Bài 2: Những con tàu không số và nhiệm vụ đặc biệt

QĐND Online - Không hải đồ, không có thiết bị định vị hiện đại, những con tàu không số thuộc Trung đoàn 125 giả dạng tàu đánh cá ra giữa biển khơi mênh mông và bão tố để giải phóng Trường Sa. Họ tiến về quần đảo phía mặt trời với khát khao giải phóng biển đảo quê hương sau hàng chục năm trời mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Cùng với những người lính can trường năm ấy, có một con tàu không số duy nhất tham gia giải phóng Trường Sa nay vẫn còn và trở thành hiện vật quốc gia…

Tôi đến quân cảng Cát Lái, đại bản doanh đoàn 125 những ngày tháng Tư năm 2021 khi những con tàu vừa cập bến sau hành trình đưa đoàn công tác do Thủ trưởng Tổng cục Chính trị dẫn đầu kiểm tra và thăm bộ đội, nhân dân huyện đảo Trường Sa vừa trở về. Một cựu chiến binh mái đầu đã bạc đang đứng lặng trên quân cảng mải ngắm những con tàu hiện đại, cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trong nắng mai. Ông cùng một số cựu chiến binh Đoàn 125 năm xưa tìm về thăm đơn vị cũ. Ông chính là Đại tá Nguyễn Văn Đức, tức Sáu Đức, cựu chiến binh đoàn tàu không số, giữ chức vụ thuyền trưởng tàu 674 tham gia giải phóng Trường Sa tháng 4-1975. Ông bồi hồi nhớ lại chuyến đi lịch sử:

“Hồi ấy ở căn cứ hải quân của ta ở Hải Phòng, các tàu của Trung đoàn 125 đều đã xuất phát vào miền Nam, chỉ còn lại 4 chiếc tàu nằm im ở cảng chờ lệnh, trong đó một tàu bị hư hỏng đang sửa chữa. Nhiều đồng chí trên tàu đều bồn chồn, thắc mắc với nhau rằng: Chiến dịch giải phóng miền Nam đang diễn ra thần tốc. Tại sao tàu mình vẫn nằm chờ ở cảng? Tại sao chúng mình không được phân công nhiệm vụ? Tôi là thuyền trưởng Tàu 674 cũng chẳng rõ tại sao. Tâm lý bồn chồn, thất vọng bao trùm đơn vị”.

Bỗng sáng 10-4-1975, ông Đức bất ngờ nhận được yêu cầu lên Sở chỉ huy nhận nhiệm vụ. Linh tính cho ông biết có thể có “đánh lớn” vì dự giao ban hôm nay không chỉ là lãnh đạo trung đoàn mà có cả đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân và nhiều đồng chí khác ở Cục tác chiến, Cục chính trị Hải quân.

“Đồng chí Hoàng Hữu Thái đã giao nhiệm vụ cho biên đội 3 tàu nhanh chóng lên đường thực hiện nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Hơn thế, con tàu 674 của tôi còn được giao đảm nhiệm tàu chỉ huy, đặt sở chỉ huy đơn vị trên tàu. Đồng chí Hoàng Hữu Thái căn dặn rất kỹ nhiệm vụ đặc biệt này” – ông Sáu Đức nhớ lại.

Trường Sa! Nghe đến danh từ đó lúc bấy giờ, ông Sáu Đức và đồng đội không khỏi dâng lên niềm xúc động. Trường Sa ngày đó có thể còn lạ lùng với đồng bào và chiến sĩ trên đất liền chứ với những người lính đoàn tàu không số như ông, nó thân thuộc như trong lòng bàn tay vì những chuyến đi ngược xuôi chở vũ khí chi viện cho miền Nam dưới danh nghĩa “tàu cá”, họ đã bao lần thông thạo luồng lạch Trường Sa, Hoàng Sa. Mười mấy năm trước đó, Anh hùng Bông Văn Dĩa – con cá kình của biển Đông, người anh cả của đoàn 125, người có 2 chuyến đi - về đều mang ý nghĩa mở đầu, góp phần quan trọng hình thành tuyến đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển đã được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân năm 1967. Ông Dĩa từng được Bác Hồ khen ngợi chiến công mở đường từ Nam ra Bắc bằng thuyền gỗ thô sơ: "Đi biển kiểu ấy thì xưa nay chỉ có Crixtốp Côlông và chú!"

