Bài 2: Hiệu quả từ các mô hình thu hút trí thức Kiều bào

Nhiều mô hình, dự án có sự tham gia của nguồn lực trí thức Kiều bào trong phát triển kinh tế đã cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc.

Câu chuyện của Thành phố mang tên Bác

Thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Thông tư số 12-TT/TU ngày 28 tháng 7 năm 2022 trong đó có nội dung “…đa dạng hóa các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để tăng cường các hoạt động xúc tiến mời gọi, thu hút nguồn lực từ cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đầu tư, đóng góp phát triển đất nước, thành phố”. UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng đã ban hành các kế hoạch hành động triển khai thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn với các đề tài, dự án, phần việc cụ thể.

Trước đó, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2019 quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022. Cụ thể, thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với 14 vị trí có mức hỗ trợ ban đầu là 100 triệu đồng/người và các ưu đãi về thưởng, lương, tiền thuê nhà ở...

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự họp mặt Người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự họp mặt Người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Việt Dũng

Các chuyên gia và nhà khoa học được chi trả lương hằng tháng theo mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp; đối với giáo sư, phó giáo sư được hưởng hệ số 9,4; các trường hợp còn lại hưởng hệ số 8,8. Ngoài ra, TP.HCM hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà không quá 7 triệu đồng/tháng và phương tiện đi lại tùy theo khả năng của cơ quan, đơn vị tuyển dụng.

GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cho biết: Với chính sách hỗ trợ trên, trong những năm qua, đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn tại TP.HCM và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, Khu Công nghệ cao, các bệnh viện...

TS. Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D thuộc Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với sự tham gia của lực lượng trí thức kiều bào, trong vài năm trở lại đây, Trung tâm đã nắm bắt rất nhanh những công nghệ tiên tiến và phát triển được những ứng dụng thiết thực mà chưa nơi nào trong nước làm được để ứng dụng vào việc triển khai Đề án Đô thị thông minh của Thành phố. Trung tâm đã hình thành mạng lưới kết nối hợp tác quốc tế với các nước tiên tiến về công nghệ, trong đó TS. Hoàng Thế Bân là người kết nối với mạng lưới các vườn ươm quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ mới, phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo…

Hiệu quả lớn khác là hình thành được đội ngũ nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao. Đơn cử như lĩnh vực vi cơ điện tử của Trung tâm R&D thuộc Khu công nghệ cao đã có gần 20 nghiên cứu sinh được đào tạo chuyển giao, làm chủ công nghệ tiên tiến, tiếp cận công nghệ mới để nhanh chóng phát triển những sản phẩm khoa học công nghệ”- TS. Ngô Kế Thành cho biết.

Còn GS. TS Đặng Lương Mô, một nhà khoa học người Việt có uy tín trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới đã sớm trở về TP.HCM làm việc từ năm 2002, cho rằng: Chính sách thu hút những chuyên gia quốc tế, trong đó có Việt kiều vào một số vị trí của TP.Hồ Chí Minh là rất hay và đúng chủ trương như đã được thể hiện qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2004.

 GS-TS Đặng Lương Mô cùng bức tranh Cổng đỏ AKAMON kỷ niệm 100 năm Đại học Tokyo, vật kỷ niệm từ người thầy khi ông ở Nhật. Ảnh: Tấn Ba

GS-TS Đặng Lương Mô cùng bức tranh Cổng đỏ AKAMON kỷ niệm 100 năm Đại học Tokyo, vật kỷ niệm từ người thầy khi ông ở Nhật. Ảnh: Tấn Ba

Như vậy, TP.HCM là địa phương đang triển khai rất tốt việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Hiện nay có một mạng lưới kiều bào trẻ gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên với các sở ngành của Thành phố, họ đầu tư nhiều dự án lớn, tiêu biểu là dự án in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam của vợ chồng doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang và Vũ Xuân Sơn”- GS. TS Nguyễn Văn Phước thông tin thêm.

Đóng góp của trí thức Kiều bào ở thành phố đáng sống

Cũng giống như Tp. Hồ Chí Minh, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài làm cầu nối thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển quan hệ hữu nghị giữa thành phố với các địa phương của các nước.

