BÀI 2: Nâng cao đời sống người dân
BÀI 1: Cú hích từ quy hoạch và hạ tầng
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân là mục tiêu cao nhất mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) hướng tới. Qua thời gian xây dựng huyện NTM, Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu nâng cao thu nhập và đảm bảo các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN
Tân Phước là địa phương thuần nông nên khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, huyện đã tập trung triển khai các giải pháp nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp. Từ đó, ngành Nông nghiệp đã có chuyển hướng mạnh sang sản xuất hàng hóa, tập trung theo quy mô, giá trị gia tăng cao. Từ nền tảng đó, huyện Tân Phước cũng hướng đến mục tiêu phát huy các thế mạnh về phát triển cây, con đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, tập trung vào hai lĩnh vực chính là trồng trọt và chăn nuôi với 4 ngành hàng chủ lực là lúa - gạo, trái cây, rau màu và chăn nuôi.
Thực tế vừa qua cho thấy, việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp nông thôn được huyện chú trọng thực hiện, nhất là tập trung nâng chất hoạt động của loại hình kinh tế tập thể. Kết quả là hiện trên địa bàn huyện có 16 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn 11 xã, với tổng số vốn điều lệ hơn 8,6 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, huyện Tân Phước xây dựng và phát triển đượ
c một số chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả như liên kết tiêu thụ trái cây, lúa… Thông qua tham gia HTX, nông dân giảm chi phí sản xuất đầu vào nhờ được mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá sỉ từ HTX và sản phẩm bán ra thị trường có giá cao hơn. Đến nay, tổng diện tích tham gia liên kết sản xuất đối với cây ăn trái đạt 192 ha (tỷ lệ tham gia liên kết 192/596 ha, đạt hơn 32%), với 182 hộ tham gia liên kết; cây lúa có tổng diện tích tham gia liên kết đạt 429 ha (tỷ lệ tham gia liên kết 480/995 ha, đạt gần 44%), với 480 hộ tham gia liên kết. Việc liên kết sản xuất giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.
Ông Lê Văn Minh (ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông) phấn khởi: “Nhờ liên kết sản xuất mà giá khóm thời gian qua được giữ ổn định từ 8.500 - 9.500 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi ha khóm của tôi thu hoạch cho đến khi trồng lại vụ mới có thể thu được lợi nhuận 200 triệu đồng/ha, mang lại thu nhập khá cho gia đình”.
Cùng với đó, thời gian qua huyện cũng đã tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo đó, trên địa bàn huyện Tân Phước xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình Ươm trồng cây cảnh của gia đình chị Trần Thị The ở ấp Mỹ Hòa, xã Phước Lập. Vườn ươm cây cảnh của chị The đã mở rộng lên 3 ha với 20.000 cây phôi các loại như: Linh sam, mai vàng, bông trang, bông giấy, mai chiếu thủy…
Chị The cho biết: “Bên cạnh việc kinh doanh truyền thống, tôi còn quảng bá sản phẩm trên trang mạng xã hội để tìm thêm đầu ra. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán hơn 5.000 cây cảnh phôi và cây trưởng thành thu lãi trên 300 triệu đồng”.
Tiểu thủ công nghiệp nông thôn cũng là thế mạnh của huyện Tân Phước, đặc biệt là làng nghề truyền thống bàng buông ở xã Tân Hòa Thành. Làng nghề hiện có 1.875/2.927 hộ, chiếm hơn 64%, với khoảng 7.113 lao động và 14 cơ sở thu mua. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là nón, giỏ đan từ bàng hoặc buông với sản lượng 4.000 - 6.000 nón/tháng mang lại thu nhập cho lao động trong làng nghề bình quân từ 1.500.000 đến 1.700.000 đồng/người/tháng.
Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn, củng cố phát triển làng nghề bàng buông ở xã Tân Hòa Thành; công nhận mới và nâng cấp các sản phẩm OCOP. Trong các năm qua, kế hoạch trên đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với các chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề. Đến nay, toàn huyện có 8 sản phẩm OCOP 4 sao, 9 sản phẩm OCOP 3 sao, vượt so với chỉ tiêu giao đến năm 2025.
