Bài 2: Quyền lợi chính đáng của 'người có công' cần sớm được giải quyết!

Việc các cơ quan chức năng liên tục đưa đẩy, thiếu trách nhiệm trong xác minh, giải quyết đơn thư khiếu kiện đã đẩy quyền lợi chính đáng của quân nhân Nguyễn Ngọc Lợi, thuộc diện cán bộ đi B, bị kéo dài nhiều năm không tìm ra lối thoát.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, phải khẩn trương làm rõ và đề nghị đền bù thỏa đáng theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bài liên quan

Cần hồi kết cho hành trình tìm công lý của một cán bộ B

Trước đó, báo Nhà báo và Công luận có bài viết: “Cần hồi kết cho hành trình tìm công lý của một cán bộ B” nêu rõ, ông Nguyễn Ngọc Lợi (sn 1953) thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam được Ủy ban Thống nhất (UBTN) của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú năm 1976 và được tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hóa lớp 10 ở Vĩnh Phú (cũ).

Sau khi tốt nghiệp cấp III, ông được UBTN của Chính phủ điều động đi học tại Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y Dược, ĐH Thái Nguyên).

Những “biến cố” đời ông cũng bắt đầu từ đây khi trong quá trình học, ông bị Trường tiến hành kỷ luật đuổi về địa phương. Vụ việc phải có sự can thiệp của Bộ Y tế nhiều lần ra văn bản chỉ đạo và trực tiếp giải quyết, ông Lợi mới tiếp tục được học tập và công nhận tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi hơn 20 năm qua vẫn đi tìm công lý cho chính mình

Năm 1990 Trường ĐH Y Bắc Thái đã có quyết định điều động Bác sỹ Lợi về nhận công tác tại Sở Y tế Vĩnh Phú (cũ). Tuy nhiên, kể từ khi điều động đến thời điểm bàn giao hồ sơ của ông Lợi với Sở Y tế Vĩnh Phú kéo dài 20 tháng (từ tháng 1/1990 đến tháng 8/1991) nên Sở Y tế Vĩnh Phú không có cơ sở để tiếp nhận và đã trả hồ sơ của ông về Trường. Cũng từ đó hồ sơ của ông thất lạc đến nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lợi: “Do không có hồ sơ để làm thủ tục nhận việc theo chế độ viên chức Nhà nước nên tôi phải làm tạm hợp đồng lao động cho một số cơ quan để lấy lương sinh sống. Đến nay đã tuổi về hưu nhưng không có hồ sơ gốc để làm chế độ kháng chiến và chế độ hưu theo đúng chính sách. Đối với Nhà nước là việc nhỏ, nhưng với tôi là công cuộc lao động, chiến đấu của cả đời người nên rất mong các cơ quan chức năng sớm xem xét” – ông Lợi cho biết thêm.

Quá trình điều tra, xác minh thông tin của phóng viên được biết, từ năm 1990 đến nay, ông Lợi đã nhiều lần gửi đơn đến Trường Đại học Y Bắc Thái, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ nhưng những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của ông vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Sau khi báo Nhà báo và Công luận đăng tải bài viết, ngày 28/7/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo số 607/BC-BGDĐT gửi Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản 9309/VPCP-V.I ngày 11/10/2019.

Sở Y tế Phú Thọ cho rằng, báo cáo 607 của Bộ GD&ĐT chưa đề cập kết quả xác minh của Sở về trường hợp của ông Lợi và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc

Tuy nhiên, không đồng tình với báo cáo của Bộ GD&ĐT, tháng 8/2020, ông Lợi tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị được phục hồi 100% tiền lương bị mất theo diễn biến tiền lương và các phụ cấp khác; đề nghị Trường ĐH Y Dược đóng BHXH cũng như đền bù các tổn thất về vật chất, tinh thần…cho ông.

Nhận định về vụ việc, tại báo cáo 1767/BC-SYT ngày 20/8/2020 của Sở Y tế Phú Thọ gửi Văn phòng Chính phủ cũng kiến nghị: “Đây là vụ việc khiến nại, khiếu kiện kéo dài 30 năm và đã được nhiều cơ quan xem xét, giải quyết nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm, Sở Y tế Phú Thọ đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết”.

Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vụ việc

Được biết, ngày 10/10/2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản 8509/VPCP-V.I gửi Thanh tra Chính phủ; Bộ GD&ĐT; Bộ Y tế truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Xét báo cáo của Bộ GD&ĐT (Văn bản 607) và báo cáo của Thanh tra Chính phủ (Văn bản 1625/TTCP-BTCDTW -TTrB ngày 25/9/2020), Sở Y tế Phú Thọ (Văn bản 1767) và Trường ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên (Văn bản 1552 ngày 21/8/2020) về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Lợi liên quan đến hồ sơ cán bộ và bồi thường chế độ, chính sách tiền lương. Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và các cơ quan có liên quan kiểm tra, ra soát lại vụ việc; đề xuất có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, có lý có tình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Nhìn nhận về vụ việc dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy cho rằng: Cần thanh tra làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc làm thất lạc hồ sơ của ông Nguyễn Ngọc Lợi để xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan. Cũng từ kết luận thanh tra sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các quyền lợi hợp pháp của ông Lợi theo quy định pháp luật gồm: có quyền yêu cầu phục hồi 100% tiền lương bị mất và phụ cấp từ trước đến nay (và cộng thêm tiền lãi do chậm trả lương); Đóng BHXH theo quy định của Luật Bảo hiểm và đóng theo mức lương mà ông Lợi được hưởng theo luật định; Thanh toán chi phí hợp lý cho ông Lợi trong việc ông Lợi phải chi trả trong suốt quá trình khiếu nại (gồm chi phí đi lại, chi phí giảm thu nhập do phải đi khiếu nại….); Bồi thường tổn thất về tinh thần cho ông Lợi trong việc bị ảnh hưởng đến danh dự, uy tín– Luật sư Tơ cho biết thêm.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Lại Văn Doãn, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Trung Nam Thái cho rằng, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định rõ về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường phục hồi danh dự cũng như kinh phí bồi thường.

Đối chiếu với trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Lợi thì trách nhiệm trước hết thuộc Trường Đại học Y Bắc Thái (nay là ĐH Y Dược), Sở Y tế Phú Thọ, sau khi cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ sự việc thì cần phải có một buổi làm việc công khai và xin lỗi đối với ông Lợi. Đồng thời ngoài trách nhiệm khôi phục danh dự cho ông Lợi thì phải có trách nhiệm bồi thường về vật chất là toàn bộ lương cho tới hết thời gian nghỉ hưu của ông Lợi. Bên cạnh đó, đây là một vụ rất đặc thù nên cần sự chung tay vào cuộc Cơ quan Bảo hiểm xã hội phối hợp với Bộ LĐ TB&XH và các cơ quan liên quan để xem xét bảo đảm các quyền lợi về lương hưu cũng như các quyền lợi khác cho ông Lợi. Có như vậy mới bù đắp phần nào được cho ông Lợi và bảo đảm rằng công lý luôn được thực thi và không bỏ rơi bất kỳ ai.

Đề nghị làm rõ vì sao hồ sơ của ông Lợi bị mất? Ai là người phải chịu trách nhiệm từ công tác lưu trữ, làm mất từ khi nào, ở đâu?, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Bộ LĐ TB&XH cần vào cuộc cùng với các cơ quan chức năng phải thẩm tra và giải quyết sự việc. Bởi đây là chính sách với những người có công, những người đã có cống hiến với đất nước trong giai đoạn khó khăn. Phải làm rõ và đề nghị đền bù thỏa đáng theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Làm khẩn trương và càng sớm càng tốt. Giải quyết tốt để hậu thế có thể nhìn thấy sự quyết liệt của Chính phủ - bà An cho hay.

Nhóm PVĐT

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-2-quyen-loi-chinh-dang-cua-nguoi-co-cong-can-som-duoc-giai-quyet-post110058.html