Trong hồi ký về giải phóng Trường Sa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến những người lính đoàn tàu không số với niềm tin yêu. Từ năm 1964 trở về trước, ta dùng các tàu nhỏ xuất phát từ Đồ Sơn dọc theo ven biển đi vào Nam. Từ năm 1965, ta mở đường đi trong hải phận quốc tế, qua Hải Nam, Lôi Châu, Đông Hoàng Sa đến Song Tử Tây rồi qua Na Tu Na vào đến Cà Mau. Ta đã sử dụng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa làm nơi tạm dừng trên "đường Hồ Chí Minh trên biển", dựa vào chướng ngại thiên nhiên là các bãi san hô ngầm dưới nước. Tuy gian nan, vất vả, nhưng kết quả vận chuyển vẫn khả quan. Tổng cộng đã đi được 169 chuyến, đến nơi 100 chuyến, 50 chuyến phải quay về, tổn thất 19 chuyến, vận chuyển được 5.677 tấn hàng, mất gần 700 tấn. Ta hy sinh 76 đồng chí, 51 đồng chí bị thương. Cũng như đối với Đoàn Trường Sơn, công việc vận chuyển trên biển cho miền Nam chiến đấu được

Chính vì vậy, Đại tướng tin tưởng: Những con tàu không số này vốn từng quen với "đường Hồ Chí Minh trên biển", nhiều lần qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nên đã quen nhận dạng, phân biệt các đảo và cũng có kinh nghiệm tránh đá ngầm.

Việc chọn lựa, bố trí sắp xếp biên đội tàu giải phóng Trường Sa được tính toán rất kỹ, lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, thông thuộc vùng biển, đảo. Ở vị trí tàu chỉ huy, ông Sáu Đức biết mình đã được giao trọng trách lịch sử.

“Nhận nhiệm vụ rồi tôi vừa mừng vừa hồi hộp. Mừng vì được tham gia một nhiệm vụ đặc biệt. 10 năm vật lộn với biển cả, với sự bủa vây săn lùng của địch, len lỏi các vùng biển, tìm mọi phương kế để đưa những chuyến hàng an toàn đến điểm tập kết ở miền Nam, nhưng lại khác với lần thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Phải vừa vận chuyển lực lượng, vũ khí đồng thời tham gia đổ bộ đánh địch, giải phóng đảo, tận dụng tối đa thời cơ, điều kiện của địch, giải phóng các đảo đúng yêu cầu, thời gian đặt ra. Tôi trở về tàu và chỉ huy công tác chuẩn bị khẩn trương. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, các tàu tham gia biên đội đều rời cảng theo các giờ khác nhau, hành quân độc lập đến cảng Đà Nẵng. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều rất phấn chấn với quyết tâm rất cao” – Đại tá Nguyễn Văn Đức nhớ lại.

Sáng nhận lệnh, chiều tối 10-4, Trung đoàn 125 đã phát lệnh rời bến ở Hải Phòng cho 3 tàu 673, 674, 675, cấp tốc hành quân vào Đà Nẵng. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, các tàu được tổ chức hành quân độc lập, chỉ đặt ra yêu cầu là có mặt tại cảng Đà Nẵng đúng thời gian. Đến 21 giờ ngày 10-4, cả 3 tàu đều tập kết ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Thời điểm này, Đà Nẵng vừa được giải phóng. Công tác hậu cần cho các tàu được chuẩn bị gấp gáp, bổ sung đầy đủ phương tiện, vũ khí, dầu, nước, lương thực… Việc ngụy trang cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng khi các tàu đều không có số hiệu, cán bộ chiến sĩ mặc trang phục như các ngư dân đánh cá, không treo cờ… Các tàu tiếp nhận lực lượng Đại đội đặc công Đoàn 126 và đặc công Khu 5 xuống tàu để khi tiếp cận sẽ đổ bộ, giải phóng đảo. Đúng 1 giờ sáng ngày 11-4-1975, biên đội tàu rời cảng Đà Nẵng hướng ra đảo Song Tử Tây.

