Bài 2: Nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ
Việc phát triển mô hình trồng rau áp dụng công nghệ cao trong nhà màng, bón phân và tưới nước tự động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 là cần thiết để thúc đẩy mô hình ứng dụng công nghệ cao trong tương lai đáp ứng yêu cầu cung cấp sản phẩm rau an toàn theo nhu cầu của thị trường.
Đến nay, tổng diện tích cây trồng áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 98.745 ha. Trong đó, nhóm cây ăn trái như: mãng cầu, sầu riêng, bưởi, cam, quýt, chuối, xoài, nhãn, mít, thanh long… với diện tích 20.345 ha; nhóm cây thực phẩm gồm rau các loại và đậu các loại với diện tích 19.900 ha; một số loại cây khác như mía, mì: 58.500 ha.
Hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới đối với các loại cây như: dưa lưới, rau ăn lá, rau ăn quả là 35 ha và hoa lan 20 ha; tổng diện tích khoảng 55 ha, sử dụng công nghệ thiết bị điều khiển thông minh được hiển thị trên điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để điều chỉnh lượng nước tưới và điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ thích hợp để cây trồng phát triển tốt.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được xem là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, giải quyết những khó khăn, thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa… giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Mạnh dạn áp dụng công nghệ trong sản xuất
Đầu tư nhà lưới, áp dụng quy trình VietGAP để bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng nông sản theo nhu cầu doanh nghiệp, ổn định đầu ra nông sản cho nông dân là hướng đi được Ban Giám đốc HTX nông nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu) vận động xã viên cùng thực hiện. Ông Phan Văn Cơ- Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX có 13 nhà trồng dưa lưới, dưa leo baby, bí nụ, với diện tích nhà lưới lớn 1,3 ha, tất cả sản phẩm đều được sản xuất theo quy trình VietGAP và có hệ thống tưới tự động bảo đảm năng suất và chất lượng cây trồng.
Theo ông Cơ, điểm ưu việt của canh tác nông sản theo quy trình VietGAP trong nhà lưới là nông sản tránh được sâu bệnh, năng suất và chất lượng bảo đảm đạt cao hơn so với bên ngoài. Nhờ đó, nông sản của HTX được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với thị trường, giúp xã viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế .
Ông Cơ cho biết thêm, để mô hình sản xuất công nghệ cao phát triển, Ban quản trị HTX từng bước củng cố hoạt động liên kết vùng trồng để có sản phẩm lớn cung ứng cho nhà phân phối; xây dựng hệ thống bán lẻ ổn định. Đồng thời HTX đồng bộ các khâu sản xuất, sơ chế đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất.
Nhìn chung, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường.
Ứng dụng một số kỹ thuật canh tác mới trên cây trồng, điển hình như sử dụng giá thể mới để trồng hoa lan, cây cảnh, rau mầm, rau thủy canh; xây dựng nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau an toàn, sử dụng màng chắn mủ cao su trong mùa mưa… ở Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, thành phố Tây Ninh.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, người dân còn mạnh dạn đầu tư sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt sử dụng phổ biến với diện tích trên 32.500 ha, đặc biệt là trong các vườn cây ăn trái, vườn rau ở Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, ruộng mía, mì ở Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu… góp phần làm giảm lượng nước tưới, giảm chi phí công lao động; đặc biệt là tăng đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chuyển đổi từ canh tác rau truyền thống sang áp dụng quy trình canh tác theo công nghệ cao. Kết quả từ nguồn ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng 14 điểm trình diễn mô hình sản xuất rau công nghệ cao nhà màng, kết hợp bón phân và tưới nước tự động với diện tích 8.400m2, quy mô 600m2/điểm tại các huyện, thị xã như: Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Hòa Thành, Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh, Bến Cầu. Diện tích ứng dụng vào sản xuất đại trà trên toàn tỉnh khoảng 32 ha, tập trung ở các huyện, thị xã như Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Bến Cầu và Tân Biên.
Tạo động lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, các sở, ngành cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ, đầu tư vốn cũng như chuyển giao tập huấn kỹ thuật cho nông dân, HTX. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy nông dân, các trang trại mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, triển khai hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể các HTX nông nghiệp, trang trại; tăng cường thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, từng bước hình thành chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Trỗi- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, những năm qua, huyện định hướng cho nông dân phát triển ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, kết quả thực hiện còn hạn chế, trong thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, kêu gọi nông dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn theo quy hoạch của huyện. Về chăn nuôi, hiện nay, huyện có 10 trang trại ứng dụng công nghệ cao đang hoạt động có hiệu quả, được sự quan tâm của UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cho 15 doanh nghiệp trên địa bàn các xã Hòa Hiệp, Tân Lập, Thạnh Bình, Thạnh Bắc.
Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu chia sẻ, trong 2 năm qua, đối với lĩnh vực công nghệ cao trên địa bàn huyện có một số trang trại thực hiện ứng dụng công nghệ cao, cũng như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính. Nhìn chung các quy mô ứng dụng công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp trên đà phát triển, giá cả và đầu ra ổn định.
Trong thời gian tới, huyện có chủ trương đề xuất với UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quy hoạch diện tích khoảng 500 ha trên địa bàn xã Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu) để thực hiện vùng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đề xuất của huyện được tỉnh ghi nhận và huyện đang làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để bố trí giao đất và triển khai thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thành- Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, mục tiêu của huyện là hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp với chức năng, nhiệm vụ đặt ra cho vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Hoạt động chính trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện là tập trung vào sản xuất và chế biến các đối tượng nông sản có lợi thế của ngành trồng trọt gồm: nhóm trái cây như xoài, chuối, nhóm rau an toàn và các nông sản khác với chất lượng cao và cung cấp cây giống.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, lợi nhuận thu được là 500 triệu đồng/ha/năm đối với rau ăn quả (dưa lưới) hoặc 300 triệu đồng/ha/năm đối với rau ăn lá. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ mang lại thu nhập cao hơn gấp 2-5 lần so với hình thức sản xuất truyền thống.
Do đó, việc phát triển mô hình trồng rau áp dụng công nghệ cao trong nhà màng, bón phân và tưới nước tự động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 là cần thiết để thúc đẩy mô hình ứng dụng công nghệ cao trong tương lai đáp ứng yêu cầu cung cấp sản phẩm rau an toàn theo nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tân Châu làm cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đang xin đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Các dự án xin đầu tư tập trung vào trồng các loại cây ăn trái, rau, hoa có giá trị cao như: xoài, chuối, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn, một số loại rau củ quả và dự án chăn nuôi bò, heo, gia cầm.
Dự kiến đến năm 2025, diện tích gieo trồng cây rau tăng lên khoảng 23.640 ha, sản lượng 440.000 tấn/năm. Do đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp sơ chế và chế biến.
Giai đoạn 2022-2025, phấn đấu định hướng phát triển 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích (ha) đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng.
Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.