Lào Cai phấn đấu đào tạo 27.000 lao động có tay nghề cao giai đoạn 2026 - 2030

Đây là một trong những mục tiêu chính đặt ra của UBND tỉnh Lào Cai về đổi mới công tác đào tạo nghề nghề cho lao động nông thôn.

Cụ thể, tại Kế hoạch số 404/KH-UBND ngày 04/10/2024 của UBND tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Chương trình số 372-CTr/TU của Tỉnh ủy về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua việc thực hiện kế hoạch nhằm đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, ổn định thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng kinh tế số ở khu vực nông thôn. Đào tạo nghề gắn với phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lào Cai phấn đấu đào tạo 27.000 lao động có tay nghề cao giai đoạn 2026 - 2030. Ảnh: DTPT

Lào Cai phấn đấu đào tạo 27.000 lao động có tay nghề cao giai đoạn 2026 - 2030. Ảnh: DTPT

Đến năm 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển sinh và đào tạo tối thiểu cho 13.000 lao động, trong đó đào tạo cho 10.400 lao động nông thôn; đào tạo 6.250 lao động có tay nghề cao, chiếm 48%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%. Thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 40 - 45%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 50%.

Giai đoạn 2026 - 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 60.000 lao động, trong đó đào tạo cho 51.000 lao động nông thôn; đào tạo 27.000 lao động có tay nghề cao, chiếm 45%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 45%. Thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 50 - 55%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 đạt 43%.

Để thực hiện kế hoạch và những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Lào Cai nêu 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 37-CT/TW và Chương trình hành động số 372-CTr/TU của Tỉnh ủy. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với doanh nghiệp, các mô hình liên kết đào tạo về du lịch.

Đổi mới toàn diện nâng cao chất lượng và hiệu quả về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập gắn với thị trường lao động. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số ngành, nghề lĩnh vực mang tầm quốc tế…

Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả của cuộc cách mạng công nghiệp trong đào tạo lao động nông thôn. Hỗ trợ chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Quảng bá tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh, sản phẩm đạt chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến… trên các hệ thống thông tin chuyên ngành và sàn thương mại điện tử. Phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các tiểu dự án và nội dung thành phần tại 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh kết nối thị trường lao động. Tiếp tục chuyển đổi số trong quản lý lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm; tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cung cấp, phổ biến thông tin thị trường lao động đến người lao động qua nhiều hình thức. Triển khai có hiệu quả các chương trình vay vốn tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất. Tăng cường hợp tác quốc tế và mở các trung tâm đào tạo ngoại ngữ kết hợp với đào tạo các kỹ năng nghề cho người lao động.

Minh Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lao-cai-phan-dau-dao-tao-27000-lao-dong-co-tay-nghe-cao-giai-doan-2026-2030-350732.html