Giải ngân vốn đầu tư công: Chỉ bàn triển khai sao cho hiệu quả, không bàn lùi

Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc nghiên cứu kỹ, áp dụng hiệu quả cơ chế chính sách, quy định để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công. Ảnh: baochinhphu.vn

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc nghiên cứu kỹ, áp dụng hiệu quả cơ chế chính sách, quy định để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công. Ảnh: baochinhphu.vn

Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tại cuộc họp của Tổ công tác diễn ra vào chiều 19/11.

Tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan đạt 24%

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Tổ công tác số 5 sẽ kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân của 7 bộ, cơ quan trung ương, theo đó, 2 cơ quan (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) không có kế hoạch vốn năm 2024. Năm bộ, cơ quan (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Ngoại giao; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 2.921,9 tỷ đồng; đã phân bổ chi tiết 2.764,945 tỷ đồng (đạt 95%). Trong đó, Bộ Công Thương phân bổ đạt 71%; 4 bộ, cơ quan còn lại phân bổ đạt 100% kế hoạch vốn.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết ngày 31/10, tỷ lệ giải ngân chung của 5 bộ, cơ quan trung ương mới đạt 24% kế hoạch giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc (52,46%). Cụ thể, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đạt 24%, Bộ Ngoại giao đạt 21%, Bộ Công Thương đạt 31%, Bộ Khoa học và Công nghệ 12%, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 25%.

13 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, được giao tổng kế hoạch vốn ngân sách 78.537,376 tỷ đồng. Các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 87.205,522 tỷ đồng (đạt 111%).

Kết quả giải ngân đến hết ngày 31/10/2024, có 4 tỉnh/thành phố tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình toàn quốc (52,46%), gồm: Kiên Giang 30%; Bạc Liêu 42%; Cần Thơ 50%; Vĩnh Long 45%. Số còn lại đều có tỷ lệ giải ngân cao hơn hoặc tương đương mức giải ngân trung bình toàn quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, tỉnh thành lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, chủ động điều chuyển vốn ở dự án triển khai chưa tốt sang dự án có khối lượng giải ngân cao để chủ động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhờ đó công tác giải ngân 10 tháng có chuyển biến tích cực, đạt trên 67%.

Là đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay, Bộ đã phân bổ cho các đơn vị trên 70% số vốn, còn khoảng 156 tỷ đồng chưa phân bổ, do vướng mắc từ việc chậm giao đất của các địa phương, phân bổ hết dự án cũng không thực hiện được. Bộ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh lại kế hoạch, tăng nguồn cho địa phương, đơn vị khác.

“So với kế hoạch Thủ tướng giao, nếu cố gắng hết mức thì dự kiến đến tháng 12/2024 sẽ giải ngân đạt 70%, nếu được giảm kế hoạch thì sẽ đạt 95%”, bà Thắng nói.

Tại cuộc họp, nhiều bộ, ngành, địa phương chia sẻ những khó khăn trong giải ngân vốn như vướng quy định về đầu tư công, đấu thầu, công tác giải phóng mặt bằng và xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, năng lực nhà thầu…

Dự án đường Hàng Điều, thành phố Vũng Tàu được khẩn trương thi công cho kịp tiến độ đề ra. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Dự án đường Hàng Điều, thành phố Vũng Tàu được khẩn trương thi công cho kịp tiến độ đề ra. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Tăng cường kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

Nhấn mạnh đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, thực hiện tốt đầu tư công sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tạo ra nền tảng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực, không gian phát triển mới, tăng cường liên kết, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng và cả quốc gia.

Bên cạnh đó, đóng góp vào vốn mồi để thu hút đầu tư tư nhân, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho phục hồi nhanh và phát triển nền kinh tế sau dịch COVID-19.

Từ tình hình giải ngân của Tổ công tác số 5, Phó Thủ tướng yêu cầu "chỉ bàn triển khai sao cho hiệu quả, không bàn lùi". “Việc vận dụng cơ chế chính sách còn ở mức độ khác nhau giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, các ngành. Cùng văn bản pháp luật nhưng có địa phương làm tốt, có nơi thì không vận dụng được”, đây chính là điểm cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, để áp dụng kịp thời, hiệu quả các quy định.

Thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo các bộ, cơ quan và địa phương tập trung, quyết liệt, chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, để thực hiện có hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Các bộ, cơ quan, địa phương phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện dự án để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn lưu ý thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để tham mưu các cấp thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận, đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định vốn vay ODA, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành: Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc theo thẩm quyền, trường hợp cần thiết báo cáo cụ thể lãnh đạo Chính phủ phụ trách trong tháng 11/2024 để xử lý ngay, không để chậm trễ kéo dài.

UBND các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt các dự án quan trọng quốc gia. Tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, phục vụ các dự án.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/giai-ngan-von-dau-tu-cong-chi-ban-trien-khai-sao-cho-hieu-qua-khong-ban-lui-20241119190824907.htm