Bài 2: Những giải pháp chiến lược và sáng tạo
Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ huấn luyện viên (HLV), quan tâm đầu tư có trọng điểm các môn thế mạnh, phát hiện, có chiến lược đào tạo các vận động viên (VĐV) tài năng, triển vọng, có sự linh hoạt, sáng tạo là những giải pháp để thể thao Thanh Hóa tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu quốc gia, bứt phá mạnh mẽ trên đấu trường quốc tế.
Thể thao thành tích cao Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu bứt phá trong giai đoạn phát triển mới
Các VĐV bộ môn Karate Thanh Hóa tập luyện tại Nhà Thi đấu TDTT tỉnh. Ảnh: Mạnh Cường
Các môn võ thuật luôn được xem là “mỏ vàng” của thể thao Thanh Hóa với những thành tích nổi bật, nhiều lứa VĐV tài năng, xuất sắc đã giành được những thành tích bứt phá với những tấm HCV tại giải vô địch thế giới, châu lục và khu vực. Điển hình nhất là pencak silat. Bộ môn này trong gần 3 thập kỷ qua luôn có nhiều VĐV tài năng, xuất sắc, giành được những thành tích cao ở cả đấu trường quốc gia, quốc tế như: Nguyễn Văn Hùng, Đinh Công Sơn, Trịnh Thị Mùi, Trịnh Thị Ngà, Nguyễn Duy Chiến... hay những gương mặt gần đây như Nguyễn Ngọc Toàn, Vũ Văn Kiên, Nguyễn Duy Tuyến... Pencak silat luôn nằm trong top 3 quốc gia và đã giành được những tấm HCV thế giới, châu Á, Đông Nam Á. Để có được thành tích kể trên, bộ môn pencak silat luôn có sự đầu tư phát hiện, tuyển chọn các VĐV có chất lượng ngay từ tuyến đầu (năng khiếu). Cùng với sự quan tâm tạo điều kiện về nơi tập luyện, trang thiết bị, dụng cụ, đội ngũ HLV của bộ môn luôn được nâng cao trình độ, được bồi dưỡng chuyên môn hàng năm, nhờ đó công tác huấn luyện cho 3 tuyến VĐV luôn được bảo đảm chất lượng. HLV Nguyễn Văn Hùng, Trưởng bộ môn pencak silat Thanh Hóa cho biết: “Thay vì làm dàn trải, bộ môn chủ yếu tập trung cho nội dung thế mạnh đó là đối kháng. Với các VĐV tài năng, xuất sắc được phát hiện, bộ môn đề xuất để xây dựng chiến lược đào tạo có trọng điểm với mục tiêu là các giải đấu lớn quốc tế. Bên cạnh đó, việc các VĐV được tham gia đầy đủ các giải đấu cấp quốc gia, khu vực (miền Trung – Tây Nguyên) đã giúp pencak silat duy trì được thành tích thi đấu đều đặn, ổn định nhất. Các VĐV Thanh Hóa luôn có số lượng khá đông đảo trong đội tuyển quốc gia, tham gia các sự kiện lớn như ASIAD, SEA Games, Đại hội võ thuật châu Á”.
Cũng bằng giải pháp này, các bộ môn thế mạnh khác của Thanh Hóa hiện vẫn đang phát huy được truyền thống, thế mạnh của mình, duy trì ổn định và nâng cao thành tích ở đấu trường quốc gia, quốc tế. Các bộ môn đều có sự chọn lọc, đầu tư trọng điểm cho những VĐV có triển vọng, tài năng cho những mục tiêu lớn lâu dài như đấu trường SEA Games, ASIAD và Olympic, giải vô địch thế giới. Đây là giải pháp chiến lược mà các bộ môn như vovinam, muay, boxing, judo, karate... đều đang áp dụng. Những gương mặt như Nguyễn Tiến Sơn, Trương Văn Tuấn, Lê Thị Hiền (vovinam); Nguyễn Thị Phương Hậu, Lê Đức Hoàn (muay); Hoàng Thị Tình (judo, kurash), Trần Thị Linh (boxing), Đặng Thị Linh, Nguyễn Thị Vinh (vật); Mai Thị Thương, Tạ Trang Thư, Đỗ Mạnh Định (bắn súng)... Đây cũng là cơ sở quan trọng để các bộ môn có sự linh hoạt trong công tác huấn luyện, tập luyện để đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của thể thao thành tích cao của nước nhà. Các bộ môn đều có chiến lược huấn luyện giành cho các nhóm VĐV ở cả 2 tuyến, trong đó ưu tiên những VĐV có khả năng giành huy chương, có triển vọng trong những năm tiếp theo. Việc xây dựng các lứa VĐV kế cận của các bộ môn cũng thực hiện theo định hướng trên. Một số bộ môn không còn phù hợp đã được loại bỏ, thay thế bằng những môn mới hiệu quả, phù hợp hơn như jujitsu, kurash, bi sắt... Cách làm này đã được nhiều trung tâm thể thao hàng đầu trong nước áp dụng và đã thành công như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Một trong những cách làm sáng tạo và phù hợp với sự phát triển của xu thế thể thao hiện nay đó là cử các VĐV tài năng đi tập huấn ở các trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia và đi nước ngoài. Đây là giải pháp mà thể thao Thanh Hóa đã bắt đầu áp dụng từ nhiều năm trước. Hai VĐV tài năng của bộ môn điền kinh là Quách Thị Lan, Quách Công Lịch đã từng được cử đi tập huấn tại châu Âu, Mỹ, Malaysia cho mục tiêu cấp châu lục và thế giới. “Quả ngọt” thu được đó chính là bộ sưu tập những thành tích mà 2 anh em quê Ngọc Lặc này đã giành được, đóng góp cho thể thao tỉnh nhà và nước nhà. Đó chính là những tấm HCV quý giá ở đấu trường ASIAD, SEA Games, các giải vô địch châu Á, Đông Nam Á, trong đó nổi bật nhất là thành tích lịch sử lọt vào vòng bán kết cự ly 400m chạy vượt rào mà Quách Thị Lan giành được tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua.
