Bài 2: Nhận diện những khoảng trống
Hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) được chỉ mặt đặt tên, trong đó có những công trình mà hành vi vi phạm đã gián tiếp gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc về người, tài sản của Nhân dân. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
“Trên nóng dưới vẫn còn lạnh”
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, nếu năm 2016 tỉ lệ công trình vi phạm trên địa bàn TP chiếm 13,9% (2.469/19.138 công trình), đến năm 2020 giảm còn 2,13% (402/18.878 công trình). Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết hoạt động xây dựng đều bị trì hoãn, nhưng bước sang các năm 2022 – 2023, hoạt động đã trở lại bình thường, bình quân mỗi năm có khoảng gần 20.000 công trình xây dựng các loại. Đặc biệt, nếu so sánh với năm 2016, khi tỷ lệ vi phạm TTXD chiếm tới 13,9%, thì đến thời điểm này đã giảm xuống còn khoảng 1,67%.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho hay: “Được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP nên các ngành, địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ để triển khai công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tạo sự chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả trong công tác quản lý. Trên cơ sở đó, những vi phạm mới được phát hiện kịp thời, những vi phạm nổi cộm gây bức xúc trong dư luận được hạn chế; số lượng các vụ vi phạm TTXD giảm rõ rệt theo từng năm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm TTXD vẫn diễn ra với chiều hướng phức tạp, cùng nhiều chiêu trò để qua mắt lực lượng chức năng”.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý TTXD, Chính phủ đã cho phép TP Hà Nội triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả mô hình của lực lượng Thanh tra Xây dựng. Đến thời điểm này, lực lượng Thanh tra Xây dựng sau nhiều lần thay tên gọi và đơn vị chủ quản đã chính thức trở thành Đội Quản lý TTXD đô thị - đơn vị trực thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Trong đó, Đội Quản lý TTXD đô thị có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra những trường hợp vi phạm TTXD đô thị trên địa bàn; phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm TTXD theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, phân quyền của UBND TP Hà Nội. Qua đó, được đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền. Thậm chí, đơn vị này có trách nhiệm, thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...
Tuy nhiên, bên cạnh đó là vấn đề bất cập liên quan đến công tác quản lý; những yếu tố mang tính chủ quan, buông lỏng, thiếu kiểm soát của một số cán bộ trong quá trình thực thi công vụ; thì những “kẽ hở” về luật cũng là một trong những vấn đề đáng được quan tâm. Còn nhớ, vào giữa tháng 4/2024 vừa qua, Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) đã bị đề xuất tạm dừng điều hành một số nhiệm vụ để tập trung xử lý các trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng tại địa bàn. Và đến thời điểm này, phần lớn các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai thỏa thuận… đã được các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.
... đến những vướng mắc trong thực tế
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông (TP Hà Nội) Bùi Xuân Hà, công tác quản lý Nhà nước về TTXD, đô thị thời gian qua tại địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, quận đã cấp 1.884 giấy phép xây dựng; đồng thời giao UBND các phường phối hợp cùng Đội quản lý TTXD đô thị thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện trường hợp vi phạm và thiết lập hồ sơ xử lý.
“Quận Hà Đông là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, nên nhu cầu về xây dựng của người dân, doanh nghiệp rất lớn. Trên địa bàn đang có 18 dự án khu đô thị, khu nhà ở, 105 công trình cao tầng đang trong quá trình thi công xây dựng. Mặc dù chính quyền đã rất sát sao trong công tác quản lý, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều trường hợp người dân và doanh nghiệp thiếu sự phối hợp khi xảy ra vi phạm; có thái độ cản trở, gây khó khăn đối với lực lượng chức năng...” – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Bùi Xuân Hà cho hay.
Số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2023 qua công tác thanh – kiểm tra, lực lượng chức năng TP đã phát hiện gần 10.000 công trình xây dựng không phép, sai phép, trong đó, 7.326 công trình xây dựng không phép, 2.294 công trình xây dựng sai phép. Đáng quan ngại, hầu hết những trường hợp vi phạm này đều là các loại hình công trình nhà ở, gồm: chung cư, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ (nhà trọ) và nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao.
Quá trình xung đột pháp luật và quy định thiếu rõ ràng được xem là một rào cản dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực thi pháp luật nói chung và hoạt động đầu tư xây dựng nói riêng. Việc vướng mắc về pháp lý cũng khiến cho nhiều cán bộ có tâm lý né tránh, trì hoãn hoặc từ chối giải quyết công việc do sợ sai nên dẫn đến tình trạng vi phạm tồn đọng kéo dài không được giải quyết hoặc làm chậm quá trình triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình.
Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), TS Hoàng Anh Tuấn
Trong đó, loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) là một “vấn nạn” về vi phạm TTXD đô thị, dẫn đến hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của người dân. Điển hình là vụ cháy thảm khốc tại tòa chung cư mini số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) làm 56 người chết và 37 người bị thương xảy ra và đầu tháng 9/2023. Chung cư trên chỉ được cấp phép 6 tầng, nhưng lại xây dựng tới 9 tầng.
Qua tổng kết, đánh giá việc thực thi pháp luật đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng năm 2024 của Bộ Xây dựng cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Trong đó nổi lên là sự chồng chéo về pháp lý, bởi hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều tiết của nhiều luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Nhà ở...), những quy định giữa các luật vẫn còn một số nội dung chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và quá trình chuyển tiếp giữa các văn bản luật gây ra nhiều vướng mắc. Trong khi liên tục có sự điều chỉnh, dẫn đến việc các dự án đầu tư thường bị chậm trễ, kéo dài...
Đối với hoạt động quản lý ở chính quyền cơ sở, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, theo quy định tại Luật Thủ đô 2024, phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức, có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. Tuy nhiên, hiện nay dân số của phường Trung Hòa là 56.000 dân nhưng đến nay số công chức làm việc tại phường vẫn chỉ 15 người.
“Hiện nay, lượng thời gian dành cho công tác quản lý TTXD và phòng cháy chữa cháy chiếm từ 30 – 40% tổng khối lượng công việc thường xuyên và phát sinh tại địa phương. Trong khi đó, tại cấp xã, phường không có cán bộ chuyên môn cho lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; đồng thời UBND phường chỉ được định biên tối đa 15 công chức, nên một người phải kiêm nhiệm nhiều việc, áp lực rất lớn” - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
(Còn nữa)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-nhan-dien-nhung-khoang-trong.html