Bài 2: Quay về với cây lúa

Có thời điểm nhà nhà, người người đua nhau đào ao ươm cá tra bột với ước mơ đổi đời. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, chính họ phải san lấp ao, quay về với cây lúa do bị thua lỗ nặng.

Những ao nuôi cá vốn nhộn nhịp bởi tiếng bơm nước, xe tải ngược xuôi, tiếng cười, nói,... nay im ắng lạ thường, chỉ còn lại một vài hộ cầm cự nuôi hy vọng, nhiều hộ bắt đầu “rục rịch” thuê máy múc về san lấp ao nuôi để quay về với cây lúa.

Nhiều ao ươm nuôi cá tra giống tại “thủ phủ” huyện Tân Hưng không được người nuôi tiếp tục, đất khô nứt nẻ trắng đáy ao
Im ắng nơi "thủ phủ" nuôi các tra giống

Tại “thủ phủ” ươm nuôi cá tra giống huyện Tân Hưng, các tuyến kênh KT9, KT11 kéo dài từ xã Hưng Hà qua Hưng Điền B và Hưng Điền vốn trước đây nhộn nhịp khi giá cá tra giống đạt đỉnh thì bây giờ đường vắng, chẳng còn cảnh chen nhau thu mua, người dân cũng chẳng còn tha thiết với việc ươm nuôi cá tra giống.

Hơn 2 năm trước, thấy nông dân trên địa bàn đào ao ươm cá tra giống có lời, anh Nguyễn Văn Trầm, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, quyết định đào 6ha đất sản xuất lúa sang ươm cá tra giống. Theo anh Trầm, lúc mới bắt đầu nuôi, môi trường nước tốt, ít xảy ra dịch bệnh, chi phí vật tư, thuốc thú y thủy sản thấp, gia đình nuôi cũng có lời. Tuy nhiên, qua nhiều vụ thả nuôi, dịch bệnh trên cá xảy ra triền miên, chất lượng cá bột giảm, tỷ lệ ươm thành công thấp, tốn nhiều chi phí cho vật tư, thuốc thú y thủy sản dẫn đến thua lỗ nặng. Sau 10 vụ thả nuôi trong 2 năm, gia đình anh Trầm lỗ gần 1 tỉ đồng. “Giờ gia đình tôi chỉ để lại 2 ao nuôi với diện tích 2ha nhưng mấy tháng nay phơi ao không dám nuôi” - anh Trầm cho biết.

Dọc theo các tuyến kênh lớn trên địa bàn huyện Tân Hưng, rất dễ bắt gặp hàng loạt hộ nuôi treo ao, có hộ bỏ nghề đi làm ăn nơi khác, để lại ao nuôi khô hạn, nứt nẻ. Nhiều trường hợp ao nuôi cá giống đến tuổi nhưng không thể xuất bán do giá quá thấp, thương lái ép giá. Anh Lê Trường An, ngụ xã Hưng Điền B, cho biết: “Sau khoản lỗ 200 triệu đồng, 3 tháng nay, gia đình tôi quyết định ngưng nuôi để tránh thua lỗ thêm”.

Còn anh Trần Anh Tuấn, ngụ xã Hưng Điền B, cũng cho biết, 2 năm qua chẳng những chưa thu hồi được số vốn 300 triệu đầu tư mà anh còn âm thêm khoảng 200 triệu sau 5 đợt ươm nuôi. “Giờ đi đến đâu cũng nghe các hộ ươm cá than thở. Giá cả xuống thấp, thua lỗ khiến không ít hộ nuôi lâm cảnh nợ nần. Chúng tôi chỉ hy vọng giá cá giống sớm tăng trở lại để người nuôi gỡ gạc nguồn vốn đầu tư, chứ giờ cũng chẳng còn mong lời lãi gì nữa!” - anh Trần Anh Tuấn cho biết.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, diện tích ươm nuôi cá tra giống đến tháng 3-2020 còn khoảng 3.358,6ha. Trong đó, số diện tích ao nuôi, chỉ có 1.744,9ha đang ươm nuôi, diện tích còn lại các hộ vẫn treo ao không dám nuôi. So với diện tích ươm nuôi năm 2019 giảm 183ha. Diện tích ươm nuôi cá tra giống giảm do giá cá tra giống thấp, người nuôi bị lỗ nên san lấp ao, trở lại trồng lúa, sen và cây ăn quả.

