Bài 2: Thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng

Trong bối cảnh nhu cầu về nhiên liệu ngày càng tăng, nguồn cung xăng, dầu trong nước còn phụ thuộc vào thị trường thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp linh hoạt, chủ động trước những biến động của thị trường.

Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện chính sách để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, đặc biệt về quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng, dầu. Đại lý bán lẻ xăng, dầu nên được lấy hàng từ nhiều nguồn. Chu kỳ điều hành giá xăng, dầu nên được rút ngắn.

Xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp

Hiện nay, thị trường xăng, dầu có khoảng 17.000 cửa hàng xăng, dầu. Trong đó, có khoảng 13.000 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống cửa hàng bán lẻ trong cung ứng xăng, dầu cho toàn thị trường. Để gỡ khó cho thị trường xăng, dầu, các DN kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu đề xuất, không có cách nào khác là Nhà nước phải quy định mức chiết khấu tối thiểu cho khâu bán lẻ. Như vậy mới bảo đảm để DN bán lẻ duy trì hoạt động xuyên suốt.

Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, các DN bán lẻ xăng, dầu đề xuất nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để bảo đảm không có sự “phân biệt đối xử giữa các DN”. Theo đó, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cần phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều được hưởng (gồm: Khâu nhập khẩu; khâu phân phối; khâu bán lẻ). "Chỉ khi giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu mới bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa hàng xăng, dầu ngừng kinh doanh như hiện nay", ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương, TP Hồ Chí Minh bày tỏ.

Người dân mua xăng tại cửa hàng của Tổng công ty Dầu Việt Nam. Ảnh: HIỀN ANH

Người dân mua xăng tại cửa hàng của Tổng công ty Dầu Việt Nam. Ảnh: HIỀN ANH

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần quy định mức thù lao tối thiểu của đại lý bán lẻ để họ hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ. Từ góc độ địa phương, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, các quy định phải đặt hài hòa lợi ích các bên tham gia chuỗi cung ứng, tiêu dùng (Nhà nước, DN, người tiêu dùng). Theo tỉnh Kiên Giang, hiện nay không có quy định chiết khấu định mức cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn tới nhiều đơn vị thua lỗ, phải ngừng kinh doanh, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy định chiết khấu định mức theo tỷ lệ % nhất định trên mỗi lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Việc này nhằm giúp DN duy trì hoạt động, tránh tình trạng phải ngừng kinh doanh như vừa qua.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, tại dự thảo lần 2 (văn bản mới nhất) Tờ trình của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, Bộ Công Thương tiếp tục bảo vệ quan điểm không nên quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng, dầu, đồng thời để các DN tự quyết định và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng, dầu trên thị trường trong từng thời điểm, có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý với các đơn vị cấp xăng, dầu. Trường hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại), các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Bộ Công Thương phân tích thêm, Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng, dầu. Điều này là phù hợp với thực tế do giá bán lẻ xăng, dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố để phản ánh tính thị trường, đồng thời là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các DN điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng, dầu trên thị trường thế giới và trong nước.

Cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá

Một vấn đề nữa cũng đang được dư luận rất quan tâm, đó là đề nghị rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều hành giá xăng, dầu để tránh có độ trễ so với biến động nhanh chóng của thị trường thế giới. Nhiều chuyên gia đánh giá, trước đây, mỗi chu kỳ điều hành giá xăng, dầu là 30 ngày, sau rút lại 15 ngày, rồi 10 ngày như hiện nay là những bước tiến dài. Tuy nhiên, theo PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), quá trình điều hành giá xăng, dầu với chu kỳ 10 ngày (không tính trùng ngày nghỉ, lễ, tết) vẫn chưa hòa nhập được với diễn biến giá xăng, dầu trên thị trường thế giới. “Xăng, dầu là mặt hàng luôn biến động giá nên chu kỳ điều chỉnh giá nếu được rút xuống càng ngắn càng tốt. Với chu kỳ điều chỉnh dài như hiện nay, giá xăng, dầu vẫn có sự “lệch pha”, khi giá xăng, dầu trong nước vẫn tính theo giá bình quân của 10 ngày nhiều khi lỗi nhịp với giá thế giới”, ông Ngô Trí Long cho hay.

Liên quan tới vấn đề này, tại tờ trình mới nhất gửi Thủ tướng về sửa đổi Nghị định số 83/NĐ-CP và Nghị định số 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng, dầu từ 10 ngày xuống mức 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể là thứ năm hằng tuần. Trong giai đoạn giữa hai kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng hơn 5%, Liên bộ Công Thương-Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá nhằm bảo đảm giá xăng, dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng, dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc DN kinh doanh xăng, dầu. Đây được cho là khác biệt đáng kể với quy định hiện hành bởi Nghị định số 95/NĐ-CP nêu rõ kỳ nghỉ lễ không điều hành giá xăng, dầu.

Một khó khăn lớn được các DN bán lẻ xăng, dầu kiến nghị là sửa đổi quy định DN bán lẻ xăng, dầu chỉ được nhập hàng từ một nguồn. Tại tờ trình mới nhất gửi Thủ tướng về sửa đổi Nghị định số 83/NĐ-CP và Nghị định số 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu, Bộ Công Thương đồng ý để các đại lý xăng, dầu được mua từ nhiều nguồn, thay vì bảo lưu quan điểm chỉ được mua từ một nguồn như quy định hiện nay (có thể giới hạn 2-3 nguồn). Bộ Công Thương lựa chọn phương án này với lý do nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp xăng, dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Trong khi đó, thương nhân phân phối chỉ được mua từ 3 nguồn (đầu mối), không được lấy từ thương nhân phân phối xăng, dầu khác.

(còn nữa)

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-thiet-lap-moi-truong-canh-tranh-binh-dang-719190