Trong lịch sử hơn 10 năm ra khơi của đoàn tàu không số, hầu hết là bí mật chở vũ khí chi viện cho miền Nam, đây là lần đầu tiên họ chở bộ đội “quân ta” lên đường chiến đấu giải phóng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vẫn là chuyến đi bí mật, tuyệt mật. Vũ khí, đạn dược và cả bộ đội phải bố trí ép sát dưới khoang tàu, san sát như “xếp cá”.

Tại sao lại chọn Song Tử Tây là nơi mở màn giải phóng Trường Sa? Khi thực hiện cuốn hồi ký cùng Thiếu tướng Mai Năng, tôi đã hỏi ông về điều đó. Vị tướng già trầm ngâm phân tích: Nếu hướng giải phóng quần đảo Trường Sa 45 năm trước được coi là “cánh quân thứ sáu” cùng với 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn thì giải phóng Song Tử Tây chính là hướng chủ yếu, hướng mở màn của “cánh quân thứ sáu”. Song Tử Tây là sào huyệt, là cửa mở tiêu diệt địch. Hòn đảo này nằm giữa biển Đông, tách biệt với các đảo khác ở quần đảo Trường Sa. Giải phóng Song Tử Tây trước tạo bàn đạp để giải phóng các đảo còn lại.

Lại nói về những người lính đoàn tàu không số. Trên bản đồ, Song Tử Tây nhỏ như một chấm bút chì. Việc xác định hướng và vị trí vô cùng khó khăn nếu không có kinh nghiệm và kỹ thuật đo đạc thiên văn. Một thách thức vô cùng lớn đặt ra với ông Đức và đồng đội: Không có hải đồ từ đất liền ra Trường Sa, chỉ có một la bàn từ, đồng hồ thiên văn, bộ định hướng theo sao trời, đi trên biển thường xuyên bị địch theo dõi. Nhiệm vụ đòi hỏi phải giải phóng đảo Song Tử Tây đúng ngày 14 - 4 – 1975, ngày chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.

 Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

Chỉ bằng mắt thường và những đôi tay lão luyện biển khơi, các thuyền trưởng đã điều hành 3 tàu cá đi đúng nơi cần đến. Song trong chiến trận, mọi tình huống ngoài dự kiến luôn xảy ra.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm, Thuyền trưởng Tàu 673 kể về sự cố trên đường hành quân: “Chúng tôi hành quân được khoảng 200 hải lý thì tàu 674 gặp sự cố trục trặc máy chính, mất động cơ. Sửa chữa khá lâu, tàu 674 chỉ còn chạy với tốc độ nửa máy. Tàu 765 phải quay lại kéo. Để đảm bảo thời gian, chỉ huy đơn vị lệnh cho Tàu 673 xung kích đi đầu, phải tiếp cận Song Tử Tây đúng thời gian. Tôi đã ra lệnh cho Tàu 673 chạy hết tốc độ. Khó khăn nhất thời điểm này là xác định đúng hướng và “bắt” được vị trí đảo Song Tử Tây giữa biển trời mênh mông”.

Đêm ấy biển lặng. Trăng sáng vằng vặc. Các thuyền trưởng phải liên tục đo thiên văn để xác định vị trí tàu và hướng đảo Song Tử Tây. “Khó khăn là mục tiêu trên biển không có. Vì thế chúng tôi phải sử dụng phương pháp thiên văn để định vị Tàu 673 và vị trí đảo Song Tử Tây bằng cách, đo phương vị của… hai ngôi sao với mặt nước để xác định vị trí tàu. Sau khi xác định được vị trí Tàu rồi thì tiếp tục so chiếu vị trí tàu với vị trí đảo để xác định hướng và đường đi đến đảo Song Tử Tây nhanh nhất để đảm bảo yêu cầu về thời gian theo kế hoạch” – Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm nhớ lại cách “bắt” vị trí đảo Song Tử Tây.

