Bài 2: Từ vị thuốc quý đến sản vật '5 cực' thúc đẩy kinh tế địa phương

Được mệnh danh là 'phương thuốc quý', gắn bó với người dân tộc H'Mông từ những ngày đầu tiên du cư đến vùng Tây Bắc, qua năm tháng, những cây chè Shan Tuyết đã trở thành 'thương hiệu' của vùng đất Suối Giàng, góp phần đem lại những giá trị văn hóa, tinh thần và kinh tế, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao…

Tìm về nguồn cội “Đại lão mộc trà”:

Đồng bào H’Mông tại Suối Giàng đang thu thập lá chè Shan Tuyết

Đồng bào H’Mông tại Suối Giàng đang thu thập lá chè Shan Tuyết

Đi ngược lại khoảng 200 năm trước, trong những câu chuyện kể còn lưu truyền tại các bản làng của người dân H’Mông, đó là thời điểm của những chuyến du canh du cư, đói nghèo và khổ đau từ vùng đất này sang vùng đất khác. Cuối cùng, người H’Mông cũng đã tìm được nơi “đất lành chim đậu” với phong cảnh trù phú, cây lá tốt tươi và đặc biệt hơn cả là sự xuất hiện của một loại cây kỳ lạ, với búp và lá có thể khả năng chữa được bệnh sốt rét và bệnh ngoài da, làm cho con người ta cảm thấy khỏe khoắn, minh mẫn lạ thường.

Lá cây kỳ lạ ấy chính là lá chè Shan Tuyết và nơi “đất lành chim đậu” mang tên Suối Giàng (“suối Trời trong tiếng H’Mông) nay chính là xã Suối Giàng bây giờ. Cây chè đó với dân tộc H’Mông quý đến nỗi, họ lưu truyền lại truyền thuyết rằng thực chất nguồn gốc của cây chè chính là hạt thuốc quý của tiên nữ (Tiếng Mông gọi là: Gâux Njuôz) gieo hạt từ xa xưa, lớn lên hấp thụ sinh khí của đất trời Tây Bắc rồi trở thành cây thuốc bảo vệ cho cuộc sống của bà con nơi đây.

Tiềm năng kinh tế của lá chè Shan Tuyết

Anh Đặng Thái Sơn, Quản lý tại Không gian Văn hóa Chè Suối Giàng chia sẻ rằng, cây chè Shan Tuyết trước đây vốn chỉ dược dùng để bà con dân tộc H’Mông chữa bệnh nhưng từ những năm 1990, người dân đã dần dần nhận ra tiềm năng kinh tế của lá chè. Tuy vậy, các phương thức vẫn chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, manh mún, rất khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và bảo đảm được kế sinh nhai cho người dân. Mọi chuyện chỉ dần thay đổi vài năm trở lại đây, với sự tập trung đầu tư du lịch của tỉnh Yên Bái và cụ thể là với sự xuất hiện của mô hình hợp tác xã và mô hình không gian văn hóa trà Suối Giàng được các đơn vị đầu tư xây dựng mà cách làm kinh tế của người dân đã có sự biến chuyển.

Anh Đặng Thái Sơn - Quản lý tại Không gian Văn hóa Chè Suối Giàng

Anh Đặng Thái Sơn - Quản lý tại Không gian Văn hóa Chè Suối Giàng

Trước đây, đồng bào dân tộc H’Mông tại Suối Giàng chủ yếu làm trà sao truyền thống. Tuy vậy, trà sao lại có nhược điểm là rất khó bán nếu bán không hết và để tồn, bởi khách thường chỉ chọn các loại trà sao mới chứ không mua trà cũ làm từ năm trước. Hiểu được điều đó, nhóm anh Sơn đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc làm tăng giá trị của sản phẩm bằng cách làm đa dạng các loại trà, không chỉ là trà sao mà còn là trà lên men, khiến cho trà càng lâu thì càng có giá trị. Điều này đã khiến cho phân khúc khách hàng được mở rộng, bởi các loại trà lên men như Hồng trà rất dễ uống và phù hợp với hầu hết các tập du khách, kể cả trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi; từ những người chưa uống trà bao giờ đến những vị khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Đài Loan và Trung Quốc không có thói quen uống trà sao giống người Việt Nam mà ưa chuộng uống trà lên men.

