Bài 2: Lựa chọn trọng tâm, tạo đột phá

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 nhận được sự quan tâm lớn của cử tri, nhân dân cả nước; tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực rất rộng và rất khó, đòi hỏi cách tiếp cận đúng đắn, giải quyết những vấn đề có tính cấp thiết, tạo đột phá cho văn hóa phát triển.

“Mỗi lĩnh vực một ít, sẽ không hiệu quả”

Một trong những điểm trừ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện là ôm đồm và dàn trải, xác định quá nhiều nhiệm vụ trong một khoảng thời gian không dài. Thế nhưng, với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, “cảm giác đầu tiên của tôi là vẫn ôm đồm và dàn trải”, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận xét. “10 nội dung thành phần, mỗi nội dung này lại có các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể (153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết - PV), trong khi thời gian thực hiện Chương trình chỉ 10 năm, thì quá cồng kềnh và đồ sộ”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị rà soát theo hướng xác định khâu trọng yếu cần tập trung để đầu tư phát triển. “Như thế mới chính xác là chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu như chúng ta đầu tư dàn trải như thế này, mỗi địa phương một ít, mỗi lĩnh vực một ít, thì tôi nghĩ không hiệu quả. Không nhất thiết phải rải đều mọi lĩnh vực, mọi địa phương. Chúng ta vẫn chưa khắc phục được tư duy này khi quyết định đầu tư một lĩnh vực nào đó”.

Nhiều ý kiến đề nghị Chương trình xác định một số mục tiêu lớn, không nên đưa con số tuyệt đối hóa trong mục tiêu mà chỉ mang tính định hướng, mang tầm chiến lược. Đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng, nhu cầu để có cơ sở xác định chính xác mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư; tính toán khả năng, mức độ đáp ứng của các nguồn vốn; tính khả thi, hiệu quả của các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm của Chương trình. Nhiều mục tiêu cụ thể cao nhưng hoạt động hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào người thụ hưởng. Như xã có trung tâm thể thao hoành tráng nhưng cả năm không tổ chức sự kiện nào; nhà thi đấu đa năng không ai sử dụng vì người dân chủ yếu chơi bóng chuyền hơi…

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được kỳ vọng sẽ đánh thức được hệ giá trị Việt

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được kỳ vọng sẽ đánh thức được hệ giá trị Việt

“Các chỉ tiêu đó cũng phải được đặt trong một hệ thống tổng thể, đồng bộ với nhau”. Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân lấy ví dụ chỉ tiêu 80% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật, trong bối cảnh hiện nay nhiều địa phương không có đủ giáo viên dạy các môn học này, nếu “chúng ta đạt được mục tiêu về phòng học nhưng lại không đạt được mục tiêu về giáo viên thì cũng không ý nghĩa”.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, vì đây là chương trình mục tiêu quốc gia, nên cần xác định cái gì Nhà nước làm, cái gì xã hội làm, để tạo được cú hích. “Với tư cách là chương trình mục tiêu quốc gia đang ở thời điểm lịch sử, cần vận dụng kinh tế thị trường, khai thác lực lượng ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, phải đặt ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng nhất, xác định trọng tâm, trọng điểm, định lượng kết hợp định tính, bằng nhận thức tư duy khoa học về văn hóa”.

Tập trung cho những vấn đề lớn, cấp bách

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nên tập trung cho những nội dung đang chưa thực sự phát triển và cũng chưa thực sự được đầu tư đúng mức, như văn học nghệ thuật; công nghiệp văn hóa; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là những di sản có nguy cơ mai một và có chế độ cho nghệ nhân; đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống. “Tôi nghĩ đây là những vấn đề chúng ta phải quan tâm đầu tư trước mắt khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Những nội dung lẫn với chi thường xuyên và trùng lặp với các nội dung đã có ở những chương trình mục tiêu khác thì không nhất thiết phải đưa vào”.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thì mong muốn Chương trình “hết sức chú trọng tới đời sống tinh thần của nhân dân”. Cùng với hạ tầng, thiết chế, phải đặc biệt quan tâm tới những giá trị vô hình nhưng tác động rất lớn tới con người, đó là hệ giá trị Việt cũng như chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. “Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhìn chung nhiều địa phương đã có khởi sắc, nhưng thiếu chiều sâu văn hóa. Trong quan niệm vẫn muốn có trụ sở to hơn, bê tông hóa nhiều hơn, chứ chưa chú trọng đánh thức những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người. Chính vì vậy, tôi nghĩ Chương trình này phải đánh thức được giá trị Việt và bảo tồn được các di tích, danh thắng đang hàng ngày, hàng giờ bị xâm hại”.

Rút kinh nghiệm từ các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, “mục tiêu thì lớn, chỉ tiêu thì cao, nhiệm vụ thì nhiều nhưng kinh phí thì ít”, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng, nên lựa chọn làm một số nội dung cốt lõi mang tính dẫn dắt của từng khu vực, vùng miền. “Mỗi vùng miền có đặc trưng văn hóa khác nhau, chúng ta phải thiết kế nội dung làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng miền đó”.

Theo PGS.TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, “nguồn nhân lực cần đưa lên đầu tiên”. PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng cũng kiến nghị có chính sách đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về văn hóa, như đầu tư cho các trường văn hóa, xây dựng trường đại học về công nghiệp văn hóa ở TP. Hồ Chí Minh…

Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách, không thay thế các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hóa. Nhấn mạnh quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa. “Trong đó chú ý các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo ra nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa; hỗ trợ các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn”.

Nguyên Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-2-lua-chon-trong-tam-tao-dot-pha-i373524/