Bài 2: Mọi sự phát triển của công cuộc đổi mới đều vì và cho con người

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Thứ hai, xuất phát từ đất nước và thế giới, kiến tạo và phát triển chủ nghĩa xã hội Việt Nam, góp phần phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học.

Ổn định chính trị - điều kiện tiên quyết của đổi mới

Phải giữ vững ổn định chính trị mới đổi mới xã hội được, ổn định chính trị trở thành một điều kiện tiên quyết của đổi mới và phát triển với phương thức phát triển rút ngắn.

Phải sau 25 năm đổi mới, 8 mối quan hệ lớn mới được tổng kết hệ thống trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Theo quy mô và tốc độ đổi mới, đó là kết quả tự nhiên của sự tìm tòi, vượt qua mọi giới hạn, ngay từ năm 2002, vấn đề này được đặt ra và hành động dứt khoát: “Đổi mới, phát triển, ổn định có mối liên hệ nội tại không thể chia cắt… Ổn định là tiền đề của đổi mới và phát triển; phát triển và đổi mới cần phải có môi trường chính trị xã hội ổn định”(4). Nghĩa là, “Đổi mới phải trong ổn định và phát triển tạo ra tốc độ và sức mạnh của đổi mới, đến lượt phát triển lại là thước đo của sự ổn định ở đẳng cấp cao hơn và càng đổi mới càng phải ổn định càng phải phát triển”(5). Đó là nghệ thuật xử lý những “nghịch lý” trong sự phát triển của đổi mới Việt Nam vừa hợp quy luật vừa hợp lòng Dân và sự vận động của thế giới. Mặt khác, chủ thuyết đổi mới cũng nhấn mạnh, phải tập trung sức đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của Nhân dân về đời sống, việc làm..., xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, coi đó là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự ổn định vĩ mô, tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị và các lĩnh vực khác một cách uyển chuyển mang tầm tổng thể 10 mối quan hệ chiến lược.

Sẽ là ảo tưởng trong việc tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nếu vấn đề ổn định chính trị không được coi trọng như là một điều kiện tiên quyết. Nhưng việc ổn định chính trị và đổi mới hệ thống chính trị sẽ hết sức khó khăn nếu thiếu sự bảo đảm bởi những tiền đề vật chất, với tư cách là nền tảng. Thoát ly sự tăng trưởng của kinh tế, đặt ra yêu cầu quá cao đối với việc phát triển xã hội là không thực tế, nhưng cũng hết sức sai lầm nếu chỉ coi trọng việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội, bởi đó chính là một trong những nguồn gốc dẫn tới mất ổn định chính trị.

Đổi mới, phát triển, ổn định có mối liên hệ nội tại không thể chia cắt. Phát triển là mục đích, mà mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề của xã hội nước ta là phải dựa vào sự phát triển của chính mình, nắm bắt thời cơ, tự phát triển, trên cơ sở phát triển kinh tế thúc đẩy sự phát triển hài hòa, toàn diện của xã hội. Đó là yêu cầu khách quan để từng bước giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của xã hội nước ta ở giai đoạn hiện nay. Đổi mới là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển, là nhằm giải phóng và phát triển sức sản xuất, là biện pháp cơ bản để giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của xã hội, là sự tự hoàn thiện và phát triển của chủ nghĩa xã hội. Ổn định là tiền đề của phát triển và đổi mới; phát triển và đổi mới cần phải có môi trường chính trị và xã hội ổn định.

Đảng ta hình dung và quyết định hết sức rõ, tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, với tư cách là một thể chế chính trị, nhưng phải rất tôn trọng quá trình lịch sử - tự nhiên, nhất là quá trình phát triển kinh tế, không thể nóng vội hay chủ quan, duy ý chí đối với quá trình này. Nói cụ thể, sự phát triển “rút ngắn” ở đây được hiểu chính là tiến trình đẩy nhanh tương đối quá trình phát triển xã hội chủ nghĩa bằng cách thông qua những khâu trung gian, những hình thức quá độ, nhất là tăng trưởng kinh tế một cách phù hợp, trong điều kiện chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội với điểm xuất phát thấp.

