Bài 2: Vươn tới chuẩn quốc tế

Cuộc thi VEX IQ Robotics toàn quốc 2023 cho lứa tuổi U12 và U15 thu hút tới gần 150 đội thi/33 tỉnh, thành phố đăng ký tham dự, trong đó nhiều đội đến từ các trường miền núi phía Bắc và đều đạt kết quả tốt. Điều đáng nói, các đội thi đấu robot VEX IQ - robot giáo dục số 1 của Mỹ với hơn 1.500 chi tiết.

Không khoảng cách

Cuộc thi VEX IQ Robotics toàn quốc 2023 đượctổ chức theo thể thức và tiêu chuẩn quốc tế nhằm chọn ra các đội tuyển thi đấu tại giải thế giới ở Mỹ với khoảng 3.000 đội tham dự. Yêu cầu của cuộc thi lần này cũng khó hơn, đòi hỏi cả chữ “E” trong STEM, có nghĩa là thiết kế kỹ thuật, chứ không chỉ lập trình. Các đội phải tìm ra phương án lắp ráp robot thành một hình dáng nhất định sao cho thích nghi hiệu quả nhất với sân đấu và các yêu cầu của bài thi.

Thành viên Đội tuyển Robotics Cao Bằng trả lời truyền thông Mỹ tại Giải Vô địch thế giới robot VEX 2023. Ảnh Đỗ Trà

Thành viên Đội tuyển Robotics Cao Bằng trả lời truyền thông Mỹ tại Giải Vô địch thế giới robot VEX 2023. Ảnh Đỗ Trà

Vậy nhưng, “ấn tượng nhất với tôi là khả năng tham gia thi đấu và kết quả tốt của các đội tuyển từ những huyện nghèo nhất cả nước, như Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Trường THCS Thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa), Trường THCS Tô Hiệu và THCS Hoàng Văn Thụ huyện Bình Gia (Lạng Sơn), Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang, Trường THCS Võ Liệt huyện Thanh Chương (Nghệ An) và Trường THCS Số 2 xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai)” - kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Liên minh STEM Việt Nam chia sẻ.

Kết quả, 20 đội được quyền dự VEX Robotics World Championship 2023. Đáng chú ý, gần một nửa trong số 20 vị trí xuất sắc nhất Việt Nam thuộc về các đội từ nông thôn và miền núi; ông Đỗ Hoàng Sơn kể thêm, đội của Trường THCS và THPT Liên Việt, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đăng ký tham gia cuộc thi khi chưa có robot trong tay. Họ đi quãng đường gần 100km cả đi và về để đến Trường THPT Chi Lăng ở TP. Pleiku để được huấn luyện và sử dụng phòng lab, và kết quả đã đứng thứ 3 phần thi lập trình.

“Không phải các đội từ thành phố lớn, mà là đội tuyển robotics của Cao Bằng giành được nhiều giải nhất, và giành suất đi Mỹ nhờ Create Award. Trường THPT Chi Lăng (Gia Lai) có 2 đội tuyển đi Mỹ và Trường THCS và THPT Đông Du (Đắk Lắk) có 1 đội. Như vậy, các tỉnh vùng cao chiếm 30% số đội đoạt giải cao ở bảng trung học U15”, ông Đỗ Hoàng Sơn thống kê.

Còn tại Giải Vô địch thế giới robot VEX 2023, đội tuyển robotics Cao Bằng xuất sắc đứng ở vị trí 30/77 trong phần thi liên minh ở vòng bảng với số điểm trung bình 191,75 điểm; đứng 183 thế giới phần thi kỹ năng lập trình và điều khiển robot VEX IQ. Các học sinh trong đội tuyển tự tin giao lưu, trả lời phỏng vấn truyền hình quốc tế bằng tiếng Anh và đưa hình ảnh non nước Cao Bằng đến với giới tinh hoa tương lai của Mỹ và thế giới…

