Bài 2: Quyết liệt ngăn chặn, tránh hệ lụy

Những hành vi như: Trồng cây, xây dựng nhà cửa, công trình trái phép... để “đón đầu”, chờ nhận đền bù không phải cá biệt ở địa phương hay riêng dự án nào mà xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng trên, chính quyền các cấp, ngành chức năng đã vào cuộc đấu tranh, ngăn chặn.

Xã Yên Phú (Yên Mỹ) rà soát các hộ trồng cây lâu năm trên diện tích đất thu hồi GPMB dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài

Ngày 7.6.2021, UBND tỉnh ban hành công văn số 1170/UBND-KT2 về việc kiểm tra, xử lý các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhận chuyển nhượng trái phép trên đất nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhận chuyển nhượng trái phép trên đất nông nghiệp... đã được công bố hoặc đã có chủ trương tiếp nhận dự án đầu tư. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách về đất đai. Vận động Nhân dân tuân thủ các quy định trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ cho biết: Trước hành vi trồng cây để “đón đầu”, chờ nhận đền bù khi GPMB diễn ra của một số hộ dân trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương siết chặt kiểm tra, rà soát và ngăn chặn kịp thời các vi phạm để bảo đảm công tác GPMB các dự án trên địa bàn. Đối với các địa phương có diện tích đền bù GPMB trong phạm vi Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài, huyện chỉ đạo UBND các xã rà soát danh sách hộ dân trong diện phải đền bù GPMB; tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp trồng cây, xây dựng trái phép công trình trên đất thuộc phạm vi GPMB của dự án. Yêu cầu giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc phạm vi phải thu hồi để thực hiện dự án. Để ngăn chặn tình trạng người dân tự ý trồng cây, xây dựng công trình trái phép trên đất dự án, Hội đồng GPMB của huyện đã cử cán bộ dùng thiết bị chuyên dụng quay video hiện trạng diện tích đất để đối chứng. Sau khi hoàn tất ghi hình, các xã thuộc dự án tuyên truyền, thông báo công trình xây dựng sau thời điểm cắm mốc sẽ không được bồi thường. Khi phát hiện người dân có hành vi trục lợi sẽ kiên quyết xử lý; đồng thời chủ động, tập trung triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, bảo đảm hoàn thành GPMB theo tiến độ yêu cầu của tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Tung, Chủ tịch UBND xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) cho biết: Tại dự án xây dựng khu tái định cư và chợ La Tiến, khi chính quyền địa phương nắm bắt được thông tin người dân thực hiện hành vi trồng cây trục lợi đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng, triển khai lực lượng ngăn chặn vi phạm. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng những quy định của pháp luật về đất đai, xã cũng kiên quyết xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm, yêu cầu các hộ dân cam kết không tái vi phạm. Đến tháng 11.2021, xã đã xử lý triệt để các trường hợp trồng cây nhằm trục lợi chính sách trên đất dự án. Ngày 27.4.2022, các hộ dân có diện tích đất trong dự án đã được mời họp, phổ biến thông báo về giá đền bù đối với diện tích đất thu hồi, để triển khai các bước tiếp theo của dự án trong năm 2022.

Đồng chí Lê Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (Văn Giang) cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của đơn vị thi công Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa bàn xã Tân Tiến về tình trạng một số hộ dân trồng cây trên diện tích đất quy hoạch thực hiện dự án, xã Tân Tiến đã ra thông báo nghiêm cấm hành vi múc đất cạnh đường ĐT.379 và trồng cây ở phần diện tích mở rộng đường ĐT.379. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân hiểu vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện dự án giao thông qua địa bàn xã, phổ biến các quy định, chính sách đền bù của Nhà nước đối với công trình xây dựng, tài sản trên đất thuộc dự án thi công để ngăn chặn tình trạng người dân trồng cây chờ đền bù. Đến nay, diện tích cây được người dân trồng nhằm trục lợi chính sách được xã giữ nguyên hiện trạng và kiên quyết không có chính sách đền bù, hỗ trợ tiền giống, công trồng…

Tại Thông báo số 191/TB–STC ngày 31.12.2021 của Sở Tài chính về đơn giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ công tác GPMB trên địa bàn tỉnh năm 2022, đối với các loại cây không vượt quá mật độ quy định, chủ sở hữu sẽ được bồi thường 100% số lượng cây theo thực tế kiểm đếm theo đơn giá quy định. Trường hợp cây trồng vượt quá mật độ quy định, chủ sở hữu chỉ được hỗ trợ không quá 30% số cây trong mật độ quy định theo mức giá bằng 50% đơn giá của cây cùng chủng loại tại thông báo; số cây vượt mật độ còn lại không được bồi thường, hỗ trợ và phải tự di chuyển. Đối với trường hợp chủ sở hữu tài sản trồng xen kẽ nhiều loại cây, đơn vị GPMB tiến hành xác định từ khâu kiểm kê các loại cây mới đầu tư; cây được di chuyển đến trồng mới, tán, cành cây bị cắt tỉa nhiều; cây có ít hoặc không có cành, lá, tán cây, chỉ có thân gỗ… sẽ không được bồi thường 100% đơn giá tại thông báo mà chỉ được xem xét hỗ trợ những chi phí như: Tiền mua cây, công chăm sóc, tiền mua vật tư…

Đồng chí Nguyễn Đức Kiền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc trồng cây, xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất đã được quy hoạch cần được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, trong đó chính quyền địa phương giữ vai trò chủ chốt. Mặt khác, việc hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ giúp người dân hiểu rõ, tránh vi phạm, tái phạm, tránh những thiệt hại không đáng có và gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án.

Nhóm Phóng viên Kinh tế

Bài 1: Thần tốc trồng cây nuôi “mộng đền bù”

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202205/bai-2-quyet-liet-ngan-chan-tranh-he-luy-5382c20/