Đó là sự phát triển đứt đoạn trong liên tục, tuần tự kết hợp với nhảy vọt biện chứng. Đồng thời, Đảng ta cũng ý thức rất rõ và hoạch định chính xác những bước đi cơ bản và quyết định bảo đảm thành công bước “bỏ qua” một cách biện chứng, nhất là những tính quy luật chung của quá trình phát triển từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn XHCN. Mặt khác, “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”, Đảng ta cũng ý thức hết sức minh triết việc phủ định một cách biện chứng và việc chủ động kế thừa và phát triển những thành tựu toàn diện, những kết quả tích cực của chủ nghĩa tư bản, nhất là quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới.

Điểm hết sức độc đáo, mới mẻ làm nên bản sắc của con đường XHCN Việt Nam tiếp tục cuộc hành trình trong thế kỷ XXI là, tiến lên chủ nghĩa xã hội “bỏ qua” chế độ tư bản chủ nghĩa. “Đó là con đường Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, bằng hệ phương thức và bước đi phù hợp với quá trình lịch sử - tự nhiên tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua sự rút ngắn các giai đoạn, bước diễn tiến của nền văn minh loài người (về thời hạn, nấc thang, tốc độ phát triển...) dựa trên nền tảng sự tăng trưởng vượt bậc sức sản xuất xã hội, thông qua việc chủ động xử lý các mối quan hệ căn bản và chủ yếu, các loại mâu thuẫn trong quá trình tổ chức thực tiễn”(6). Nghĩa là, chúng ta “bỏ qua” chế độ tư bản chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa xã hội theo cách riêng của mình hợp quy luật phổ biến, từ thực tế của đất nước và hợp với xu thế phát triển của thời đại, không chịu bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài và nhất là không ảo tưởng vào một mô hình tiên nghiệm hay sẵn có nào, trên cơ sở ổn định và phát triển. Đó là con đường XHCN Việt Nam.

Chủ thuyết đổi mới đã tiên liệu xa và xử lý hết sức khéo léo và sâu sắc mối liên hệ biện chứng của tổng thể 10 mối quan hệ chiến lược; đồng thời, dự liệu những chướng ngại cản trở việc giải quyết chúng từ nội dung tới những phương pháp nhằm đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta tiếp tục tiến lên một cách đúng hướng và vững chắc.

Như vậy, vấn đề ổn định để phát triển thông qua đổi mới và đổi mới để ổn định hơn, phát triển bằng phương thức rút ngắn với gia tốc mới một cách hợp quy luật là nét cơ bản làm nên bản sắc độc lập mang tính chỉnh thể của chủ thuyết đổi mới. Vấn đề này không chỉ đơn giản được rút ra từ bài học thất bại của công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, từ kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc, Cuba mà nhìn rộng hơn, đó chính là sự vận động của đời sống quốc tế những năm 90 của thế kỷ XX và hiện nay. Đó là tính thực tiễn của tư tưởng và tầm tư tưởng của đổi mới XHCN ở nước ta.

Đó là nét đặc sắc rất cơ bản của chủ thuyết đổi mới.

Con người - chủ thể, động lực, đối tượng phục vụ của công cuộc đổi mới

Thứ ba, nhân tố con người và hạnh phúc của Nhân dân là nhân tố căn bản và giữ vị trí trung tâm của sự phát triển xã hội XHCN Việt Nam.

Chỉ có trong quá trình phấn đấu vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội, con người mới được đặt ở vị trí trân trọng đến vậy. Chính điều này đã làm sâu sắc, phong phú chủ thuyết đổi mới nhân văn.

