Bài 2: Trở thành 'dòng sông chết'
Cùng với sự phát triển, quá trình đô thị hóa nhanh, gia tăng dân số, thiếu sự quy hoạch, bảo vệ, dòng sông Tô Lịch đã 'chết' do phải oằn mình gánh nguồn nước thải ô nhiễm. Nhiều phương án được triển khai với kỳ vọng làm 'sống lại' dòng sông Tô Lịch, song chưa khả thi.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, chảy qua 6 quận, huyện có mật độ dân cư đông đúc của Thủ đô Hà Nội, gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai và Thanh Trì. Trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Kết quả quan trắc chất lượng nước các sông chảy trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nước sông luôn trong tình trạng bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý. Các thông số DO, COD và BOD5, N-NH4+, TSS ở các điểm quan trắc đều có giá trị rất kém so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1.
Qua ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, trên khúc sông Tô Lịch từ đầu đường Hoàng Quốc Việt đến Ngã Tư Sở, vẫn có hàng chục cống xả thải trực tiếp xuống sông. Ông Trần Đình Thanh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) chia sẻ, hơn 20 năm nay, dòng sông không khác nào con mương lớn chứa nước thải và rác sinh hoạt. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thế nhận biết được mức độ ô nhiễm của dòng sông, nhất là vào mùa khô, màu nước đen, bốc mùi xú uế nặng. Gia đình ông luôn phải đóng kín cửa để ngăn mùi hôi thối xông lên.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, nhà ở đường Kim Giang, quận Thanh Xuân, ngao ngán nói: "Ngày nào, tôi đi làm cũng phải qua đây. Mùi hôi thối rất khó chịu, nhất là vào những ngày nắng nóng gặp cơn mưa rào thì mùi bốc lên nồng nặc. Nó như một cái cống khổng lồ, chứ không phải dòng sông nữa".
Bà Ngô Thị Liên, công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông tin, khu vực hạ lưu cầu vượt Ngã Tư Sở là bẩn nhất, nhiều rác nhất. Mỗi khi cắm cây sào xuống dòng sông, bong bóng khí nổi trắng kèm theo mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi. Trung bình mỗi ngày, tổ của bà vớt được khoảng 300-500kg rác trên bờ và dưới sông.
Thế nhưng, đó không phải lý do duy nhất khiến Tô Lịch trở thành “sông chết", mà còn do yếu tố lịch sử để lại. Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, khi xưa, sông Tô Lịch dài 30km, là đường thủy quan trọng từ Đông Nam ra vào thành Thăng Long. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX, do biến đổi tự nhiên, cửa sông Tô Lịch bị bồi tụ, nước sông Hồng không chảy vào được, nên dần dần, sông Tô mất đi vị thế đường thủy. Đến năm 1889, trong quá trình quy hoạch Hà Nội, người Pháp đã cho lấp cửa sông, bê tông hóa phố phường thì sông Tô trở thành “dòng sông chết".
Còn theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, vấn đề của sông Tô Lịch không chỉ là sự ô nhiễm, mà còn là chuyện dòng chảy, nguồn nước. Các dòng sông đều có thuộc tính chảy tự nhiên, nhưng sông Tô Lịch thì "phẳng lặng như tờ". Đây cũng là một vấn đề nghiêm trọng như sự ô nhiễm.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, từ khi bị lấp cửa sông, chặn nguồn cấp nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch chỉ tiếp nhận hai nguồn nước chính là nước mưa và nước thải chưa qua xử lý, cộng với bùn đất, rác thải lưu cữu, bồi lắng, khiến dòng sông không có dòng chảy và trở thành “dòng sông chết”.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, kể từ năm 2000 đến nay, sông Tô Lịch đã được áp dụng nhiều phương pháp thử nghiệm, đề án cải tạo, làm sạch nước sông của các tổ chức quốc tế và trong nước. Với mỗi phương án đưa ra, người dân thành phố Hà Nội luôn đặt kỳ vọng “hồi sinh” dòng sông này.
Đơn cử, năm 2008, đã có một số sở, ngành đề xuất phương án dùng nước sông Hồng pha loãng mức độ ô nhiễm. Song, phương án này lại có nguy cơ làm biến đổi hệ sinh thái hồ Tây, phù sa bồi lấp dần lòng hồ. Mặt khác, nếu nước ô nhiễm đưa về cuối nguồn thì vẫn gây ô nhiễm các sông lớn khác, trong khi đây đang là nguồn nước sinh hoạt và canh tác nông nghiệp một vùng châu thổ rộng lớn của Bắc Bộ… Chính vì vậy, phương án này không được các chuyên gia kinh tế, môi trường đồng tình.
Cùng với đó, nhiều phương án làm sạch nước sông Tô Lịch cũng được triển khai, như: Tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao, thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm hóa học nhập ngoại Redoxy-3C… Tuy nhiên, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 160.000m³ nước thải, thì sông Tô Lịch không thể cải thiện được chất lượng nguồn nước.
Gần đây nhất, một số nhà khoa học đề xuất xây dựng 2 đập tràn là Xuân Quan và Long Tửu trên sông Hồng và sông Đuống để nâng mực nước sông Hồng bổ cập cho các sông nội đô, trong đó có sông Tô Lịch. Thế nhưng, theo các chuyên gia, việc xây dựng đập dâng có tác động ngược lại, chứ không thể làm “hồi sinh” những dòng sông “chết” của Hà Nội. Mục đích của đập dâng, chủ yếu là tăng lượng nước về phía thượng lưu của đập; còn ô nhiễm sông thường xảy ra ở phía hạ lưu.
Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho biết, việc xây đập dâng để nâng mực nước sông Hồng chỉ là giải pháp phần ngọn. Vấn đề cốt lõi là phải thu gom được nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, làng nghề đưa đi xử lý đạt quy chuẩn chất lượng trước khi đổ xuống sông. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì dù nước sông Hồng có được dẫn vào, các dòng sông nội đô vẫn ô nhiễm.
Có thể thấy, nhiều phương án nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các sông nội đô nói chung, sông Tô Lịch nói riêng, đã được thành phố Hà Nội triển khai, nhưng đến nay chưa đem lại hiệu quả. Hiện trạng ô nhiễm các dòng sông nội đô Hà Nội vẫn đang là nỗi nhức nhối, ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan Thủ đô và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do vậy, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần hành động mạnh mẽ hơn nữa, cấp thiết hơn nữa để cải tạo môi trường các con sông nội đô.
XEM TIẾP
Bài 3: Tiếp nước cho sông Tô Lịch
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-2-tro-thanh-dong-song-chet-687792.html