Xuất khẩu sang EU: Đừng để thói quen làm mất thị trường

Quy định của EU rất rõ ràng và hướng đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, đôi khi doanh nghiệp Việt 'lơ đễnh' có thể dẫn đến việc bị cấm nhập khẩu.

TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Môi trường - đã cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Tưởng ngon và đẹp nhưng không hẳn

- EU là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản Việt Nam nói chung và thực phẩm chế biến nói riêng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp e ngại vì đây là thị trường không dễ, ông bình luận gì về việc này?

TS. Ngô Xuân Nam: EU là khối quốc gia có những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao và rất chặt chẽ trên thế giới - phần lớn nhờ vào các bộ luật vững chắc của EU, nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) là công cụ để đảm bảo thông tin cho phép phản ứng nhanh khi phát hiện ra các nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng trong chuỗi thực phẩm.

Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm tôm tẩm bột có trứng vào EU phải sử dụng trứng có nguồn gốc từ những quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil,...

Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm tôm tẩm bột có trứng vào EU phải sử dụng trứng có nguồn gốc từ những quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil,...

Điều kiện chung để đưa thực phẩm mới vào EU như sau: Thực phẩm không gây nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe con người, dựa trên các bằng chứng khoa học hiện có; mục đích sử dụng thực phẩm không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi thực phẩm được dùng để thay thế một loại thực phẩm khác và có sự thay đổi đáng kể về mặt dinh dưỡng; khi thực phẩm được dùng để thay thế một loại thực phẩm khác, không gây bất lợi về mặt dinh dưỡng so với thực phẩm trước đó.

Quy định (EU) 2017/2470 ngày 20/12/2017 thiết lập danh sách thực phẩm mới của Liên minh theo Quy định (EU) 2015/2283 ngày 25/11/2015 về thực phẩm mới. Ngoài ra, trong Quy định (EU) 2015/2283, khái niệm “thực phẩm mới” bao gồm “thực phẩm truyền thống đến từ quốc gia thứ ba”, tức là các loại thực phẩm được tiêu thụ một cách truyền thống ở các quốc gia thuộc khu vực ngoài Liên minh châu Âu. Tất cả các loại thực phẩm mới đều cần phải trải qua đánh giá an toàn thực phẩm trước khi có thể được giao dịch trong EU - được chứng minh là có thể tiêu thụ an toàn trong ít nhất 25 năm.

Mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam thuộc thực phẩm mới gồm hạt é khô và các sản phẩm nước ngọt hương vị trái cây có chứa hạt é; thịt ốc bươu,…

Đối với sản phẩm hạt é khô, Việt Nam đã nhận 2 cảnh báo trên hệ thống RASFF về sản phẩm này, với lí do “thực phẩm mới chưa được cấp phép”. Sản phẩm “thịt ốc bươu” xuất khẩu từ Việt Nam nhận cảnh báo từ EU với lí do “thực phẩm mới chưa được cấp phép”.

Bởi theo Quy định (EU) 2015/2283, thịt ốc bươu thuộc tệp “thức ăn truyền thống từ quốc gia thứ ba”, do đã được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhưng chưa được sử dụng tại thị trường châu Âu. Thịt ốc bươu cần được đăng ký cấp phép và trải qua quy trình đánh giá an toàn thực phẩm để được đưa vào danh mục cấp phép của Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, Quy định (EU) 1333/2008 của Liên minh châu Âu ngày 16/12/2008 về phụ gia thực phẩm đã định nghĩa “phụ gia thực phẩm” như sau: “Phụ gia thực phẩm” là bất kỳ chất nào không phải là thực phẩm thông thường và không được sử dụng như một thành phần chính của thực phẩm. Dù có giá trị dinh dưỡng hay không, nếu chất đó được thêm vào thực phẩm một cách có chủ đích để phục vụ mục đích công nghệ (như sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển…), thì nó hoặc sản phẩm phụ của nó có thể trở thành một phần của thực phẩm, dù trực tiếp hay gián tiếp.

- Ông có thể chia sẻ câu chuyện cụ thể để lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu thực phẩm chế biến sang thị trường này?

TS. Ngô Xuân Nam: Nhiều nhà sản xuất thực phẩm, bao gồm Việt Nam có sử dụng trứng trong công thức tôm tẩm bột. Theo thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng tại nhiều thị trường, khi chế biến tôm tẩm bột, nhà sản xuất thường cho thêm trứng nhằm tạo lớp kết dính.