Con người là vốn quý nhất, mọi của cải vật chất, mọi giá trị tinh thần đều do con người sáng tạo ra. Con người vừa là chủ thể vừa là động lực vừa là đối tượng phục vụ của công cuộc đổi mới. Chăm lo cho hạnh phúc của con người là mục tiêu cao cả, là nhiệm vụ trung tâm, trọng đại của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Đây là vấn đề hoàn toàn phù hợp với xu thế tiến bộ xã hội của thế giới trong thế kỷ XXI.

Phát triển nhân tố con người thực chất là khai thác mọi tiềm năng của con người, nó vừa là mục tiêu cuối cùng, vừa là động lực cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển cá nhân của mỗi con người phải gắn chặt với sự phát triển của xã hội mới. Đến lượt mình, chế độ và xã hội cần tạo điều kiện và môi trường cho sự phát triển con người, trước hết là ưu tiên phát triển thể chất và tinh thần. Từng con người được tạo điều kiện phát triển tức là tiếp tục nhận thức chân giá trị của bản thân mình, tự giác thoát khỏi sự hạn chế và trói buộc vật chất tầm thường để vươn tới hạnh phúc trong tương lai tươi sáng của đất nước.

Chủ thuyết đổi mới không ngừng làm phong phú và sâu sắc hơn quan điểm vừa ra sức phát triển kinh tế, vừa quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, mà trong đó con người chiếm vị trí chủ thể và giữ vai trò là động lực nhằm tạo ra sự cân đối, hài hòa, đồng bộ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Kết hợp hữu cơ giữa "cái kinh tế" và "cái xã hội", giữa "hiệu quả kinh tế" và "hiệu quả xã hội" trong sự bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái tự nhiên nhằm đưa xã hội tới ổn định, phồn vinh và phát triển bền vững. Đó là hai mặt của vấn đề phát triển hiện đại. Quan điểm cơ bản này của chủ thuyết đổi mới rất phù hợp với quan điểm tiến bộ của thế giới hiện đại.

Bởi, sự hài hòa không chỉ là nhu cầu trong quan hệ giữa con người với con người, giữa các nước, các dân tộc với nhau mà còn là sự biểu hiện giữa con người với thiên nhiên, với cộng đồng, bảo đảm phù hợp với lợi ích cao nhất của cả dân tộc và nhân loại. Sự hài hòa này không chỉ là phương châm để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội giữa các dân tộc trong nước với nhau và đối với các nước khác, mà còn là biện pháp để điều hòa các mối quan hệ trong sản xuất, trong quá trình khai thác, bảo vệ thiên nhiên và các loại sinh thái khác trong chỉnh thể thế giới không ngừng phát triển và tiến bộ.

Nói khái lược, mọi sự phát triển của công cuộc đổi mới xoay xung quanh con người, vì con người và cho con người chứ quyết không phải con người xoay chung quanh công cuộc đổi mới. Đó chính là mục tiêu nhân văn tối cao của công cuộc đổi mới. Đổi mới XHCN để có chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam, có thể nói, chính là văn hóa.

Chủ thuyết đổi mới đã tiên lượng, đón gặp và hội nhập với xu thế phát triển nhân văn của thời đại chúng ta.

“Đảng Cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu rõ ràng là duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và đổi mới toàn diện để xây dựng một quốc gia thịnh vượng, công bằng và văn minh, thúc đẩy dân chủ và coi con người là nhân tố chính của mọi hoạt động”(7).

______________

(4) TS. Nhị Lê: Một số suy nghĩ về chủ nghĩa xã hội: Từ lý luận đến thực tiễn, Nxb Lao động, Hà Nội, 2002, tr.203

(5) TS. Nhị Lê: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng chủ ngjhĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.171

(6) TS. Nhị Lê: Một số suy nghĩ về chủ nghĩa xã hội: Từ lý luận đến thực tiễn, Sđd, tr.108

(7) Quốc tế đánh giá cao về thành công Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Nhân dân cuối tuần, số ra ngày 29-10-2016.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bai-2-moi-su-phat-trien-cua-cong-cuoc-doi-moi-deu-vi-va-cho-con-nguoi-i375083/