Bài 2: Phát triển và quản lý điểm đến theo hướng chuyển đổi xanh

Bằng cách quản lý điểm đến du lịch hiệu quả chúng ta có thể đưa ra các quy định về hạn chế rác thải nhựa và giải quyết các vấn đề liên quan đến khách du lịch tại địa phương một cách toàn diện hướng đến chuyển đổi xanh. Tuy nhiên để quản lý điểm đến cho xanh, cần có tiêu chí rõ ràng mới đánh giá được mức độ xanh của điểm đến...

Hội An là một trong những điểm đến không rác thải nhựa.

Hội An là một trong những điểm đến không rác thải nhựa.

Phòng Quản lý Lữ hành – Cục Du lịch Quốc gia là đơn vị được giao quản lý điểm đến ở cấp khu du lịch và điểm du lịch trên cả nước. Từ thực tiễn quản lý điểm đến cũng như qua các nghiên cứu, bà Nguyễn Lê Thảo, Phó Trưởng phòng, chia sẻ khó khăn vướng mắc nhất của quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch hiện nay là khái niệm về xanh hiện nay còn rất mông lung, chưa có tiêu chí tiêu chuẩn cụ thể về đánh giá tăng trưởng xanh chung cho cả nước.

THIẾU TIÊU CHÍ KHUNG TĂNG TRƯỞNG XANH GÂY KHÓ KHĂN CHO ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ

Chưa có tiêu chí chung, doanh nghiệp sẽ chưa có căn cứ để đầu tư đúng hướng, nhà quản lý chưa có căn cứ đánh giá điểm đến đó xanh tới đâu, tăng trưởng xanh như thế nào để có sự điều chỉnh tiêu chí phù hợp với khu vực, phù hợp với mô hình quản lý.

Bài 1: Ngành du lịch trước áp lực phải tiên phong chuyển đổi xanh

“Chúng ta đã qua hết một thời kỳ của chiến lược tăng trưởng quốc gia lần thứ nhất, tiếp đến 1/3 chặng đường chiến lược lần thứ 2 về tăng trưởng xanh Quốc gia. Tuy nhiên cho tới nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư vẫn chưa ra được một bộ tiêu chí tổng trả lời cho câu hỏi “thế nào là xanh, thế nào tăng trưởng xanh cho các hạ tầng khác nhau”, đại diện Phòng Quản lý lữ hành băn khoăn.

“Như vậy rất khó cho ngành du lịch của chúng tôi vì không có tiêu chí chung cơ bản và thống nhất trong toàn quốc về xanh gồm: xanh với hạ tầng, xanh với môi trường, xanh về cơ sở vật chất kỹ thuật... điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có chủ trương, chính sách đầu tư hay sự hỗ trợ nào về mặt quản lý nhà nước từ cấp trung ương tới địa phương cho việc tăng cường xanh hóa điểm đến”, bà Thảo phân tích.

Nếu có tiêu chí đánh giá chung cho cả nước, khi đó Chính phủ sẽ áp xuống địa phương và họ phải thích ứng với các bộ tiêu chí đó, lúc đó tiền đầu tư và chính sách của địa phương sẽ xuống được đến từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực trong đó có các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch. Nếu không thì các làng du lịch cộng đồng sẽ không thu hút không có nguồn tiền đầu tư khi đó làm sao thu hút được nguồn vốn đầu tư để ra được những khách sạn, khu nghỉ dưỡng xanh nói không với rác thải nhựa như: Flamingo Cát Bà, Silk Sense Hội An.

Điểm đến xanh là một trong những tiêu chí hút khách du lịch.

Điểm đến xanh là một trong những tiêu chí hút khách du lịch.

Đưa ra nhận định "cộng đồng không thể tự làm được xanh", bà Thảo cho biết hiện nay trên toàn quốc mới có 600 điểm du lịch được công nhận đạt chuẩn trong số hàng ngàn điểm du lịch đang hoạt động, chưa nói đến điểm du lịch xanh.

“Nhưng nếu chúng ta muốn du lịch xanh thực sự từ những điểm đến be bé tới cả cộng đồng thì chúng ta phải có tiêu chí, từ nhỏ tới lớn. Không để doanh nghiệp và địa phương phải lần mò làm tiêu chí", bà Thảo nói.

ĐÃ CÓ TIÊU CHÍ NHƯNG YẾU VỀ CĂN CỨ PHÁP LÝ

Được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, thông qua 7 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, Cục Du lịch Quốc gia đã chủ động nghiên cứu xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá khá rõ ràng về tăng trưởng xanh, quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường và xây dựng mô hình phát triển du lịch để đón tăng trường xanh kèm số điểm đánh giá để xếp hạng để phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch.

Bộ Văn hóa Thể thao du lịch thông qua Cục du lịch Quốc gia đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá và quản lý điểm đến riêng của ngành du lịch.

Tuy nhiên, để có được công nhận, sử dụng rộng rãi và có giá trị pháp lý bộ tiêu chí này rất cần tương thích với hệ thống tiêu chí Quốc gia, từ đó có cơ sở để triển khai xuống từng địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Theo đánh giá sơ bộ của Cục Du lịch Việt Nam, đến thời điểm này, việc đánh giá điểm đến theo bộ Tiêu chí trên đã giúp một số cơ quan quản lý, nhà đầu tư về du lịch đi đúng hướng, quản lý điểm đến tốt hơn.

