Bài 2: Những con số biết nói

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Hà Nội đã có bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao các chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của quản trị, hành chính, mức độ cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh (ĐTKD).

Những con số đó thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của Hà Nội cũng đang được tập trung đầu tư.

Cuộc bứt phá ngoạn mục

Những năm gần đây, Hà Nội đã có cuộc bứt phá ngoạn mục trong các chỉ số thể hiện sự cải thiện môi trường ĐTKD. Cụ thể, từ mức chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Hà Nội năm 2019 có tổng điểm là 41,54; xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 đạt 41,629 điểm, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố và năm 2021, chỉ số này của Hà Nội đạt 44,45 điểm, xếp thứ 9 của cả nước và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp cao nhất. Bước chuyển biến tích cực này phản ánh thành quả từ sự nỗ lực, quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI bằng những giải pháp thiết thực của chính quyền TP Hà Nội và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Còn theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Hà Nội đứng thứ 10 (68,6 điểm) trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. Hà Nội cũng được đánh giá khá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Nhằm gia tăng khả năng hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, tháng 8-2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Theo đó, thành phố sẽ tập trung quyết liệt khắc phục các chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể và các chỉ số rơi vào nhóm có xếp hạng rất thấp. Cụ thể, chỉ số giảm hạng đáng kể so với năm 2020 cần tập trung quyết liệt khắc phục đó là Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” (xếp thứ 57/63, giảm 23 bậc).

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: PHẠM HÙNG

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: PHẠM HÙNG

Ngoài ra, các chỉ số tuy đã tăng bậc so với năm 2020 nhưng vẫn còn rơi vào nhóm xếp hạng rất thấp thì cần nhanh chóng khắc phục, đó là: Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (xếp thứ 44/63, tăng 17 bậc); chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” (xếp thứ 50/63, tăng 6 bậc); chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” (xếp thứ 48/63, tăng 6 bậc); chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” (xếp thứ 51/63, tăng 1 bậc); chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” (xếp thứ 29/63), tăng 15 bậc và các chỉ tiêu liên quan đến cán bộ, công chức, cải cách hành chính trong chỉ số “Chi phí thời gian”, chỉ số “Chi phí không chính thức”.

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, 11 tháng năm 2022, Hà Nội có 27.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 312.400 tỷ đồng, tăng 4%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 11-2022, TP Hà Nội có 42 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 20,7 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, toàn thành phố thu hút 1.540 triệu USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các nước thuộc châu Á có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Còn châu Âu và Mỹ chiếm dưới 10% tổng vốn đăng ký. Những dự án đầu tư nước ngoài vào Thủ đô tập trung ở các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Mall Việt Nam khẳng định sự tin tưởng vào chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam nói chung cũng như của TP Hà Nội nói riêng. Tập đoàn Aeon đã quyết định triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam từ nay đến năm 2025 và trong đó sẽ tiếp tục đầu tư 3-4 dự án nữa tại Hà Nội.

Về mặt dài hạn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh đề xuất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) làm đầu mối kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội. Qua đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, nội địa hóa sản phẩm nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao thương trên môi trường số, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng kết hợp giữa truyền thống và điện tử.

Tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội

Theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút đầu tư có hiệu quả thì Thủ đô phải xử lý thật tốt hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghiệp. Bên cạnh đó, cần gắn các hoạt động đầu tư với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Cụ thể như: Công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; hoạt động nghiên cứu và phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

Nhằm chuẩn bị sẵn hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư, TP Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt “Đề án thành lập từ 2 đến 5 khu công nghiệp (KCN) mới giai đoạn 2021-2025”. Các KCN dự kiến được thành lập gồm: KCN sạch Sóc Sơn; KCN Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín; KCN Phú Nghĩa mở rộng; KCN Phụng Hiệp. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 10 KCN đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,42ha; trong đó, có 9 KCN với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, đến nay các KCN đã thu hút được 711 dự án đang hoạt động. Trong đó có 307 dự án FDI vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 166.000 lao động với thu nhập ổn định. Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN... Đối với việc triển khai cụm công nghiệp (CCN), tính đến tháng 9-2022, thành phố đã và đang triển khai thực hiện 105 CCN với tổng diện tích 2.344ha (bình quân 22ha/cụm) và phân bố tại 19 quận, huyện, thị xã.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN theo kế hoạch, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đề nghị Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện rà soát, lập phương án phát triển các KCN, CCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị.

Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển các cực tăng trưởng mới. Cụ thể, thành phố trực thuộc phía Bắc sông Hồng trên cơ sở 3 huyện: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với chức năng chính là thương mại, dịch vụ, đối ngoại và giao dịch quốc tế, tận dụng lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài; thành phố trực thuộc phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai với chức năng chính là khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo. Ngoài ra, còn quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở khu vực phía Nam Thủ đô.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội bởi dự án này có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa. Từ đó tạo ra động lực có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

(còn nữa)

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-nhung-con-so-biet-noi-713525