Bài 2: Linh hoạt giải pháp đưa điện lưới lên vùng cao
Ðể từng bước xóa bản 'trắng' điện lưới, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế. Từ ban hành nghị quyết chuyên đề; đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tranh thủ hiệu quả các nguồn lực; vận động Nhân dân hiến đất giải phóng mặt bằng, chung tay đưa điện về bản.
Ðiểm sáng xóa bản “trắng” điện lưới
Từng là huyện “đội sổ” bảng xếp hạng toàn tỉnh về tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, song những năm gần đây số hộ dân có điện lưới trên địa bàn Ðiện Biên Ðông không ngừng tăng. Ðó là “trái ngọt” từ việc quyết liệt xây dựng, triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề về xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện khóa VI. Ðây cũng là huyện duy nhất đã xây dựng và triển khai Nghị quyết chuyên đề về việc xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia.
Ðến hết nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Ðiện Biên Ðông còn 39 bản chưa có điện lưới quốc gia, trên 2.600 hộ chưa được sử dụng điện. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện địa hình phức tạp, dân cư phân bố rải rác, thiếu kinh phí, một số dự án đường điện vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng và liên quan đến phạm vi đất rừng. Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu đến hết năm 2025 có 100% bản (198 bản) có điện lưới, trên 95% hộ dân được cấp điện.
Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông cho biết: Huyện đã rà soát, lập danh mục các thôn, bản chưa có điện, xây dựng cụ thể kế hoạch hàng năm, thực hiện bố trí nguồn vốn dựa trên khả năng cân đối nguồn lực đầu tư của tỉnh. Dễ làm trước, khó làm sau, vướng đâu tháo đấy; huyện thực hiện đầu tư theo thứ tự ưu tiên và đầu tư trước cho các bản có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, dân cư sinh sống tập trung. Ðồng thời, chỉ đạo các xã chuẩn bị mặt bằng, tăng cường vận động Nhân dân hiến đất; làm việc với cơ quan liên quan về thủ tục đất rừng. Nhờ đó, đến tháng 5/2023, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia (đạt 100%); 172/198 bản có điện lưới quốc gia (đạt 86%); 12.623/14.185 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia (đạt 88%).
Sau hơn 40 năm sống trong cảnh đèn dầu, bếp củi, gần 50 hộ dân bản Pá Chuông - Pá Dên, xã Na Son chính thức được sử dụng điện lưới. Công trình đường điện bản Pá Chuông - Pá Dên có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện, do Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ðiện Biên Ðông làm chủ đầu tư. Quy mô gồm: Ðường dây trung áp 35kV dài 173m, 1 trạm biến áp và đường dây hạ áp 0,4kV với tổng chiều dài 2.616m. Có điện, cuộc sống của người dân bước sang trang mới.
Ông Tòng Văn Chum, Trưởng bản Pá Chuông - Pá Dên cho biết: Ðầu tháng 3/2023 khi đóng điện thành công người dân Pá Chuông - Pá Dên mừng lắm! Ðiện về, cả bản sôi động hơn. Nhiều gia đình đã để dành tiền mua sắm ti vi, nồi cơm điện, máy bơm nước, máy xay xát. Người dân được xem các chương trình truyền hình, phát thanh cập nhật thông tin thời sự, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; đời sống tinh thần được nâng lên.
Còn tại bản Tào La (xã Tìa Dình) những ngày này người dân cũng đang đếm ngược từng ngày bởi dự án cấp điện lưới quốc gia đang gấp rút thi công giai đoạn cuối. Nhìn những cột điện thẳng tắp dựng lên dọc tuyến đường bản, ông Giàng A Dua, bản Tào La phấn khởi nói: “Chuẩn bị được sử dụng điện quốc gia, dân bản rất vui. Một vài nhà đã mua sắm sẵn một số thiết bị điện”. Cũng nằm trong hệ thống điện sinh hoạt xã Tìa Dình, người dân bản Háng Sua và Na Su đang mong chờ thời điểm cuối năm 2023 sẽ chính thức đóng điện và được sử dụng điện lưới quốc gia.
Linh hoạt cách làm
Cùng với Ðiện Biên Ðông, các địa phương khác cũng chủ động, linh hoạt cách làm để xóa thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia.
Ông Hạng Xuân Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tủa Chùa cho biết: Huyện Tủa Chùa đã rất quyết liệt trong việc rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Nhờ đó 33 thôn, bản, nhóm dân cư với gần 1.300 hộ dân đã được bổ sung trong giai đoạn này. Ðồng thời, tích cực kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư đường điện gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, Tủa Chùa đã có 11.102 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia (đạt tỉ lệ 91% ).
Với huyện Nậm Pồ thì lại bám sát và tranh thủ tối đa nguồn lực, các dự án lớn của ngành Ðiện. Khi mới chia tách, hầu hết các xã vùng cao, vùng sâu của huyện chưa có điện lưới đến trung tâm xã. Do địa hình chia cắt hiểm trở, các bản ở xa trung tâm, việc đầu tư đường điện cần kinh phí rất lớn. Vì vậy chính quyền huyện Nậm Pồ đã khẩn trương rà soát các bản chưa có điện, đề nghị UBND tỉnh phương án đầu tư. Kết quả dự án Ðầu tư xây dựng công trình “Mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 3 - sử dụng vốn kết dư của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB” đã được Tổng Công ty Ðiện lực Miền Bắc phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 66 tỷ đồng, triển khai trên địa bàn 2 huyện: Nậm Pồ và Mường Nhé. Ðến nay, Nậm Pồ có 100/121 bản với 9.562 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia (đạt tỉ lệ 88% số hộ).
Linh hoạt cách làm, phù hợp với từng địa phương, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình, dự án về điện được đầu tư xây dựng và hoàn thành đóng điện. Hệ thống lưới điện như những cánh tay vươn dài, đưa ánh sáng đến các thôn, bản vùng cao, vùng xa. Ngoài các dự án lớn của ngành Ðiện còn có những công trình do Sở Công Thương đầu tư xây dựng như: Công trình cấp điện cho 66 hộ, bản Huổi Hua A2, xã Keo Lôm (đóng điện tháng 12/2022); cấp điện cho 30 hộ bản Phi Giàng 2, xã Tủa Thàng (đóng điện tháng 1/2023); cấp điện cho 54 hộ bản Phiêng Páng, xã Sính Phình (đóng điện tháng 1/2023); hay một số công trình do UBND cấp huyện đầu tư như: Cấp điện cho 76 hộ bản Hô Nậm Cản, xã Lay Nưa (đóng điện tháng 12/2022)…