Ông Võ Công Trí- Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng hiện có 74 chuyên gia là trí thức là kiều bào hợp tác với các cơ quan, đơn vị tại Đà Nẵng thông qua các hoạt động hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, tư vấn chính sách. Một số trí thức kiều bào đã đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thiết thực trong các vấn đề xây dựng thành phố, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển công nghệ trong nước.

Điển hình như ông Nguyễn Đăng Khoa (kiều bào tại Hoa Kỳ) hợp tác tư vấn hỗ trợ thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch thành phố Đà Nẵng; GS.TS. Lê Thành Nhân (kiều bào Pháp) hợp tác triển khai các nội dung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ không dây LoRa, trí tuệ nhân tạo trong triển khai xây dựng thành phố thông minh; doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn và một số trí thức người Việt ở nước ngoài tư vấn xây dựng trung tâm tài chính Đà Nẵng và khu phi thuế quan thành phố; GS.TS. Nguyễn Trường Hải (kiều bào Hoa Kỳ) hợp tác giảng dạy, huấn luyện kỹ sư phần mềm cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin; …

Những thư tịch cổ được ông Trần Thắng (kiều bào tại Mỹ ) trao tặng thành phố Đà Nẵng

Những thư tịch cổ được ông Trần Thắng (kiều bào tại Mỹ ) trao tặng thành phố Đà Nẵng

Đáng chú ý, ông Trần Thắng (kiều bào tại Hoa Kỳ), trong nhiều năm đã sưu tầm, triển lãm và trao tặng thành phố Đà Nẵng 150 bản đồ và 02 cuốn Atlas có giá trị trong việc làm cơ sở khoa học và pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo nên sức lan tỏa đối với người dân, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, được Bộ Ngoại giao đánh giá cao.

Hay trong gần 30 năm qua, Hội Gặp gỡ Việt Nam do GS Trần Thanh Vân làm Chủ tịch đã tổ chức 18 lần chuỗi các hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam”, thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng, nhiều nhà khoa học đoạt Giải Nobel đến tham gia. Đây là cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học học Việt Nam và quốc tế.

Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, từ năm 1994, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã thành lập quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh và từ năm 2000 đến nay, với sự thành lập Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam Vallet với sự tham gia của Quỹ Vallet (Pháp). Hội Gặp gỡ Việt Nam đã hỗ trợ hơn 40.000 suất học bổng với số tiền khoảng 400 tỷ đồng. Hiện nay mỗi năm Hội phát học bổng trên 37 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên ưu tú toàn quốc. Tài trợ 15 suất học bổng (6000 euro/suất) cho sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt tại Pháp.

Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam Vallet được trao cho các học sinh, sinh viên ưu tú

Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam Vallet được trao cho các học sinh, sinh viên ưu tú

Cùng với đó, Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) do GS Trần Thanh Vân làm Giám đốc thành lập sau 10 năm đã tổ chức hơn 100 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao với sự tham gia của gần 40 trường học khoa học chuyên đề; hơn 8500 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vũng lãnh thổ tham dự, trong đó có 18 giáo sư Nobel, 02 giáo sư đạt giải Fields, 02 giáo sư đạt giải Kavli, 01 giáo sư đạt giải Shaw, 01 giáo sư đạt giải Dirac, 01 giáo sư đoạt giải Kalinga và Cino Delduca…

Theo ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Với số lượng đông đảo, làm việc ở nhiều nước có trình độ cao về khoa học - công nghệ và kinh tế, được đào tạo trong môi trường phát triển, cạnh tranh, thông tin cập nhật, chuyên gia, trí thức kiều bào là vốn quý, nếu huy động tốt sẽ góp phần giúp đất nước pháy triển, đặc biệt trên các mặt khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Ông Từ Thành Huế - Trưởng ban Đối ngoại – Kiều bào, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam: “Sự kết nối giữa người Việt trên toàn cầu đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia vào các dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong thu hút nguồn lực trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài.

Còn tiếp..

Thu Hường - Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-thu-hut-tri-thuc-kieu-bao-256801.html