Bài 2: 'Sắc màu Agribank' trong bức tranh tam nông

Một bức tranh nông thôn hiện đại, trù phú với nhiều mảng màu tươi sáng đang dần hiện hữu. Nơi đó, có những nông dân chuyên nghiệp, hạnh phúc với đồng quê, yêu mến và tôn trọng thiên nhiên; biết làm giàu cho mình và cho cộng đồng. Nơi đó, luôn có sự đồng hành của Agribank - người bạn tri kỷ của bà con nông dân và doanh nghiệp.

Dồn tâm sức và trí tuệ

Năm 2023 là năm đầy khó khăn với nền kinh tế; tất cả các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề hậu đại dịch Covid-19 cùng những bất ổn xung đột toàn cầu. Trước tình hình đó, bên cạnh việc nghiêm túc, khẩn trương triển khai các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã tiết giảm chi tiêu, cân đối nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó. Ngày 23.8.2023, Agribank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,3% - 0,5% các kỳ hạn. Như vậy, tính từ đầu năm, lãi suất huy động của Agribank đã giảm từ 1,9% - 4,5% các kỳ hạn, để có cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.

Nông thôn mới xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội ngày nay. Ảnh: Tự Minh

Nông thôn mới xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội ngày nay. Ảnh: Tự Minh

Riêng đối với lãi suất cho vay, từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Đây là mức lãi suất cạnh tranh nhất thị trường hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% - 4%/năm so với đầu năm. Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank mong muốn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ước tính, Agribank tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ.

Song song với việc giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhiều chính sách khác cũng được Agirbank đồng thời triển khai như: các chương trình tín dụng lãi suất thấp; chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu; chương trình tín dụng 3.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ; chương trình tín dụng 10.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31; dành quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Giảm tới 3% lãi suất cho khách hàng vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn còn dư nợ trong thời gian 31.1.2023 đến 31.12.2024. Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02...

Việc hỗ trợ kịp thời của Agribank đã góp phần quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mau chóng phục hồi sản xuất sau đại dịch; đóng góp vào kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của ngành nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,1%; giá trị tăng thêm tăng 3,07%, đóng góp 9,28% vào tổng mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Nông thôn hiện đại đã hiện hữu

Bám sát chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của NHNN, nguồn vốn của Agribank đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước, tạo đột phá cho các vùng quê và đưa nền nông nghiệp nước nhà lên một nấc thang mới, hiện đại hơn, sung túc hơn.

Hơn chục năm trước, khi Hà Nội quyết định chọn xã Song Phượng, huyện Đan Phượng làm xã điểm để xây dựng xây dựng nông thôn mới đã dấy lên những nghi ngờ về mức độ thành công. Người dân Song Phượng thời đó vẫn chỉ trông vào lúa mùa vụ, nông nhàn không có việc làm. Giao thông liên thôn, liên xã còn ngổn ngang, cộng thêm tâm lý mới sáp nhập về Hà Nội khiến người dân hoang mang.

Giờ đây về Song Phượng, những con đường mới rộng thênh thang chạy từ trung tâm huyện về các xã, qua các cụm công nghiệp làng nghề… cho thấy hình ảnh một vùng ven đô hiện đại. Hiện, cả xã còn khoảng 100ha đất nông nghiệp đều đã chuyển sang trồng rau, hoa và cây ăn quả; không còn diện tích cấy lúa. Giá trị sản xuất mỗi héc ta canh tác của xã đạt trên 400 triệu đồng. Bên cạnh nghề nông, với lợi thế ven đô, người dân còn phát triển kinh doanh, dịch vụ; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã hình thành. Trong xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt trên 80 triệu đồng/1 người/1 năm. Đời sống được nâng lên, các hoạt động tinh thần được chú trọng.

Về Đồng Nai - điểm sáng xây dựng nông thôn mới của cả nước mới thấy luồng gió mới từ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã tạo cơ chế cho tỉnh công nghiệp làm nông nghiệp thành công thế nào. Trong khi nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã, huyện, tỉnh nông thôn mới thì năm 2019, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, toàn tỉnh có 21/120 (17,5%) xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 96/120 (80%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 22 khu dân cư kiểu mẫu. Với cấp huyện, Đồng Nai có nhiều huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Vĩnh Cửu... Đáng chú ý, nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng đang là “lá cờ đầu” trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Sau hơn 10 năm thực hiện, nông thôn mới đã làm "thay da đổi thịt" mọi mặt của khu vực nông thôn một cách toàn diện, trọn vẹn. Bức tranh nông thôn đã có sự thay đổi tích cực, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, nhờ vào "ý Đảng lòng dân". Trong đó, không thể không nhắc đến sự nỗ lực của Agribank hơn chục năm qua, khi tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn đạt xấp xỉ 70% tổng dư nợ, chiếm 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn của toàn ngành ngân hàng.

Đức Kiên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-2-sac-mau-agribank-trong-buc-tranh-tam-nong-i348253/