Bài 2: Tinh gọn, chuyên nghiệp hóa tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện tốt chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp
PGS.TS Lê Minh Thông - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
Bài 1: Thành tựu gần 40 năm Đổi mới - tiền đề, nguồn lực quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới
13/12/2024 17:38
Để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay, cần tập trung tiến hành một số giải pháp. Trong đó, trước hết, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo đó, cần nghiên cứu sâu hơn, có hệ thống và toàn diện hơn vấn đề đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, xác định rõ mô hình hệ thống chính trị ở nước ta làm cơ sở cho đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Tự đổi mới mạnh mẽ cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Thứ hai, tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị để có giải pháp đổi mới mạnh mẽ bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xác định cơ chế vận hành các mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị được tổ chức, hoạt động đúng vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình.
Để làm được điều này, trước tiên, bản thân Đảng phải tự đổi mới mạnh mẽ cơ cấu tổ chức bộ máy của mình theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy đảng song trùng với bộ máy nhà nước, chồng chéo chức năng, trách nhiệm. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường sử dụng bộ máy nhà nước làm chức năng tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách. Đồng thời, củng cố, nâng cao năng lực các ban trực tiếp làm công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nhằm bảo đảm cho Đảng ta thật sự là một tổ chức chính trị gọn về cơ cấu, rõ về chức năng, linh hoạt trong lãnh đạo và sử dụng có hiệu quả bộ máy của Nhà nước.
Thứ ba, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng, chính sách. Do vậy, trong giai đoạn phát triển hiện nay và những năm tiếp theo cần đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược, các định hướng chính sách của Đảng, đổi mới cách ra nghị quyết và đổi mới nội dung của nghị quyết. Nội dung nghị quyết của Đảng cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, lâu dài, giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước, xử lý những vấn đề cụ thể nhưng có ý nghĩa chính trị quan trọng, quan hệ với nhiều tầng lớp xã hội, những vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế.
Nội dung các nghị quyết của Đảng cần xác định rõ, cụ thể các quan điểm, giải pháp lớn, nhằm tạo ra khung chính trị để các cơ quan nhà nước chủ động giải quyết các nhiệm vụ cụ thể. Có như vậy, mới tránh được tình trạng các quyết định của các cơ quan nhà nước về thực chất là “lặp lại” nghị quyết của Đảng dưới một hình thức mới.
Để bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, cần tích cực khoa học hóa, dân chủ hóa quy trình xây dựng chính sách, áp dụng nhiều hình thức lấy ý kiến của tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng. Qua đó, phát huy trí tuệ của nhân dân, tiếp thu nguồn sáng tạo từ quần chúng, làm cho đường lối, chính sách không chỉ là sự kết tinh trí tuệ của Đảng, mà còn là kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm và tình cảm của các tầng lớp nhân dân.
Thứ tư, Đảng lãnh đạo xã hội bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Do vậy, một mặt phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ bộ máy nhà nước theo các yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Theo đó, bộ máy nhà nước phải được tổ chức tinh gọn, chuyên nghiệp hóa, nhằm thực hiện tốt chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mặt khác, phải tạo ra những chuyển biến thật sự tích cực trong mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước theo đúng phương châm: “Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước”.
Để giải quyết mối quan hệ này, cần nghiên cứu một số giải pháp, đó là xây dựng và thực hiện phương án nhất thể hóa các chức danh đứng đầu cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương theo hướng: Người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp; bố trí kiêm nhiệm ở một số chức vụ quan trọng giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước, tạo điều kiện tinh gọn hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Cùng với đó, cần tinh gọn bộ máy tổ chức của Đảng theo hướng các cấp ủy từ Trung ương đến các cấp địa phương sử dụng hiệu quả tổ chức bộ máy nhà nước trong vai trò là các cơ quan tham mưu trực tiếp cho cấp ủy, đồng thời là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước theo đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan tham mưu của Đảng tại mỗi cấp, hình thành các cơ quan tham mưu tổng hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tham mưu, thẩm định chủ trương, chính sách, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy đảng tại mỗi cấp.
Tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, cụ thể hóa các tiêu chuẩn cấp ủy viên, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy viên, đổi mới phương thức bầu cử trong Đảng để Đại hội Đảng có thể bầu trực tiếp người đứng đầu cấp ủy trên cơ sở cạnh tranh có số dư, bầu trực tiếp cơ quan kiểm tra của Đảng, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, bảo đảm mọi quyền lực và thực thi quyền lực trong Đảng đều được kiểm soát chặt chẽ.
Xử lý kiên quyết, đích đáng cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm
Thứ năm, cần cụ thể hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trên cơ sở phát huy mạnh mẽ dân chủ trong công tác cán bộ, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác này, bảo đảm quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tất cả các khâu của công tác cán bộ. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp đổi mới quy trình, cách thức Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực, phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và đoàn thể nhân dân phù hợp Luật bầu cử của Nhà nước và điều lệ của các tổ chức.
Trong điều kiện hiện nay, cần có các giải pháp phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, mạnh dạn giới thiệu những người ngoài Đảng có đức, có tài tham gia vào bộ máy lãnh đạo, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể những cán bộ, đảng viên không đủ năng lực công tác, thoái hóa, biến chất, không được quần chúng tín nhiệm.
Thứ sáu, xây dựng và thực hiện các chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm pháp lý của các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cán bộ lãnh đạo đối với các công việc thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý và hoạt động của mình. Phân biệt rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân trong mỗi tập thể lãnh đạo, cá thể hóa trách nhiệm một cách cụ thể làm cơ sở để xử lý trách nhiệm từng tổ chức, tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo đối với từng quyết định sai lầm, hiện tượng vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước trong hoạt động của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu, áp dụng chế độ trách nhiệm liên đới của tổ chức và cá nhân trong các trường hợp cơ quan cấp dưới hoặc cán bộ cấp dưới thuộc quyền lãnh đạo, quản lý có các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Hoàn thiện quy trình truy cứu trách nhiệm để có thể thực hiện thuận lợi vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, từ chức, miễn chức, cách chức trong thực tiễn.
Thứ bảy, đổi mới, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của Đảng đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng trong việc thực hiện đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có các giải pháp nâng cao trách nhiệm kiểm tra, năng lực kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, của người đứng đầu các cấp ủy đối với các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở mỗi cơ quan, tổ chức.
Đồng thời, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các ủy ban kiểm tra đảng, các cơ quan thanh tra nhà nước theo hướng mở rộng thẩm quyền, cơ cấu lại tổ chức và phương thức hoạt động. Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, giám sát bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát vừa thường xuyên vừa có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, không gây cản trở, phiền hà cho các đối tượng được kiểm tra. Chủ động phát hiện các vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xử lý kiên quyết và đích đáng những cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở bất kỳ cương vị nào.
Thứ tám, đổi mới mạnh mẽ phong cách lãnh đạo của Đảng, khắc phục tình trạng quan liêu, hình thức, phô trương, lãng phí, xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn trong hoạt động của bộ máy đảng, nhà nước và các đoàn thể quần chúng.