Bài 2: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quan trọng để điều tiết bố trí sử dụng đất đai
Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đáp ứng nhu cầu đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Quang Khải- Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết bố trí sử dụng đất đai, nhằm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của mình đối với đất đai đạt hiệu quả.
Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đáp ứng nhu cầu đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng là một biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế việc bố trí sử dụng đất chồng chéo giữa các ngành, các cấp; hạn chế việc sử dụng đất lãng phí, bất hợp lý, kém hiệu quả; ngăn chặn các hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm, hủy hoại đất, phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái.
Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp quy hoạch tỉnh
Hiện nay, một số phường, thị trấn, xen giữa khu dân cư đô thị vẫn còn đất lúa, người dân khó có thể sản xuất vì không hiệu quả nhưng cũng không được chuyển sang mục đích sử dụng khác.
Ông Khải cho biết, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm kê đất đai năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh theo nguyên tắc kiểm kê hiện trạng từng thửa đất nhằm đánh giá tình hình biến động đất đai giữa 2 lần kiểm kê, trong đó có khoanh vùng đất trồng lúa, đồng thời làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành….
Về trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, căn cứ Điều 42 Luật Đất đai năm 2013, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 6 Luật số 35/2018/QH14 ngày 20.11.2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thuộc UBND cấp huyện.
Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp Quy hoạch tỉnh; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện, thị xã, thành phố; hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ trước; nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, của cấp huyện, cấp xã; định mức sử dụng đất; tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
Ông Khải cho biết, người dân quan tâm đến nội dung này tham gia đóng góp ý kiến cho địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ý kiến thắc mắc của người dân được UBND cấp huyện tiếp thu, giải trình, làm rõ từ đó điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp làm căn cứ cho việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh cho biết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của Thành phố được lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đúng quy định, bảo đảm được nhu cầu, định hướng phát triển của Thành phố. Hiện nay, UBND Thành phố đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của Thành phố. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, UBND Thành phố triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Ông Lương Bá Can cho biết, để bảo đảm tính răn đe, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý, chấn chỉnh những hành vi vi phạm; thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, xây dựng trong thời gian tới, UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác đối với tình trạng sử dụng sai mục đích.
Theo đó, giao Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố và UBND các phường phối hợp cùng Phòng Quản lý đô thị Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho các hộ dân hiểu để sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về đất đai.
Đồng thời, chủ động kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực đất đai như: sử dụng đất không đúng mục đích, thay đổi hiện trạng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định.
Ông Lương Bá Can cho biết thêm, hiện nay, người dân Thành phố còn gặp khó khăn liên quan đến lĩnh vực đất đai. Căn cứ vào khoản 19, Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29.9.2017 quy định về việc chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì phải tách và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng thửa đất được tách.
Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 của UBND tỉnh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, diện tích để tách thửa chuyển mục đích tối thiểu là 36m2 đối với đất ở phường và 50m2 đối với đất ở xã; kích thước cạnh tối thiểu là 4m. Thửa đất tách ra và thửa đất còn lại đều phải bảo đảm kích thước và diện tích như trên.
Thực tế có nhiều thửa đất trên các đường lớn như: 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Chí Thanh… có kích thước ngang 5m x dài 40m, 6m x dài 40m, 7m x dài 40m…
Theo đó, chủ sở hữu đất không thể tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu muốn chuyển mục đích thì phải chuyển hết diện tích phù hợp quy hoạch đất ở, do không thể tách thửa theo quy định. Tuy nhiên, giá tiền để chuyển mục đích sử dụng đất tại các tuyến đường lớn trên địa bàn Thành phố rất cao nên người dân không có khả năng thực hiện.
Ông Lương Bá Can đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành Quyết định thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Quyết định 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 của UBND tỉnh để điều chỉnh nội dung tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp với tình hình thực tế.
Xác định rõ cơ cấu sử dụng đất, làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Ông Trần Quang Khải cho biết, kết quả thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện nhìn chung đạt tỷ lệ chưa cao, chưa thể hiện tầm nhìn dài hạn, thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thu hút đầu tư. Một số dự án đề xuất đầu tư thời gian qua chưa đồng bộ với quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến một số dự án đầu tư bị từ chối tiếp nhận hoặc phải chờ bổ sung quy hoạch mất nhiều thời gian, mất cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư, giảm niềm tin, mức độ tín nhiệm về môi trường đầu tư của địa phương.
Ông Ngô Thanh Bình- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành cho biết, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Châu Thành được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3736/QĐ-UBND ngày 30.12.2021 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 được UBND phê duyệt tại Quyết định số 3745/QĐ-UBND ngày 30.12.2021.
Việc lập quy hoạch đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm giúp cho huyện phân bổ quỹ đất hợp lý, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, tạo tiền đề cho phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, đưa công tác quản lý đất đai ở địa phương đi vào nề nếp.
Để quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với sự phát triển của từng địa phương, ông Trần Quang Khải cho biết, cấp ủy, chính quyền; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành chuyên môn phải nhận thức đầy đủ về vai trò quản lý của công tác quy hoạch đến sự phát triển của địa phương, là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác này; cấp ủy, chính quyền phải thể hiện tư duy quyết tâm chính trị, khát vọng lớn, phát huy trí tuệ tập thể, nghiên cứu sâu để hoạch định mục tiêu, định hướng, xác định rõ cơ cấu sử dụng đất, lĩnh vực ưu tiên phát triển, ưu tiên kêu gọi đầu tư... làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu phát triển có tính khả thi cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, biến đất đai thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Lựa chọn kỹ đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm trong xây dựng quy hoạch. Giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng cùng tham gia và giám sát hoạt động của đơn vị tư vấn trong từng công đoạn và tích cực tham gia góp ý nội dung quy hoạch, bảo đảm sát thực tiễn, có tính khả thi cao.
Cần thống nhất cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát, đề xuất dự án đầu tư làm cơ sở xem xét, cập nhật, bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp, có tính khả thi cao với quan điểm, nơi có tiềm năng, lợi thế.