Bài 2: Tháo gỡ rào cản
Dù sản phẩm yến sào Kiên Giang được đánh giá cao về chất lượng, nhưng thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa hoặc xuất khẩu tiểu ngạch thông qua doanh nghiệp ủy thác. Điều này đặt ra câu hỏi vì sao yến sào Kiên Giang chưa thể xuất khẩu chính ngạch?
Bài 1: Vùng nguyên liệu dồi dào
KHÓ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC
Một trong những rào cản lớn nhất nằm ở hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, phần lớn cơ sở sản xuất yến sào tại Kiên Giang vẫn hoạt động tự phát, chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát thống nhất từ khâu nuôi yến đến khi sản phẩm hoàn thiện.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh có hơn 3.000 nhà nuôi yến nhưng chỉ khoảng 300 nhà đăng ký giám sát dịch bệnh hàng năm. Điều này dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc tổ yến gặp nhiều hạn chế, trong khi đây là một trong những yêu cầu quan trọng của các thị trường nhập khẩu chính ngạch. Hiện tỉnh có 4 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh yến sào đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu, nhưng con số này vẫn còn quá ít so với tiềm năng của địa phương.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xuất nhập khẩu Thuận An (TP. Hồ Chí Minh) khảo sát tại cơ sở sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn yến sào Fanza (TP. Hà Tiên).
Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở nuôi và chế biến yến sào trong tỉnh chưa đạt các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP, FDA hay JMA. Đây là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm yến sào Kiên Giang tiếp cận các thị trường khó tính.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xuất nhập khẩu Thuận An Lê Văn Tài cho biết công ty đang tích cực hợp tác với các nhà nuôi yến tại Kiên Giang để xuất khẩu sản phẩm tinh chế sang Trung Quốc. Tuy nhiên, dù sản phẩm của một số cơ sở đã đạt yêu cầu về chất lượng và mẫu mã theo tiêu chuẩn của đối tác nước ngoài nhưng vẫn thiếu các chứng nhận quốc tế cần thiết để được cấp phép xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh yến sào tại Kiên Giang cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để sớm hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu tiềm năng.
Không chỉ gặp trở ngại trong vấn đề quản lý và tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất yến sào tại Kiên Giang còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở nuôi yến, doanh nghiệp sơ chế và chế biến. Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam Phạm Duy Khiêm nhận định dù Kiên Giang có Chi hội Yến sào trực thuộc Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhưng vẫn chưa thể tạo ra sự liên kết bền vững giữa các đơn vị sản xuất và kinh doanh trong tỉnh. Điều này khiến ngành yến sào tỉnh thiếu sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Theo chị Võ Thị Diễm - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại dịch vụ Hùng Diễm (TP. Rạch Giá), nhiều hộ nuôi yến vẫn còn thói quen tự sơ chế yến và bán hàng riêng lẻ, không tham gia vào chuỗi liên kết với các doanh nghiệp thương mại. Do đó, dẫn đến tình trạng sản phẩm không đồng nhất về chất lượng, quy trình chế biến không đảm bảo tính thống nhất, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng đầu ra.
Dù có những khách hàng từ Trung Quốc đặt mua với sản lượng lên đến hàng tấn yến mỗi tháng, nhưng các cơ sở trong tỉnh không đủ khả năng cung ứng do hoạt động rời rạc, thiếu sự hợp tác giữa các nhà nuôi yến và doanh nghiệp chế biến. Điều này cũng khiến tỉnh chưa thể hình thành các khu vực sơ chế yến tập trung với sản lượng lớn, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của yến sào Kiên Giang trên thị trường quốc tế.
THIẾU VỐN VÀ CÔNG NGHỆ
Ngoài những rào cản về hệ thống quản lý và tính liên kết trong sản xuất, các doanh nghiệp và hộ nuôi yến tại Kiên Giang còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng như đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại.
Chi hội phó Chi hội Yến sào Kiên Giang Trần Quốc Phương cho biết nhiều hội viên trong chi hội mong muốn đầu tư công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng bị hạn chế về nguồn vốn. Hiện nay, các chính sách vay vốn ngân hàng dành cho nghề nuôi yến vẫn còn nhiều rào cản, khiến việc mở rộng sản xuất trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến yến sào tại Kiên Giang vẫn còn khá thủ công, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư phát triển xuất nhập khẩu Thuận An (TP. Hồ Chí Minh) tham quan công đoạn đóng gói tổ yến thành phẩm tại cơ sở sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn yến sào Fanza (TP. Hà Tiên).
Trong khi đó, những tỉnh, thành phố có công nghiệp chế biến phát triển hơn đã đầu tư mạnh vào công nghệ hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp sản phẩm của họ có lợi thế hơn trong xuất khẩu chính ngạch. Điều này càng làm gia tăng sự cạnh tranh trong ngành yến sào, đòi hỏi Kiên Giang phải có những bước chuyển mạnh mẽ nếu muốn nâng cao vị thế trên thị trường thế giới.
Nhận thấy những thách thức trên, các cơ quan chức năng tỉnh đã và đang xây dựng các kế hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho yến sào địa phương tiếp cận thị trường xuất khẩu chính ngạch. Giải pháp quan trọng hàng đầu là thiết lập hệ thống quản lý chặt chẽ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và hướng đến việc cấp các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, việc thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi, doanh nghiệp sơ chế và chế biến là điều cần thiết để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm yến sào Kiên Giang.
Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về vốn và công nghệ, giúp các doanh nghiệp và hộ nuôi yến có điều kiện đầu tư vào trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc tiếp cận các quỹ hỗ trợ phát triển ngành nghề cũng như đơn giản hóa thủ tục vay vốn sẽ giúp các doanh nghiệp yến sào Kiên Giang có thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Nếu giải quyết tốt những rào cản này, yến sào Kiên Giang hoàn toàn có cơ hội vươn xa trên thị trường thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM
*Còn tiếp, Bài cuối: Để yến sào Kiên Giang vươn xa
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/bai-2-thao-go-rao-can-25316.html