Ngày đó, các đảo ở Trường Sa rất ít cây cối, mỗi đảo có vài căn nhà tôn thấp lè tè, nằm lọt thỏm trong hệ thống hàng rào bùng nhùng, độ cao lại tương tự nhau. Đây là khó khăn lớn nhất đặt ra, khi mà trong đêm tối, lại chưa một lần trinh sát, phải tiếp cận đúng đảo quân Ngụy đang chiếm giữ để giải phóng. Một số đảo nổi trong quần đảo Trường Sa lúc này còn có quân đội của Philippines và Đài Loan đang chiếm giữ. Nếu đến nhầm, “giải phóng” nhầm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sự lo lắng ẩn sâu trên gương mặt đăm chiêu của chỉ huy trưởng Mai Năng suốt hải trình.

Đoàn tàu lặng lẽ ra khơi dưới sự ngụy trang là những tàu cá Hồng Công. Trừ những người đóng vai “ngư dân” ở lại trên boong, tất cả phải ép mình ngồi dưới hầm tàu đầy súng đạn. Ba ngày đêm hành quân trên biển, vượt gần 500 hải lý (gần 1.000km) tàu xuyên qua nhiều cơn dông tố trên biển.

Có lúc, biên đội tàu bị tàu địch quây lại để kiểm tra, hoặc có chặng chúng lẵng nhẵng bám theo giám sát mọi hoạt động; trên đầu thì máy bay địch quần thảo… Đã được quán triệt từ trước, mặc mọi sự khiêu khích, hăm dọa, bộ đội trên tàu coi như không có gì xảy ra. Suốt hải trình là cuộc đấu trí, thi gan đầy căng thẳng, ý thức kỷ luật của những người lính.

Thách thức vẫn tiếp tục đến. Tàu đang di chuyển ngang sóng, ngang gió theo hướng đi đảo Song Tử Tây thì bất ngờ phát hiện hàng không mẫu hạm Mỹ ở phía trước đi cắt qua mũi tàu khoảng 5 hải lý. Đi cùng hàng không mẫu hạm này là các tàu khu trục hộ tống. Chúng đến gần tàu ta, áp sát kiểm tra đến mức nhìn rõ mặt những tên lính súng ống lăm lăm, cặp mắt soi mói. Các máy bay của Mỹ bay phía trên để bảo vệ hàng không mẫu hạm này. Địch cũng cho trực thăng bay lượn kiểm tra. Bị lộ rồi chăng? Nếu địch phát hiện thì thế nào? Phương án chiến đấu, thậm chí nổ hủy tàu đã được đặt ra.

Chỉ huy trưởng Mai Năng quả là một người có thần kinh thép. Ông thản nhiên đứng trên boong như một thủ lĩnh tàu cá Hồng Công đúng chất, thản nhiên vừa hút thuốc, vừa chỉ trỏ các “ngư dân” miệt mài đánh cá. Ông nhận định, hàng không mẫu hạm của Mỹ chở quan chức, cố vấn Mỹ từ Sài Gòn qua Philippin di tản, chưa có dấu hiệu chúng nghi ngờ. Cách xử trí lúc này là cho tàu quay mũi về phía Bắc, vừa đi vừa tổ chức …đánh bắt cá! Địch sau hồi săm soi kiểm tra có lẽ đã xác định đó chỉ là các tàu đánh cá của Hồng Công nên đã bỏ đi. Sau khi chúng đã đi xa, Trung tá Mai Năng ra lệnh cho cả ba tàu quay ngược mũi, tiếp tục tiến về phía đảo Song Tử Tây sau hơn một giờ đánh bắt cá “bất đắc dĩ”...