Một tài năng khác của thể thao Thanh Hóa đó là VĐV bơi Phạm Thị Vân. Nữ VĐV sinh năm 2005 này được xem là tài năng hiếm có mà đã quá lâu rồi thể thao Thanh Hóa mới phát hiện và đào tạo được. Để đầu tư có trọng điểm, Phạm Thị Vân đã được tỉnh Thanh Hóa gửi đi đào tạo tại Đà Nẵng. Tại đây, nhờ điều kiện tập luyện tốt hơn, được huấn luyện bởi các HLV giỏi của đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia, nữ kình ngư tài năng này mới liên tục phát huy được tài năng của mình, liên tục chinh phục những cột mốc thành tích cá nhân tại giải trẻ Đông Nam Á và giải quốc gia những năm gần đây. Việc Phạm Thị Vân vài lần vượt qua “đàn chị” Ánh Viên tại đấu trường quốc gia không còn là điều quá ngạc nhiên khi tài năng, sự tiến bộ của kình ngư trẻ xứ Thanh liên tục được khẳng định. Phạm Thị Vân chính là VĐV quan trọng của đội tuyển bơi quốc gia chuẩn bị cho đấu trường SEA Games 31, ASIAD 19 trong năm 2022 này. Cô gái quê Ngọc Lặc này cũng đã được đi tập huấn tại Hungary vào cuối năm 2021 và chuẩn bị trở lại quốc gia này cho đợt tập huấn lần thứ 2 vào tháng 4.
Ông Đàm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ngoài các VĐV được triệu tập, việc gửi các VĐV có tài năng, triển vọng có điều kiện được tập luyện cùng với các đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển quốc gia sẽ được trung tâm quan tâm, chú trọng hơn. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng bộ môn, đơn vị sẽ có sự chọn lọc, qua đó trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh để có cơ chế đầu tư phù hợp nhất với mục tiêu để các em phát huy tốt nhất tài năng của mình. Cùng với đó là xây dựng cơ chế khen thưởng đặc biệt khi các VĐV giành được những thành tích xuất sắc, nổi bật tại các giải đấu quốc tế lớn, quan trọng”.
Được sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của ngành, từ năm 2022, mức dinh dưỡng của các VĐV thể thao thành tích cao Thanh Hóa đã được nâng lên rõ rệt theo Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện thủ tục trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao đội tuyển năng khiếu tỉnh và đội tuyển năng khiếu cấp huyện. Bên cạnh đó, một số hạng mục sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao cũng sẽ được triển khai như đường piste sân vận động tỉnh, trường bắn, bể bơi, nhà tập luyện và thi đấu TDTT tỉnh, cùng một số phòng tập, sàn tập của các bộ môn. Cùng với đó, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ rà soát, đề xuất với tỉnh các phương án mua sắm mới, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ cho các bộ môn để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện, nâng cao thành tích thi đấu, đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.
Trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thể thao Thanh Hóa sẽ nâng số lượng VĐV lên hơn 1.000 với 35 bộ môn, nhằm mục tiêu giữ vững trong tốp 4 toàn quốc, thu hẹp với các đơn vị xếp trên, tiếp tục hướng đến những thành tích bứt phá trên đấu trường quốc tế. Với thế và lực hiện có, sự nỗ lực của các HLV, VĐV, sự quan tâm của tỉnh và bằng chiến lược đầu tư, hy vọng thể thao Thanh Hóa sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn phát triển mới.