“Mặc dù chưa một giải thưởng hay diễn đàn nào dùng bộ tiêu chí này để đánh giá mức độ tăng trưởng xanh của một khu du lịch, nhưng chúng tôi thấy rằng chí ít nó cũng giúp các nhà đầu tư biết phải làm như thế nào để phù hợp với yêu cầu của khách”, bà Thảo bày tỏ quan điểm.

Và đại diện Cục du lịch Quốc gia khẳng định sẵn sàng cung cấp cho bộ tiêu chí đánh giá điểm đến này cho bất cứ cá nhân, tổ chức đơn vị nào có nhu cầu. Khi nghiệm thu kết quả nghiên cứu Cục cũng đã gửi cho các địa phương làm du lịch phía Bắc để tham khảo và sử dụng.

SỚM BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ VỀ PHÂN LOẠI XANH VÀ HỆ THỐNG NGÀNH KINH TẾ XANH

Thông tin từ Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết hiện cơ quan này đang xây dựng bộ tiêu chí về phân loại xanh và hệ thống ngành kinh tế xanh - Green texonomy và cơ chế ưu đãi cụ thể cho các dự án xanh, kèm theo đề xuất các dự án thí điểm xanh. Dự kiến sẽ hoàn thành và ban hành vào cuối năm 2024.

“Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia là khung cơ bản, cơ sở để xây dựng các tiêu chí kỹ thuật dưới hình thức các danh mục bổ trợ, chi tiết đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể. Danh mục được xây dựng phù hợp với hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, tham chiếu và học hỏi từ danh mục phân loại của các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, EU, Singapore... Trên cơ sở Hệ thống phân ngành xanh này, Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ cùng xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí phân loại xanh của Quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nói rõ.

Khách phương Tây có yêu cầu cao về du lịch bền vững.

Khách phương Tây có yêu cầu cao về du lịch bền vững.

Tuy nhiên, do mọi khái niệm định nghĩa và các tiêu chí về Kinh tế xanh hiện vẫn còn mơ hồ, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ phải mất rất nhiều thời gian để lựa chọn, xác định, xây dựng các tiêu chí xanh cho toàn hệ thống, do vậy nhiệm vụ này đang trong giai đoạn đánh giá dựa trên thực tế để lựa chọn xin ý kiến về tiêu chí.

Theo ông Lê Việt Anh,Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, hệ thống tiêu chí, phân loại ngành xanh cũng như các dự án thí điểm xanh là các cơ sở, căn cứ pháp lý hết sức cần thiết cho việc thực hiện huy động nguồn lực để chuyển đổi xanh trong bối cảnh khung khổ chính sách chung về tăng trưởng xanh chưa có. Trước mắt, chúng ta cần phải tạm thực hiện theo hướng có những thí điểm để tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm.

Cũng theo Vụ trưởng Lê Việt Anh, để ban hành danh mục Dự án thí điểm xanh, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp được danh mục sơ bộ một số dự án do các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư đề xuất. Kèm theo đó, Bộ cũng đã nghiên cứu, khảo sát để đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cả hình thức khuyến nghị có những trợ cấp nhất định dành cho các dự án thí điểm nhằm giúp các dự án vượt qua rào cản về mặt hành chính, tài chính để có thể triển khai. Trên cơ sở tổng kết những dự án thí điểm này, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị, nhân rộng những chính sách đã áp dụng hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có cơ chế trợ cấp cho những hàng hóa, dịch vụ bảo đảm hướng đến xanh. Đồng thời sẽ phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động của mình, bảo đảm các hoạt động hướng tới tăng trưởng xanh phù hợp với khung khổ quốc gia.

“Giữa các ngành kinh tế có sự xung đột về lợi ích, nếu không có sự điều phối chung của một cơ quan tham mưu tổng hợp rất dễ khiến chính sách của các ngành xung đột với nhau”, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cho biết và nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đôn đốc, giám sát để việc xây dựng, ban hành các hành vi, chính sách, cơ chế về tăng trưởng xanh của các bộ, ngành đi cùng một hướng, bảo đảm tăng trưởng xanh là định hướng chung và thống nhất của cả quốc gia.

Cùng với Hệ thống phân ngành xanh, Bộ tiêu chí phân loại xanh của Quốc gia, Danh mục các dự án thí điểm sẽ là căn cứ cơ sở để các Bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương phân loại, xây dựng hoàn thiện các Bộ tiêu chí, kế hoạch về tăng trưởng xanh theo đặc thù, chức năng nhiệm vụ và mục tiêu của mình để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và không làm chậm trễ đến việc chuyển đổi xanh trong thực tiễn, có ý kiến cho rằng dù hiện tại chưa có Taxonomy song các bộ ngành vẫn có cách để tính và xây dựng bộ tiêu chí của ngành mình. Trước mắt có thể chủ động chọn những tiêu chí phù hợp nhất với các ngành của mình trên cơ sở tham khảo và tư vấn các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để tự thiết kế bộ tiêu chí riêng. Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ trên cơ sở đó đánh giá giám sát.

Thực tế là nhiều doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội đã chủ động xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về xanh cho doanh nghiệp của mình trên cơ sở tham khảo các bộ tiêu chí của các quốc gia khác với sự hỗ trợ tham vấn của các tổ chức quốc tế như UNDP, Tổ chức SSTP Thụy Sỹ, Travellife, EarthCheck, Green Globe...

Đón đọc bài 3:Thách thức không nhỏ với cơ sở tiên phong chuyển đổi du lịch xanh

Nguyệt Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bai-2-phat-trien-va-quan-ly-diem-den-theo-huong-chuyen-doi-xanh.htm