 Âu tàu trên đảo Đá Tây. Ảnh: Ngọc Hân

Âu tàu trên đảo Đá Tây. Ảnh: Ngọc Hân

Trong suốt 10 năm tham gia các chuyến tàu không số chi viện cho miền Nam, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm đã hai lần trinh sát ở Song Tử Tây nên khá nắm rõ địa hình quanh đảo. Gần đảo có một điểm đá nhô lên khá bằng phẳng có thể tận dụng để quan sát chòi canh, khu vực lính ngụy đóng quân và bố trí hỏa lực.

Đến 5 giờ sáng 13-4, tàu 673 tiếp cận được đảo Song Tử Tây cách 20 hải lý. Để lập kế hoạch giải phóng đảo, Trung úy Nguyễn Xuân Thơm và Trung úy Nguyễn Ngọc Quế và một số chiến sĩ đặc công dùng xuồng cao su tổ chức trinh sát, xác định vị trí tàu tiếp cận gần nhất, vị trí tháp canh của địch và hướng đổ bộ lên đảo. Hai tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc, cách đảo Song Tử Tây hơn chục hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh các tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết.

 Cán bộ, chiến sĩ tàu 621 trong chuyến đi trinh sát mở đường trên đảo Song Tử Tây năm 1972. Ảnh: Tư liệu.

Cán bộ, chiến sĩ tàu 621 trong chuyến đi trinh sát mở đường trên đảo Song Tử Tây năm 1972. Ảnh: Tư liệu.

Sau 1 giờ đồng hồ trinh sát, nắm tình hình, Trung úy Nguyễn Xuân Thơm và Trung úy Nguyễn Ngọc Quế, Đội trưởng Đội 1 Trung đoàn 126 trở lại Tàu 673. Cả hai cùng xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến báo cáo chỉ huy đơn vị.

“Chúng tôi tính toán thủy triều lên cao nhất vào thời điểm 0 giờ ngày 14-4. Lúc đó sẽ đưa tàu áp sát đảo ở cự ly khoảng 500 mét, dùng xuồng cao su chở lực lượng và vũ khí theo các mũi đổ bộ theo hướng Đông Nam để lên đảo…” – ông Thơm kể.

“Chúng tôi qua Tàu 674 báo cáo tình hình và kế hoạch cho chỉ huy đơn vị và được các anh nhất trí, chỉ đạo hoàn thiện kế hoạch, phương án chặt chẽ nhất. Đêm đó, đúng như tính toán, thủy triều dâng cao, Tàu 673 tiếp cận đúng vị trí cách đảo 500 mét. 3 xuồng cao su cùng lực lượng đặc công tiếp cận đổ bộ lên đảo theo 3 mũi. Chúng tôi sử dụng hai bộ đàm để liên lạc theo các ám hiệu đã định” - Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm nhớ lại sự phối hợp tác chiến khi đổ bộ giải phóng đảo Song Tử Tây.

Sau khi giải phóng Song Tử Tây, lực lượng đặc công được đơn vị giao ở lại bảo vệ đảo. Tàu 673 đậu ngoài khơi phối hợp bảo vệ. Hai tàu 674 và 675 đưa tù binh trở lại Đà Nẵng. Đơn vị C75 tổ chức rút kinh nghiệm để tiếp tục lên kế hoạch giải phóng các đảo tiếp theo ở quần đảo Trường Sa.

Từ ngày 24-4 đến ngày 29-4, tàu 641 của Đoàn 125 tiếp tục được lệnh chở thêm lực lượng bổ sung, tham gia biên đội tàu của C75 tiếp tục đợt 2 giải phóng các đảo: Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, cắm cờ chủ quyền trên đảo An Bang…

Tham gia giải phóng Trường Sa năm ấy còn một con tàu đặc biệt nhất của đoàn tàu không số, tàu 641 (nay mang phiên hiệu HQ-671). Theo lãnh đạo Bảo tàng Hải quân cho biết HQ671 là chiếc tàu duy nhất còn lại của Đoàn tàu không số huyền thoại. Tàu do Trung Quốc sản xuất năm 1962 và viện trợ cho Hải quân nhân dân Việt Nam từ năm 1964, đã trải qua hai lần thay đổi về chất liệu (từ tàu gỗ lên tàu vỏ sắt) và ba lần thay đổi phiên hiệu (tàu 41, tàu HQ641 và sau là HQ671). Đây cũng là con tàu do Thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Đặng Văn Thanh chỉ huy chuyến đi đầu tiên thành công, chở 18 tấn vũ khí xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) chi viện cho miền Nam. Con tàu lịch sử này cũng đã lập nhiều thành tích xuất sắc và đặc biệt xuất sắc khi mở bến và vận chuyển thành công ba lần với hơn 100 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô (Phú Yên) do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy, cung cấp vũ khí cho Khu 5.

