Bài 2: Phớt lờ vi phạm để mưu sinh
'Nhiều hôm chạy hộc hơi, chặn đầu chặn đuôi, một tốp đằng này một tốp đằng kia. Đội bán bóng bay thì dễ chạy chứ đội xe đẩy hàng rong thì khó chạy…
Bán liên tục như vậy, ngày vài trăm cũng có, hơn một triệu cũng có, ngày chẳng có đồng nào, một tuần bị bắt 5 hôm mất hơn 2 triệu mấy…” - cuộc hội thoại giữa người bán hàng rong với phóng viên đã lý giải phần nào nguyên nhân dù có quy định cấm bán hàng rong, tình trạng bán hàng rong vẫn tái diễn, khó xử lý triệt để
Hàng rong di động khắp tuyến phố
Trò chuyện với trung tá Lê Văn Thinh – Trưởng CA phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tình trạng tái diễn bán hàng rong trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận, phóng viên ghi nhận nhiều khó khăn của lực lượng chức năng trong việc ra quân xử lý tình trạng bán hàng rong.
Trung tá Lê Văn Thinh chia sẻ, hàng rong là bộ phận người dân có hoàn cảnh và không có hoàn cảnh, tận dụng vị trí công cộng, tập trung đông người để buôn bán mưu sinh. Địa bàn quận Hoàn Kiếm có khu vực các tuyến phố, đặc biệt là khu vực Bờ Hồ - địa điểm tập trung đông khách du lịch và người dân đến Hà Nội tận hưởng sản phẩm du lịch đặc biệt quận Hoàn Kiếm. Bám vào lợi thế đó, người dân bán hàng rong đến đây rất nhiều.
Về công tác quản lý, CA phường Lý Thái Tổ thường xuyên, quyết liệt ra quân xử lý tình trạng người bán hàng rong. Trước đây, xung quanh Bờ Hồ xuất hiện nhiều “đội quân” bán hàng rong. Là đơn vị phụ trách địa bàn phường Lý Thái Tổ từ tượng đài Vua Lý đến Đền Bà Kiệu, CA phường Lý Thái Tổ ngày nào cũng tuần tra, xử lý vi phạm. Một số điểm “nóng” trước đây như cây lộc vừng 9 gốc (bờ Hồ Gươm), ngã ba Lò Sũ, trước số nhà 61 Đinh Tiên Hoàng, thuộc phường Lý Thái Tổ, hàng ngày lực lượng chức năng tuần tra, phát hiện vi phạm xử lý ngay. Do vậy, điểm “nóng” đã được xử lý triệt để. Tuy nhiên, hiện nay người bán hàng rong có nhiều “mánh khóe” để qua mắt lực lượng chức năng.
Đó là tình trạng “hàng rong di động” khắp tuyến phố đi bộ. Người bán hàng rong “ngụy trang” hàng hóa từ chiếc làn, cái thúng. Dạo quanh tuyến phố, không khó bắt gặp hình ảnh nhiều người xách làn như đi chợ, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng là dừng lại bày hàng hóa ra với diện tích vỏn vẹn chỉ nửa mét vuông. Các “hàng rong di động” này là khó xử lý nhất.
Từng nhiều lần ra quân quyết liệt, nhiều người bán hàng rong khi bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm, tịch thu phương tiện còn nằm “ăn vạ”, khóc lóc thảm thiết, lu loa, tạo ra mâu thuẫn, xung đột giữa đường phố. Hình ảnh đó khi người dân không hiểu sẽ vô tình tạo hình ảnh xấu cho lực lượng CA.
Theo trung tá Lê Văn Thinh, đơn vị cũng cử lực lượng rà soát về chỗ cư trú, tạm trú của những người bán hàng rong, được biết họ đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội thuê trọ mưu sinh. Địa điểm thuê trọ chủ yếu thuộc khu vực phường Chương Dương, những căn phòng trọ chỉ vài mét vuông, đủ kê chiếc giường nhỏ, một số vật dụng sinh hoạt và một số đồ hàng buôn bán nhỏ.
“Trước tình trạng tái diễn hoạt động phố đi bộ, bên cạnh việc ra quân quyết liệt, xử lý các trường hợp vi phạm song nhiều trường hợp vi phạm, tái phạm vẫn tăng cao” – trung tá Lê Văn Thinh cho biết.
Bám mặt với cuộc sống mưu sinh
Bên cạnh chiếc xe máy tự chế, lỉnh kỉnh đồ ăn vỉa hè như bò bía, kẹo bông, hoa quả dầm và một số loại đồ chơi trẻ em rẻ tiền, ông Hiến (quê Nam Định) ngồi nghỉ trưa tại đầu phố Hàng Bài. Gương mặt đẫm mồ hôi, ông Hiến cho biết, cuộc sống “bám mặt đường” để sống cũng đã ngót nghét hơn 15 năm nay. Ở tuổi ngoài 60, vợ chồng ông cùng con cái lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Ngày thường, ông Hiến bán hàng tại các cổng trường học trên địa bàn Hà Nội hay rong ruổi trong các khu đền, chùa mùa lễ hội, ngày cuối tuần khi diễn ra tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận, ông Hiến cùng vợ đến tuyến phố đi bộ để bán hàng.
Từ xe hàng rong đã nuôi sống gia đình ông, lo cho con cái học hành. Vì cuộc sống phố thị đắt đỏ nên hai vợ chồng ông Hiến thuê tạm căn phòng trọ nhỏ chưa đến 10m2 ở ngõ 95 phố Bạch Đằng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông Hiến chia sẻ, căn phòng trọ có giá 1,5 triệu đồng/tháng, rộng chừng 10m2. Đó là khu trọ cho những người lao động nghèo từ tỉnh lẻ, đa phần cả ngày rong ruổi ngoài đường, đêm về tranh thủ ngủ nên nhiều người lao động tự do tìm đến khu trọ để thuê. Trước đây, khu trọ có hơn 50 người bán hàng rong tập trung cư trú, sau đợt dịch Covid-19 nhiều người bỏ nghề về quê làm công nhân thời vụ.
Thời điểm tan tầm buổi trưa, một số xe đẩy bán hàng rong hoạt động công khai trong tuyến phố đi bộ. Tại phố Tràng Tiền, một người phụ nữ bán hàng rong thoăn thoắt làm món bò bía cho khách hàng. Vì là thời điểm tan tầm buổi trưa nên lượng du khách kéo về phố Tràng Tiền khá đông, nhu cầu mua đồ ăn vặt như bò bía, hoa quả dầm, xúc xích, xiên rán.
Khi được hỏi, chính quyền đã có quy định “Cấm bán hàng rong tuyến phố đi bộ”, các biển cấm đặt ngay đầu các tuyến phố thì được người phụ nữ bán hàng rong trả lời ráo hoảnh: “Biết là cấm nhưng vì cuộc sống mưu sinh”.
(Còn nữa)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-phot-lo-vi-pham-de-muu-sinh.html