Anh Sơn tâm sự: “Chúng tôi đồng hành cùng bà con làm trà, đưa văn hóa trà mới, kết hợp văn hóa trà và văn hóa bản địa, cái cốt lõi là gắn kết và tạo được câu chuyện đằng sau lá trà để thu hút du khách.” Không chỉ biết làm thêm các sản phẩm mới từ trà Shan, sự biến chuyển nổi bật hơn cả chính là tư duy làm du lịch của người dân nơi đây. Người dân giờ đây đã biết lồng ghép những câu chuyện, những giá văn hóa bản địa đặc sắc bên cạnh chén trà, cùng các đơn vị du lịch tạo ra các không gian văn hóa phòng trà. Du khách sẽ được trải nghiệm uống trà trong những căn phòng với một bếp lửa lớn ở chính giữa - thứ được coi là “hồn cốt” trong đời sống người H’Mông, mang ý nghĩa sưởi ấm, kết nối mọi người lại với nhau. Sẽ có những nghệ nhân như anh Sơn là trà chủ, pha trà và chia sẻ các câu chuyện về trà; đồng thời có những người dân bản địa là trà nương phụ trách rót trà; trà cầm, trà ca - những cô gái dân tộc H’Mông chơi các nhạc cụ cổ truyền cho du khách.

Không gian văn hóa phòng trà tại Suối Giàng

Không gian văn hóa phòng trà tại Suối Giàng

Góp phần thay đổi tư duy làm du lịch

Không chỉ đem lại tiềm năng kinh tế, góp phần tạo dựng một “văn hóa trà” ở Suối Giàng, trà Shan Tuyết còn góp phần thay đổi tư duy làm du lịch của người dân địa phương, giúp các mô hình du lịch về ăn uống, lưu trú tại khu vực có sự đổi thay, cải tiến vượt bậc. Đồng bào dân tộc H’Mông trước đây không xây nhà vệ sinh và ưu tiên dùng chăn đệm màu tối, ít giặt giũ, vệ sinh. Giờ đây họ đã biết xây nhà vệ sinh trong các phòng cho du khách, chú trọng đến việc giữ gìn vệ sinh, giặt chăn ga gối đệm thường xuyên. Kinh tế ổn định hơn cũng kéo theo việc người dân cởi mở hơn trong việc mang hàng ra bán, từ con lợn, con gà đến các loại nông sản thường được người dân bán cho khách du lịch vào cuối tuần. Các đội văn nghệ cũng được hình thành để giới thiệu văn hóa cho du khách.

Nhiều người vẫn hay gọi vui trà Shan Tuyết Suối Giàng là trà “5 cực”. Đó là “cực khổ” khi trồng và thu hái; “cực sạch” vì khí hậu núi cao trong lành, cây sinh trưởng tự nhiên; “cực hiếm” vì sản lượng ít; “cực ngon” vì đủ các tiêu chí đỉnh cao trong mỗi chén trà; “cực đắt” vì bốn “cực” vừa nêu. Nói vui là vậy, thế nhưng trong những năm qua, sản vật “5 cực” này đã trở thành điểm tựa về kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tạo ra rất nhiều thay đổi tích cực các hộ gia đình đồng bào H’Mông tại xã Suối Giàng. Với sự phát triển của mô hình hợp tác xã định hướng cho bà con nơi đây, trà Shan Tuyết Suối Giàng đã ngày càng có sự phát triển về giá trị thương hiệu và sản phẩm, có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức..., hướng đến phấn đấu xây dựng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao; đồng thời thu hút và tăng trưởng du lịch. Chắc chắn trong tương lai, những cây chè Shan Tuyết sẽ tiếp tục tạo ra giá trị và thay đổi cuộc sống của đồng bào H’Mông tại Suối Giàng, giống như cách nó đã gắn bó, bảo vệ họ hàng trăm năm qua.

Nhóm PV

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-2-tu-vi-thuoc-quy-den-san-vat-5-cuc-thuc-day-kinh-te-dia-phuong-384782.html