Từ cuối năm 1971-1974, tàu làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa, phương tiện và bộ đội vào cảng Đồng Hới, Quảng Bình và cảng Cửa Việt, Quảng Trị để chuyển tiếp vào chi viện chiến trường miền Nam.

Thiếu úy Vũ Văn Quang, nguyên là chiến sĩ Cơ điện Tàu năm 1975 vẫn nhớ như in sự kiện tàu đi giải phóng Trường Sa. Sau chiến thắng giải phóng Song Tử Tây mở màn và tình hình diễn biến thuận lợi, tàu nhận lệnh chở các chiến sĩ Phân đội 2 và Phân đội 4 thuộc Đội 1, Đoàn 126 lên đường giải phóng đảo Sơn Ca. 4h sáng ngày 21-4-1975, tàu xuất bến ra Trường Sa và đến ngày 25-4 thì đến đảo Sơn Ca.

“Chỉ huy chiến đấu khi đó là đồng chí Đỗ Viết Cường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đội phó Đội 1. Trong trận giải phóng Sơn Ca, địa hình khá phức tạp, tàu đã một lần đổ bộ không thành, phải chuyển hướng Tây Bắc tìm vị trí thuận lợi. 3 chiếc xuồng cao su chở các chiến sĩ Đoàn 126 triển khai 3 mũi tiến công. Sau 30 phút chiến đấu, đảo Sơn Ca được giải phóng hoàn toàn. Làm chủ đảo, tàu nhận lệnh chở tù binh về đất liền" - Thiếu úy Vũ Văn Quang nhớ lại.

Tàu 641. Ảnh: Tư liệu

Hòa bình, tàu 641 tiếp tục làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Tháng 10-1978, tàu lập chiến công tìm kiếm, cứu được 7 cán bộ, chiến sĩ của đảo Phan Vinh bị cuốn trôi khi làm nhiệm vụ sau 8 ngày đêm vượt qua dông bão. Trong chiến dịch CQ88 năm 1988 bảo vệ Trường Sa, tàu tiếp tục làm tốt nhiệm vụ bảo đảm trong biên chế của Vùng 4 Hải quân. Năm 2002, tàu được điều chuyển về Hải đội 384 (Cục Hậu cần hải quân) và đến năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tàu được biên chế về Bảo tàng Hải quân.

Tuần tra, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ ở huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Ninh

Tuần tra, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ ở huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Ninh

Giờ đây, dẫu không còn nằm trong biên chế tàu hoạt động của Quân chủng nhưng khi có tình huống bão lụt, HQ671 vẫn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Hằng ngày, con tàu vẫn neo đậu ngay sau Bảo tàng Hải quân, âm thầm trên dòng sông nhỏ Lạch Tray. Ít ai biết rằng đó là con tàu đã đi qua bao cuộc chiến đấu kiên cường trên biển, giúp thu non sông về một mối và bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đã hai lần tập thể tàu được phong tặng danh hiệu Anh hùng và có tới 8 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ công nhận tàu là bảo vật quốc gia.

(Còn nữa)

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN VĂN MINH - TRỊNH VĂN DŨNG

Nội dung: ĐẶNG TRUNG KIÊN – NGUYỄN VĂN MINH

Trình bày, đồ họa: VĂN PHONG - VIỆT HƯNG

Ảnh: Báo Hải Quân Việt Nam, TTXVN, TƯ LIỆU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/bai-2-nhung-con-tau-khong-so-va-nhiem-vu-dac-biet-657616