Bài 2: Ưu tiên phát triển đường bộ và hàng không
Đường bộ và hàng không là hai loại hình giao thông trọng tâm cần được ưu tiên đầu tư nhằm giúp các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phát triển.
Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ đang là trở lực lớn cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phát triển, tuy nhiên làm sao để cải thiện nhằm tạo động lực phát triển kinh tế vùng đặc biệt nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào là câu hỏi khó.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: Các địa phương cần xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải đồng bộ và phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế của vùng để giao thông vừa là động lực thúc đẩy, vừa là cơ hội đầu tư phát triển song hành với tiềm năng kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Theo đó, ngoài điểm đến là các đô thị trung tâm, các không gian kinh tế quan trọng của vùng sẽ không thể tách rời hệ thống giao thông vận tải, gồm: Khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu chế xuất và điểm du lịch.
Từ thực tế này, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải đề xuất 2 loại hình giao thông được coi là phù hợp nhất để ưu tiên đầu tư sớm là đường bộ cao tốc và cảng hàng không.
Thứ nhất về phát triển hệ thống đường cao tốc, ông Phạm Hoài Chung nhấn mạnh: Đường bộ cao tốc là phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn liên kết các địa phương với nhau đi lên cửa khẩu, về vùng Thủ đô Hà Nội và đi ra cảng biển phục vụ hành khách, hàng hóa ở các chặng đường ngắn và trung bình, đồng thời sẽ kết nối đến các phương thức vận tải đường dài như đường sắt, đường biển. Đặc biệt sẽ vô cùng thuận lợi cho giao thương của cư dân khu vực miền núi, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.
“Đường bộ cao tốc là loại hình giao thông cần được ưu tiên hơn vì sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho đại đa số người dân, doanh nghiệp giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, kịp thời đưa sản phẩm, dịch vụ đến với thị trường”, lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải đặc biệt nhấn mạnh.
Theo Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, kết quả tính toán trên một số tuyến đường cao tốc đã đầu tư trong giai đoạn 2010 – 2020 khi có tuyến cao tốc đi qua địa bàn thì tốc độ tăng trưởng GRDP của từng địa phương sẽ tăng từ 1,1-2,0%/năm; tạo thêm công ăn việc làm; thúc đẩy thu hút đầu tư.
Dù tầm quan trọng của đường bộ cao tốc là vậy, tuy nhiên việc kêu gọi đầu tư xã hội – đầu tư PPP vào loại hình này ở vùng Trung du và miền núi Bắc bộ còn khó khi hiệu quả đầu tư chưa cao. “Do đó, các tỉnh có thể kêu gọi doanh nghiệp theo hướng đầu tư thông qua hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng hoặc khai thác khoáng sản gắn kết với dự án đầu tư giao thông để phát huy giá trị”, ông Phạm Hoài Chung đề xuất.
Thứ hai về hệ thống cảng hàng không, lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, cho hay: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn từ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong vùng sẽ có 3 cảng hàng không trong lộ trình đầu tư dự kiến đến 2030 cần được kêu gọi đầu tư, gồm: Dự án cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai, tổng mức đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng; Dự án cảng hàng không Lai Châu, tỉnh Lai Châu, tổng mức đầu tư khoảng 4.350 tỷ đồng; Dự án cảng hàng không Nà Sản, tỉnh Sơn La, tổng mức đầu tư khoảng 5.688 tỷ đồng. Do vậy, cơ hội đầu tư vào loại hình vận tải này là rất rõ ràng.
“Các doanh nghiệp đầu tư dự án hạ tầng giao thông cảng hàng không, sân bay yêu cầu là các doanh nghiệp mạnh, có chuỗi giá trị đầu tư thông qua hệ sinh thái gắn kết với dự án đầu tư giao thông để phát huy giá trị như đầu tư hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng, khai thác khoáng sản… hoặc khu đô thị sân bay. Các dự án này khi đi vào thực hiện sẽ tạo công ăn việc làm cho đại đa số đồng bào dân tộc địa phương”, ông Phạm Hoài Chung một lần nữa nhấn mạnh.
Ông cũng đồng thời chia sẻ, loại hình vận tải thứ ba cần được vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ chú trọng là đầu tư đường sắt.
“Hiện 90% vận tải của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Do đó, cần quan tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng đường sắt để kết nối với vận tải biển giữa vùng và các vùng lân cận, tạo thuận lợi cho lưu thông và nâng cao giá trị hàng hóa của vùng”, ông Phạm Hoài Chung chia sẻ.
Nhắc lại thách thức trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông của vùng là khó, ông Phạm Hoài Chung cũng nhận định: Các tỉnh cần quan tâm phát triển cảng cạn và các trung tâm logistics là “cánh tay nối dài” của cảng biển để thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Có vậy, việc kết nối giữa cửa khẩu kinh tế với cảng biển mới được thúc đẩy.
“Muốn đi nhanh chúng ta đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau, muốn phát triển nhanh và bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, các tỉnh, các doanh nghiệp phải gắn kết hơn nữa”, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải khẳng định.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-uu-tien-phat-trien-duong-bo-va-hang-khong-276422.html