao bì VPC, Hà Nội mua máy móc đầu tư trở lại phục vụ sản xuất. Việc gia hạn các loại thuế trong hơn 4 năm qua đã giúp doanh nghiệp được sử dụng hơn chục tỷ đồng chưa phải nộp ngay để đổi mới trang thiết bị, ví dụ như chiếc máy in 6 màu được doanh nghiệp nhập về từ Nhật Bản với giá 36 tỷ đồng. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Tài chính của VPC, sau khi nhập máy in về, đơn hàng đã tăng lên rất nhiều. Nếu doanh thu năm 2023 đạt 188 tỷ đồng thì năm 2024 dự kiến sẽ đạt 200 tỷ đồng. Theo đó, số thuế giá trị gia tăng công ty nộp thêm vào ngân sách sẽ là 3 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên 1,5 tỷ đồng.

Với ngành bán lẻ, việc giảm thuế như một “cú huých” giúp kích cầu, gia tăng doanh thu cho các hệ thống tiêu dùng mà người dân lại tiết kiệm được một khoản. Đơn cử như chuỗi siêu thị Winmart, mỗi ngày tiếp cận với hơn 1 triệu lượt khách mua hàng. Theo người phụ trách chuỗi này, khi thuế giảm sẽ mang lại hiệu quả tức thì vì người mua hàng nhìn thấy ngay mức giá giảm theo tỷ lệ với con số mua sắm, từ đó doanh thu của chuỗi cũng tăng lên. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.

Còn các hộ kinh doanh, vốn mỏng thì với họ mọi sự hỗ trợ dù chỉ là nhỏ nhất cũng đáng quý. "Trong lúc khó khăn, Chính phủ cho giảm nhiều loại thuế, phí thì bà con rất phấn khởi. Một quý cũng nộp khoảng mười mấy triệu, vì đang khó khăn mà lo nộp thuế cũng là vấn đề" - bà Nguyễn Thị Tuyết - Hộ kinh doanh tại TP. Hà Nội chia sẻ.

Đúng đối tượng, đem lại hiệu quả cao nhất

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ nói lên sự “hân hoan” chung của các tầng lớp doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như người dân khi gói hỗ trợ về thuế, phí được triển khai.

Và để chính sách thực sự “đi vào cuộc sống”, mang lại hiệu quả, nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai các chính sách tài khóa để phục hồi và phát triển kinh tế là rất hiệu quả, đa dạng và linh hoạt.

Bộ Tài chính đã có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, trước các biến động kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việc đề xuất miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất thể hiện sự linh hoạt trong chính sách tài khóa, hỗ trợ ngay lập tức cho doanh nghiệp, người dân.

Nhìn nhận từ tổng thể, khi thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp thành viên, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho hay, đây là những chính sách hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp, không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn và nguồn lực.

Giữa năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó nhấn mạnh việc điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Trọng tâm này được cụ thể hóa một phần thông qua việc Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024.

Đây có thể coi là một lời cam kết của Chính phủ, của Bộ Tài chính tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi.

Ngành Tài chính luôn sát cánh cùng doanh nghiệp

Việc thực thi chính sách thời gian qua cũng cho thấy, Bộ Tài chính đã tích cực lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia kinh tế để xây dựng chính sách phù hợp và hiệu quả nhất. Sự hợp tác chặt chẽ này giúp đảm bảo các chính sách được triển khai đúng đối tượng và đã mang lại hiệu quả cao nhất.

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh ở nước ta cũng có những nhận định tích cực. Theo ông Takeo Nakajima - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, vừa qua, Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn do cầu thế giới giảm. Vì vậy, việc Chính phủ tiếp tục có những những biện pháp nhanh chóng, kịp thời để kéo dài thêm các ưu đãi như là giảm thuế cho các doanh nghiệp là điều mà cần được đánh giá rất cao.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính vì doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để cân đối ngân sách và không ảnh hưởng tới nhiệm vụ thu NSNN, Bộ Tài chính đã khéo léo trong điều hành. Ví như việc giãn thuế, trong các gói hỗ trợ thuế, thì số tiền gia hạn thuế luôn là lớn nhất, lên tới hơn trăm nghìn tỷ đồng. Có đại biểu cho rằng, việc gia hạn thuế còn có tác dụng lớn hơn cả gói giảm lãi suất, vì đây thực chất là một khoản vay 0% mà Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư trở lại sản xuất kinh doanh, có lãi, từ đó có nguồn đóng góp trở lại NSNN.

Về phía Bộ Tài chính, Lãnh đạo Bộ luôn mong muốn doanh nghiệp tiếp tục thành công, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp trở lại cho nền kinh tế. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-2-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-vuot-qua-gio-nguoc-158888.html