Bài 2: Phát huy thế mạnh riêng cho phát triển chung
Muốn phát triển vượt bậc, bứt phá đi lên, ngoài việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, các địa phương ở miền Trung phải tự đổi mới tư duy làm kinh tế, xây dựng khát vọng vươn lên, vượt qua chính mình, trong đó phải tận dụng những thế mạnh riêng để xây dựng chiến lược phát triển chung của toàn vùng.
Biến gió, cát thành tiền
Tại phao rót dầu không bến (SPM) vịnh Việt Thanh (Dung Quất - Quảng Ngãi), chúng tôi chứng kiến con tàu PVT HERA chở 77.000 tấn dầu thô ở mỏ Bạch Hổ và Sư Tử Đen cập cảng Dung Quất. Lãnh đạo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo tin, đây là lô dầu thô thứ 800 mà BSR đón về Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Từ khi nhà máy vận hành thương mại đến nay, BSR đã sản xuất 57,4 triệu tấn sản phẩm (chiếm 40% nhu cầu xăng dầu cả nước), doanh thu đạt 994,67 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách 157,16 ngàn tỷ đồng. Ấn tượng nhất là trong số 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân của BSR thì có tới 65% là con em ở Quảng Ngãi…
Người dân ở phía Đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đến bây giờ vẫn nhớ về cảnh sống chung giữa “rừng cát” 23 năm trước. Lúc ấy, nơi đây lác đác vài ba làng biển lụp xụp, ẩn giấu sự nghèo khó. Gió bấc mang theo bão cát luôn là nỗi ám ảnh của cư dân làng biển.
Tưởng rằng mảnh đất ấy sẽ vĩnh viễn chìm khuất trong “sa mạc” cát, thế nhưng đến năm 1994, sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định chọn khu Đông huyện Bình Sơn để đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên, 2 năm sau, Khu công nghiệp (KCN) Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích ban đầu 14.000ha. Sau đó, nó được đổi thành Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (45.332ha).
23 năm sau, ở vùng đất phía Đông huyện Bình Sơn hình thành một “thủ phủ” kinh tế bậc nhất của miền Trung. KKT Dung Quất - Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đây là KKT tổng hợp, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển các tổ hợp công nghiệp nặng; các dự án quy mô lớn gắn với khai thác và phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất kết hợp sân bay Chu Lai; hình thành và phát triển các khu đô thị, công nghiệp.
Ngược về Quảng Nam, gặp chúng tôi, ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc (thị xã Điện Bàn), tự hào nói về sự phát triển thần kỳ của KCN Điện Nam - Điện Ngọc, nơi một thời cũng được ví là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn muối”.
Năm 1996, KCN Điện Nam - Điện Ngọc được khởi công xây dựng với tổng diện tích quy hoạch 418ha. Cùng với đó, gần 60% lực lượng lao động địa phương từ nông dân đã chuyển vào làm việc cho các doanh nghiệp trong KCN này.
Hiện nhà nào giờ cũng có người làm trong KCN, thu nhập khá cao và ổn định. KCN Điện Nam - Điện Ngọc đang là “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư.
Đến nay, hơn 95% diện tích KCN đã được lấp đầy với 70 dự án (trong đó có 36 doanh nghiệp nước ngoài), tổng số vốn đầu tư khoảng 4.875 ngàn tỷ đồng và 545 triệu USD, giải quyết việc làm cho gần 26.000 lao động, nộp ngân sách trên 2.100 tỷ đồng.
Còn tại “thủ phủ gió Lào” Quảng Trị những ngày cuối tháng 8-2019, chúng tôi ghi nhận nhiều “điểm sáng”. Quảng Trị đang nỗ lực biến những “đặc sản” gió, cát của mình thành tiềm năng để phát triển. Ở đó, đang dần hình thành một đại công trường của các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị, chia sẻ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của địa phương để tạo bước đột phá, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hiện Công ty CP LICOGI 13 đã đầu tư 1.200 tỷ đồng xây dựng nhà máy trên diện tích 58,6ha tại xã Gio Hải và Gio Thành (huyện Gio Linh). Sắp tới, tỉnh sẽ đón thêm 9 đại dự án điện mặt trời khác nữa.
Cần liên kết vùng mới
Tại các hội thảo, hội nghị về xúc tiến đầu tư của từng địa phương hay khu vực miền Trung được tổ chức thời gian qua, một vấn đề mà các chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đề cập đến đó là việc cần phải liên kết, hợp tác trên tinh thần tương hỗ. Thế nhưng, trên thực tế, các địa phương chỉ mới hô hào, ký kết thỏa thuận, vẫn mạnh ai nấy làm…
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, trong tình hình mới, các tỉnh miền Trung cần cụ thể hóa các thế mạnh mà mình đang có. Trước mắt, cần phải tạo ra một cấu trúc liên kết vùng mới cho các tỉnh miền Trung, loại bỏ kiểu liên kết cũ.
Liên quan đến cảng biển, đừng nên lẫn lộn, vì đây chỉ là lợi thế tiềm năng, nó phải được gắn với chuỗi logistics, với hậu phương công nghiệp vững vàng. Nó phải có những điều kiện khởi phát, như ở cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) gắn với Công ty Ô tô Trường Hải, cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) gắn với Nhà máy lọc dầu Dung Quất…
TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Miền Trung cần chú ý đến cảng biển du lịch, tạo kết nối đường vận tải biển. Đặc biệt, cần tạo cơ hội để miền Trung bứt phá, thành lập ra các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao, biến lĩnh vực này thành thế mạnh. Trong đó, cần tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhất để Bình Định xây dựng Khu đô thị khoa học Quy Hòa. Đà Nẵng cũng cần kết nối, liên kết với Quy Nhơn để xây dựng khu đô thị sáng tạo công nghệ cao ven biển…”.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu dẫn giải, đối với KKT Nhơn Hội, do trước kia Bình Định chạy theo “giấc mộng” tổ hợp lọc hóa dầu 20 tỷ USD, nên bị cầm chân mất 5 năm.
Sau này, nhận thấy công nghiệp nặng không phải là thế mạnh, Bình Định đã kiến nghị Thủ tướng thôi không quy hoạch nhà máy lọc hóa dầu ở đây.
Từ bỏ giấc mơ lọc hóa dầu, Bình Định chuyển hướng qua điều chỉnh KKT Nhơn Hội trở thành khu du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp… Nhờ vậy, thời gian qua, các nhà đầu tư đã đến với Bình Định khá nhiều, tạo động lực vực dậy KKT Nhơn Hội.
Nhiều chuyên gia đề xuất, trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Cụ thể, cho cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển dài 600km từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định; đầu tư, phát triển hệ thống logistics tại duyên hải miền Trung...
Ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch, tập trung các dự án mang tính kết nối như nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Song song đó, cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng quy chế điều phối, liên kết vùng duyên hải miền Trung, tạo thành một sức mạnh tổng hợp trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bai-2-phat-huy-the-manh-rieng-cho-phat-trien-chung-611673.html