Hàng loạt hộ dân quyết định phá ao để quay về với cây lúa

Hàng loạt hộ dân quyết định phá ao để quay về với cây lúa

Lấp áo, về lại với cây lúa

Giữa trưa, anh Huỳnh Văn Minh, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng vẫn cặm cụi bên các ao nuôi cá trên tuyến kênh KT11. Tuy nhiên, trái hẳn với thời gian trước, 11 ao nuôi cá của gia đình anh nay chỉ còn lại 2 ao có cá, 5 ao treo không nuôi. Anh tất bật giữa lúc nghề ươm nuôi cá tra giống xuống đáy bởi mấy ngày nay, anh đang huy động 2 máy múc, 1 máy ủi san lấp 4 ao nuôi với diện tích 4ha, quay về với nghề trồng lúa. Anh Minh cho biết: “Nuôi kiểu này lỗ quá, càng làm càng lỗ, giờ chắc quay về với cây lúa thôi! Tôi còn định san lấp thêm một số ao nuôi khác nhưng chi phí san lấp cũng ngốn 30 triệu đồng/ha nên chưa có điều kiện”. Cũng tại xã Hưng Điền B, ông Đoàn Văn Công, ngụ ấp Hưng Thuận, nay chán ngán con cá tra sau 2 năm ươm nuôi. Hơn 1ha ao cá đang được ông san lấp trở lại để trồng lúa. “Lần đầu ươm con cá tra giống lời 100 triệu đồng mê quá, như người trúng số! Tôi cùng nhiều hộ gia đình khác đua nhau làm, mở rộng diện tích nhưng rồi cá liên tục bị dịch bệnh, giá rớt không bằng tiền đầu tư khiến gia đình tôi lỗ hơn 500 triệu đồng. Giờ hết cách, phải quay lại với cây lúa thôi. Hiện nhiều hộ gia đình khác tại địa phương muốn lấp ao để trồng lúa hoặc trồng sen nhưng không còn tiền để thuê san lấp” - ông Công ngậm ngùi cho biết. Cũng theo ông Công, mặc dù thua lỗ lên đến hơn 500 triệu đồng nhưng ông vẫn còn thuộc trường hợp lỗ ít, nhiều hộ còn thua lỗ tiền tỉ.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng, hiện toàn huyện có khoảng 100ha ao nuôi được các hộ dân san lấp để trở lại trồng lúa, số diện tích còn lại có khoảng 50% thả nuôi và 50% treo ao.

Bây giờ, nhắc đến việc ươm cá tra giống, ông Phạm Văn Mây, ngụ xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, vẫn còn cảm thấy ngán ngẩm. Ông cho biết, trước lợi nhuận từ việc nuôi cá và theo phong trào, gia đình ông cũng mạnh dạn chuyển 1,2ha đất sản xuất lúa của gia đình sang đào ao nuôi cá. Nhưng sau 2 lần thả nuôi, gia đình ông lỗ gần 300 triệu đồng. Thua lỗ liên tục, ông quyết định bỏ tiền thuê máy san lấp một nửa diện tích để trồng lúa, ao cá còn lại ông cũng cho người khác thuê chứ không dám tiếp tục. Thế nhưng quay về với cây lúa, ông vẫn lo: “Giờ không biết diện tích đã san lấp có làm lúa được không vì trước đây gia đình tôi thuê máy đào rất sâu, chỉ sợ mất thêm vài vụ lúa nữa” - ông Mây trăn trở. Đến thời điểm này, tại xã Bắc Hòa, có 60/190ha ao nuôi cá được san lấp để trồng lúa trở lại. Tính chung trong toàn huyện Tân Thạnh hiện có 106/1.338ha ao nuôi được san lấp để trồng lúa.

Càng chạnh lòng hơn khi 2 năm qua, những người trồng lúa bên cạnh liên tiếp trúng mùa, được giá. Và đó cũng là một phần lý do khiến số diện tích lấp ao trồng lúa và các loại cây trái khác được dự báo còn tăng mạnh tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười trong thời gian tới.

Theo ngành chức năng, việc người dân san lấp ao nuôi để trồng lúa trở lại trước mắt những diện tích này sẽ bị ảnh hưởng. Đất được đào lên rồi lấp lại có nguy cơ nhiễm phèn, đất xốp khi trồng lúa ảnh hưởng đến năng suất và dễ ngã đổ khi gặp thời tiết không thuận lợi./.

(còn tiếp)

Bài 3: Bài học đã được báo trước

Kiên Định - Văn Đát

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/bai-2-quay-ve-voi-cay-lua-a94580.html