Bài 2: Thiếu nhân lực khiến nỗ lực của địa phương chưa phát huy hiệu quả tối ưu

Sau gần 6 năm kể từ khi thủy sản Việt Nam bị áp cảnh báo 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã đạt được những tiến bộ được EC ghi nhận và đánh giá cao, nhất là ở khía cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, thách thức trong thực tiễn triển khai các quy định khiến cho nỗ lực của các địa phương chưa phát huy tối đa hiệu quả như mong muốn. Một trong số đó là ngành thủy sản hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quốc tế

Theo Báo cáo giải trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của EC, tình hình chống khai thác IUU đã có sự tiến bộ hơn rất nhiều so với đợt thanh tra thực tế lần thứ 2 của EC vào năm 2019. Cụ thể là, khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực; công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định PSMA về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước. Trong chuyến công tác tại Việt Nam vào tháng 11.2022, Cao ủy của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevicus đã đánh giá cao những nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng IUU.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại cuộc giám sát của Ủy ban Đối ngoại làm việc tại Bình Định, ngày 6.7. Ảnh: Thanh Chi

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại cuộc giám sát của Ủy ban Đối ngoại làm việc tại Bình Định, ngày 6.7. Ảnh: Thanh Chi

Cùng với những bước tiến trong hoàn thiện khung pháp lý về chống khai thác IUU, việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động đánh bắt trên thực tế cũng còn khó khăn. Thực tiễn cho thấy, công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá tại các địa phương còn gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp tàu cá bị bắt giữ, được thả rồi lại tái phạm mà một trong những nguyên nhân, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh là do nguồn lợi thủy sản trong nước đang dần cạn kiệt.

Qua khảo sát và làm việc với ba tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định), Đoàn khảo sát của Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, các địa phương đã rất nỗ lực và dành nhiều sự ưu tiên cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chính sách, pháp luật về chống khai thác IUU.

Đơn cử, Bình Định nỗ lực triển khai và tổ chức rất chặt chẽ công tác tuyên truyền, vận động đến người dân về chống khai thác IUU. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã phân công nhiệm vụ này tới từng đảng viên. Theo đó, ba đảng viên chịu trách nhiệm hỗ trợ một chủ tàu để ký cam kết. Việc ra nghị quyết được thực hiện từ cấp chi bộ. Cùng với đó, tỉnh Bình Định đặc biệt chú trọng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác vận động chủ tàu/ngư dân tuân thủ các cam kết và các quy định pháp luật về chống khai thác IUU…

Bình Định cũng triển khai nghiêm túc công tác giám sát hành trình, là một trong số những tỉnh hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên theo chỉ đạo của Trung ương; lắp đặt thiết bị, triển khai đơn vị giám sát trạm bờ, theo dõi chặt chẽ các tàu cá... Tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư nâng cấp các cảng cá; triển khai hình thức cập nhật nhật ký giám sát bằng hình thức nhật ký điện tử thay vì ghi chép…

Cần chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực đủ năng lực quản lý tàu, ngư cụ quy mô lớn

Tuy vậy, hạn chế về nguồn nhân lực khiến cho những nỗ lực của các địa phương chưa đạt kết quả tối ưu.

Quang cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại với UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thanh Chi

Quang cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại với UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thanh Chi

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn khảo sát của Ủy ban Đối ngoại với UBND tỉnh Phú Yên về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khắc phục “thẻ vàng” IUU, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tri Phương thẳng thắn nêu thực tế, Phú Yên hiện không còn nhiều dư địa để phát triển nghề cá, bởi lẽ hoạt động khai thác thủy sản được quản lý theo hạn ngạch từng vùng: vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi. Nếu trước đây Phú Yên chủ trương “giảm tàu cá ven bờ, đẩy mạnh phát triển nghề cá vùng khơi xa” thì bây giờ “không còn câu này nữa”. Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, Phú Yên phải đi theo hướng đẩy mạnh tổ chức hoạt động đánh bắt cá theo tổ đội có quy mô, đưa khoa học, công nghệ vào hoạt động khai thác thủy sản…

Mặc dù đã xác định khá rõ phương hướng phát triển nghề cá của địa phương, song đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên cũng cho biết, việc đưa khoa học, công nghệ vào hoạt động khai thác thủy sản là rất quan trọng và cần thiết, song cái khó là khả năng thích ứng của ngư dân. “Ngư dân có tiếp thu được công nghệ hay không, có thích ứng được với việc đó hay không mới là vấn đề”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên nói.

Một yếu tố mang tính đặc thù ở Phú Yên là số ngư dân được đào tạo để có khả năng vận hành công nghệ hiện đại trên tàu không nhiều, chủ yếu các chủ tàu thuê những ngư dân nhàn rỗi ở các vùng lân cận khác và hầu hết các lao động này có trình độ thấp. “Nghề đi biển hiện nay đang rất thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết. Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ cũng cho biết, đặc thù của Phú Yên cũng như nhiều tỉnh duyên hải khác trên cả nước là ngư dân còn hạn chế về nhận thức, hiểu biết chính sách, pháp luật và khả năng tổ chức quản lý, vận hành, khai thác đối với những đội tàu lớn.

Các tỉnh ven biển, trong đó có Phú Yên, hiện đang rất thiếu lao động do đa số lao động ngày càng có xu hướng tham gia những ngành nghề có tính ổn định hơn. Nêu thực tế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết, hiện nay, tỉnh đang có chính sách huy động nhân lực tàu thuyền, ví dụ tháng này đi chủ tàu này, tháng sau đi làm việc cho chủ tàu khác song việc quản lý lực lượng này còn khó khăn.

Từ thực trạng lao động nghề cá của địa phương, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cho chủ tàu/ngư dân đủ năng lực quản lý tàu, ngư cụ quy mô lớn để khai thác có hiệu quả. Nếu không giải quyết chuyện đó thì dù đầu tư đến mấy cũng không đạt hiệu quả như mong đợi, như thực tế triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản vừa qua đã cho thấy.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị, cần có chính sách về nguồn nhân lực nhằm ổn định lực lượng lao động và bảo đảm nhân lực có trình độ cho ngành thủy sản. Đồng thời, cần đánh giá lại tất cả các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực thủy sản, ở cả khía cạnh chính sách về phát triển thủy sản và bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển. Sau khi có đánh giá, cần tổng hợp và có các chính sách cụ thể, vừa hài hòa, vừa gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng. “Hai vấn đề này gắn liền với nhau bởi ngư dân là người tham gia đồng hành cùng bảo vệ biển đảo, do đó, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cần đồng hành với chính sách bảo đảm an ninh quốc phòng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-2-thieu-nhan-luc-khien-no-luc-cua-dia-phuong-chua-phat-huy-hieu-qua-toi-uu-i335522/