Trứng giúp lớp bột bám chặt vào tôm hơn, tránh tình trạng bột bị rơi ra khi rán. Trứng cũng giúp lớp bột chiên xù hoặc bột tempura có kết cấu giòn hơn. Vị béo nhẹ của trứng giúp lớp bột tẩm đỡ bị nhạt, tạo cảm giác ngon miệng. Ngoài ra, lòng đỏ trứng giúp bột có màu vàng đẹp hơn, đồng thời giữ độ ẩm cho lớp bột, tránh hiện tượng sản phẩm bị khô cứng.

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: H. H

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: H. H

Tuy nhiên, protein trong trứng có thể coi là một chất gây dị ứng. Bên cạnh đó, trứng còn là sản phẩm có nguồn gốc động vật, khi có mặt trong sản phẩm tổng hợp xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ Quy định (EU) 2022/2292, có hiệu lực từ ngày 15/12/2022. Tôm tẩm bột cũng là sản phẩm tổng hợp, do chứa bột (nguồn gốc thực vật) và đã làm thay đổi đặc tính của tôm (nguồn gốc động vật).

Hiện EU chỉ cho phép các sản phẩm trứng của nước thứ ba đã được phê duyệt được phép xuất khẩu vào EU (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil,…). Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm tôm tẩm bột có trứng vào EU phải sử dụng trứng có nguồn gốc từ những quốc gia trên.

Một vấn đề nữa cần lưu ý đó là theo Điều 21 của Quy định (EU) số 1169/2011, trứng nằm trong nhóm các sản phẩm gây dị ứng và buộc phải khai báo trên nhãn sản phẩm. Nếu không, Hệ thống Cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) sẽ đưa ra cảnh báo tới quốc gia xuất khẩu, kèm những biện pháp xử lý cần thiết.

Việc không khai báo hoặc khai báo không chính xác các chất gây dị ứng có thể dẫn đến việc sản phẩm bị thu hồi hoặc cấm nhập khẩu vào EU. Trong quá khứ, đã có rất nhiều trường hợp tôm tẩm bột đông lạnh không khai báo thành phần trứng trong bột tẩm, dẫn đến sản phẩm bị thu hồi tại châu Âu. Việc này không chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế, cả ngành hàng cũng có thể chịu ảnh hưởng nếu tình trạng vi phạm tái diễn.

Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định thị trường

- Những quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật của EU thường thay đổi liên tục, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này?

TS. Ngô Xuân Nam: Những quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật của EU nói riêng và thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thường thay đổi, do đó, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định của EU, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, ghi nhãn, Quy định (EU) 1169/2011 về cung cấp thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng, cũng như Quy định (EU) 2022/2292 rất mới về sản phẩm tổng hợp.

Trước khi đóng gói xuất khẩu, doanh nghiệp phải ghi nhãn đầy đủ và chính xác, đảm bảo tất cả các chất gây dị ứng có trong sản phẩm được ghi rõ ràng, giúp người tiêu dùng nhận biết và phòng tránh.

Đồng thời, kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt thông qua việc thiết lập quy trình kiểm soát chất lượng để đảm bảo không có sự nhiễm chéo hoặc bỏ sót trong việc khai báo các chất gây dị ứng.

Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về khai báo chất gây dị ứng, cũng như những yêu cầu về nguồn gốc đối với sản phẩm tổng hợp không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro pháp lý mà còn nâng cao uy tín và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

EU thường xuyên sửa đổi, bổ sung các quy định, yêu cầu về nhập khẩu nông, thủy sản, thực phẩm. Vừa qua, thị trường này thông báo sẽ lần đầu tiên áp dụng mức dư lượng asen vô cơ trong cá và một số sản phẩm thủy sản. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường EU, từ đó có kế hoạch thích ứng và điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Thông tin chi tiết về các quy định của EU được cập nhật trên website của Văn phòng SPS Việt Nam tại địa chỉ: http://www.spsvietnam.gov.vn/ hoặc doanh nghiệp có thể gửi yêu cầu cụ thể vào hòm thư công vụ: [email protected] để được giải đáp.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-sang-eu-dung-de-thoi-quen-lam-mat-thi-truong-381902.html