Bài 2: Những đóa hoa nở rộ giữa Thủ đô văn hóa

Khai thác tiềm năng về tài nguyên văn hóa, lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, những năm qua cụ thể hóa các nghị quyết của trung ương, chương trình, chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn nỗ lực để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Để các di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, di tích quốc gia trở thành những đóa hoa nở rộ, điểm đến du lịch hấp dẫn ở Thủ đô văn hiến.

Thăng Long - Hà Nội: Văn hóa Việt hội tụ và tỏa sáng

Hà Nội hiện nay có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 2.380 di tích được xếp hạng các cấp, chiếm tỉ lệ gần 20% cả nước và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có nhiều di sản nổi tiếng có giá trị như: khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010; Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn; Di sản tư liệu thế giới - 82 tấm bia Tiến sĩ triều Lê–Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu phố cổ Hà Nội…

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp góp phần phát triển Thủ đô Hà Nội là “Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô. Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia; đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô…”

Cụ thể hóa nhiệm vụ này, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp linh hoạt, cụ thể, sáng tạo vừa bảo tồn, vừa “đánh thức” giá trị những di sản văn hóa, di tích lịch sử, biến những nơi này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Điển hình như tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngoài việc gìn giữ vệ sinh môi trường luôn sạch đẹp, nơi đây còn chú trọng trưng bày tư liệu, tranh ảnh về sự phát triển của trường học đầu tiên nước Đại Việt một cách hài hòa, đẹp mắt; khu vực bia tiến sĩ được bảo vệ bởi hàng rào chắn. Trong sân chính của Văn Miếu bố trí thêm những trò chơi dân gian được làm từ tre như: bập bênh, xích đu, cà kheo, cầu treo… để giới thiệu nét đẹp văn hóa dân gian, “hành trình học qua chơi” của người Việt xưa khiến cho du khách trong nước và quốc tế đều thích thú, nhất là các bạn trẻ.

Em Alize - du khách người Pháp phấn khởi nói rằng: Em rất thích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bởi nơi đây có rất nhiều người tài giỏi của nước Việt được vinh danh sử sách; nhất là có các trò chơi rất thú vị để khám phá. Lần đầu tiên đến Hà Nội, em rất yêu nơi đây, mọi thứ thật tuyệt vời.

Còn tại Khu di sản văn hóa thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, để tạo ấn tượng với du khách, nơi đây đã trồng thêm nhiều cây xanh, trang trí các lối đi vào khu Hoàng Thành, Di tích Khảo cổ 18 Hoàng Diệu bằng những hàng đèn lồng đủ sắc màu đẹp mắt; tái hiện lại không gian văn hóa buôn bán của phố phường Hà Nội năm xưa… Chị ARISA - Du khách Nhật Bản thích thú chia sẻ: Khung cảnh của Hoàng thành rất đẹp; chúng tôi đã chụp được rất nhiều ảnh đẹp tại nơi này.

Tiếp đón chúng tôi trong phòng chờ khách, anh Đặng Văn Biểu - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò phấn khởi chia sẻ, mấy năm nay, di tích như một “đóa hoa nở rộ” giữa Thủ đô Hà Nội, đón đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Trước đó, khách quốc tế đến di tích chiếm 70%, nhưng hiện nay lượng du khách Việt nhiều hơn.

Có được trái ngọt này, Ban Quản lý Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò đã cho ra sản phẩm mới “Đêm Thiêng liêng” gắn với các dịch vụ để các du khách được trải nghiệm. Đêm Thiêng liêng là hành trình cảm xúc, trải nghiệm đa giác quan, được xây dựng theo các chủ đề “Sống như những đóa hoa” và “Lửa thanh xuân”. Hành trình Đêm thiêng liêng được dẫn dắt bởi giọng kể truyền cảm của thuyết minh viên, kết hợp với âm thanh và hiệu ứng ánh sáng sinh động, những hoạt cảnh chân thực được diễn ra chính trong thực cảnh tại di tích. Tại đây, các du khách sẽ hiểu rõ hơn về tù chính trị, trải nghiệm sự ngột ngạt, u tối trong các phòng giam, xà lim; sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục; từ đó, cảm nhận rõ nét nhất tinh thần vượt lên gian khổ, ngọn lửa đấu tranh bền bỉ của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Nhắc đến Thăng Long - Hà Nội, không thể không kể đến hồ Hoàn Kiếm (di tích quốc gia đặc biệt) và Phố cổ Hà Nội (di tích quốc gia). Từ bao năm qua, những nơi này trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Bởi mỗi du khách đến đây không chỉ tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc tại các di tích như: cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, đền Bà Kiệu, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam; lắng nghe nhịp sống văn hóa đa dạng tại Nhà hát lớn Hà Nội; mà còn để du lịch, trải nghiệm, hưởng thụ cuộc sống “phố xá” với đa dạng dịch vụ tại các con phố của Phố cổ Hà Nội (Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã…), check-in ở Hồ Gươm, tòa soạn báo Hà Nội Mới, đắm chìm trong không gian âm nhạc đường phố, thưởng thức món ngon, đặc sản của Hà Nội nào là phở, kem Tràng Tiền, cafe Hồ Gươm.

Để thu hút khách du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp, không gian quanh khu vực Hồ Gươm Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, bắt đầu thí điểm vào năm 2004. Cho đến nay, sau nhiều lần mở rộng, Quận đã tạo được 2 không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và khu Phố cổ Hà Nội hấp dẫn với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật kết nối giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Qua đó, phát huy giá trị của 2 Di tích Quốc gia tiêu biểu của Thủ đô nghìn năm văn hiến, lan toản hình ảnh đẹp về Thủ đô - Thành phố vì Hòa bình.

Sự kết nối văn hóa, lịch sử với sáng tạo hiện đại còn được các các đơn vị chú trọng trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Hầu hết tại các điểm di tích lịch sử, di sản văn hóa đều có mã QR-code để du khách dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin; tai nghe thuyết minh. Như Khu di sản Hoàng thành Thăng Long còn áp dụng Công nghệ GIS (Bản đồ thông tin địa lý) để quản lý các lớp di tích qua các triều đại, đặc biệt Công nghệ 3D giúp phục dựng, bảo tồn bằng hình ảnh các di tích…

(Còn nữa)

(Còn nữa)

Đinh Đông - Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/nh%C3%ACn-ra-t%E1%BB%89nh-b%E1%BA%A1n/b%C3%A0i-2-nh%E1%BB%AFng-%C4%91%C3%B3a-hoa-n%E1%BB%9F-r%E1%BB%99-gi%E1%BB%AFa-th%E1%BB%A7-%C4%91%C3%B4-v%C4%83n-ho%C3%A1