Cùng với đó, UBND huyện đã tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, với đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao trình độ nhận thức của người lao động nông thôn. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2023, huyện đã phối hợp tổ chức 124 lớp dạy nghề lao động nông thôn; qua học nghề có 2.961 lao động tự tạo được việc làm. Đến nay, địa bàn 11 xã có 26.529 người trong độ tuổi lao động, số người có việc làm là 35.711 người, đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo hơn 74%.
Qua những giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, đời sống kinh tế của người dân Tân Phước đã được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21,84 triệu đồng/năm vào năm 2011 lên 64,34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 1,59%.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG TINH THẦN
Bên cạnh kinh tế, đời sống văn hóa của người dân được huyện Tân Phước chú trọng đầu tư và nâng chất. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn 11 xã của huyện đã đầu tư xây mới, sửa chữa 11 trung tâm văn hóa - thể thao xã, có sức chứa từ 200 - 250 chỗ ngồi. Cùng với đó, huyện đã xây dựng 51 nhà văn hóa - khu thể thao ấp với quy mô xây dựng 100 chỗ ngồi, có sân khấu 30 m2 được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đạt chuẩn quy định. Qua đó, huyện có 11/11 xã có bố trí điểm vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi; 100% ấp có nhà văn hóa - thể thao phục vụ cộng đồng.
Qua thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm văn hóa - thể thao, huyện Tân Phước đã củng cố và nâng chất các câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ trên địa bàn. Trong đó, các nhóm, CLB đờn ca tài tử trên địa bàn huyện hoạt động khá mạnh. Nổi bật như Nhóm Đờn ca tài tử Hoàng Dũng (xã Tân Hòa Thành) hiện có 12 thành viên, sinh hoạt 3 buổi/tuần, phục vụ bình quân 30 khách đến thưởng thức mỗi đêm. Cô Võ Thị Thanh Lan, một trong những thành viên của Nhóm Đờn ca tài tử Hoàng Dũng chia sẻ: “Nhóm Đờn ca tài tử giúp chúng tôi có sân chơi phù hợp với sở thích của mình, có cơ hội để chúng tôi giải trí lành mạnh và học hỏi thêm nhiều bài bản mới từ các thành viên trong nhóm…”.
Tân Phước hiện có CLB Đờn ca tài tử huyện, được thành lập từ năm 2013, với 40 thành viên, đã đoạt nhiều giải thưởng do cấp trên tổ chức. Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện đã khảo sát nắm bắt và thành lập thêm 2 CLB Đờn ca tài tử xã Thạnh Mỹ và xã Hưng Thạnh giúp khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở. Ông Nguyễn Văn Hộp, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Hưng Thạnh cho biết: “CLB ra mắt vào đầu tháng 3-2021, với hơn 20 thành viên, được UBND xã tạo điều kiện về cơ sở vật chất (dàn âm thanh, hội trường…) để sinh hoạt, biểu diễn phục vụ người dân định kỳ 1 tháng/lần…”.
Bên cạnh đó, phong trào hoạt động thể dục - thể thao được duy trì và phát triển tốt, thu hút nhiều thành phần trong nhân dân tích cực tự nguyện, tự giác tham gia rèn luyện sức khỏe. Nhiều hoạt động thể dục - thể thao được xã hội hóa sâu như Giải Việt dã huyện, Giải Vô địch các môn võ huyện Tân Phước mở rộng. Cụ thể, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao, với 22.965/64.930 người tập luyện thể thao thường xuyên, chiếm hơn 37% tổng số dân; số hộ gia đình tham gia tập luyện thể thao thường xuyên là 4.204/16.311, chiếm gần 26% số hộ.
Có thể nói rằng, công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện Tân Phước đã thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân một cách toàn diện và bền vững.
CAO THẮNG - T.T
(còn tiếp)