Chỉ cần được tiếp xúc STEM từ sớm

Ở quy mô nhỏ hơn, trong lần tổ chức Ngày hội STEM lần thứ nhất năm học 2020 - 2021, các thầy cô giáo ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) còn băn khoăn không biết có dạy được lập trình robot không; đến Ngày hội STEM lần thứ 3 năm học vừa qua, học sinh 27 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đã tham gia phần thi lập trình bằng công nghệ robot ảo VEX VR với chủ đề “Cuộc phiêu lưu ở thế giới điểm ảnh” và “Robot vượt mê cung đĩa”. Các em học sinh cũng đã thi đấu robot thành thạo, dù đề thi khó hơn: điều khiển robot di chuyển trên địa hình và bắn bóng qua vòng tròn, mô phỏng trò chơi ném còn của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi; các thầy cô giáo đã tự xây dựng điều lệ cuộc thi, ra đầu bài và lập đội trọng tài.

Ngày hội STEM và thi đấu robot Yên Bái mở rộng năm 2023 của Trường THCS Quang Trung, TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái) thu hút các đội chơi đến từ nhiều trường THCS và THPT ở Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai và Yên Bái, trong đó có cả các trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhóm học sinh Trường PTDT nội trú THCS Mù Cang Chải (Yên Bái) sau khi thi xong nội dung KCBOT với chủ đề “Chinh phục đỉnh Lùng Cúng” lại chăm chú theo dõi các đội bạn. Các em cho biết, CLB robot ở trường có 20 bạn, cả nam và nữ, thường học vào cuối tuần. Ai cũng thích thú vì được thực hành sáng tạo. Những cuộc thi đấu giao lưu như thế này là dịp để các em được học hỏi cách điều khiển, tốc độ của robot đội bạn để sau này nghiên cứu nâng cao khả năng lập trình cho robot của mình.

Kiều Hải Phong, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) tham gia Ngày hội STEM và thi đấu robot Yên Bái mở rộng 2023 với tư cách trọng tài nội dung thi đấu Robot VEX IQ. Qua quan sát Phong cho biết, hầu như không có sự chênh lệch hay khác biệt lắm giữa các đội thi ở miền núi hay miền xuôi. “Các em đều đam mê, có ý tưởng sáng tạo và hiệu quả cho những con robot, rất tiềm năng. Có đội chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo ra được con robot khá hoàn thiện và đạt hiệu suất cao”.

Thử tài với robot VEX IQ - robot giáo dục số 1 của Mỹ với hơn 1.500 chi tiết. Ảnh: Nhật Linh

Thử tài với robot VEX IQ - robot giáo dục số 1 của Mỹ với hơn 1.500 chi tiết. Ảnh: Nhật Linh

Để duy trì đam mê này và nâng cao trình độ STEM ở vùng cao, theo Kiều Hải Phong, đơn giản chỉ cần đưa STEM đến càng nhiều học sinh càng tốt, để các em có cơ hội được tiếp xúc với STEM từ sớm, thực sự được học lập trình robot một cách đầy đủ.

“Giá trị truyền thống đi cùng giáo dục hiện đại”

Khẩu hiệu này thấy ở Trường THCS Quang Trung (TP. Yên Bái) song cũng có vẻ là phương châm mà các nhà trường ở miền núi phía Bắc đang theo đuổi: lồng ghép các giá trị truyền thống vào giáo dục STEM, giúp các em nhận ra sức mạnh nền tảng của mình trong quá trình chinh phục những đỉnh cao tri thức.

Học sinh bậc THCS ở huyện Si Ma Cai trước khi dự thi thiết kế mô hình cột cờ được xem video về lễ thượng cờ và hạ cờ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) và trả lời các câu hỏi liên quan đến quốc kỳ Việt Nam. Qua đó đánh thức trong các em tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Học sinh Yên Bái thì hào hứng tham gia thi lập trình robot ảo về trang phục truyền thống của dân tộc Mông. Nhiều trường mời ông bà, bố mẹ học sinh tham gia các chương trình giáo dục STEM, người dạy thổi khèn, người hướng dẫn thêu thổ cẩm, nấu xôi ngũ sắc… rất thiết thực mà không tốn kém, lại còn thiết lập tốt mối quan hệ nhà trường - gia đình.

Gắn bó, hỗ trợ hoạt động giáo dục STEM ở các tỉnh miền núi từ những ngày đầu, ThS. Hoàng Văn Đông, người sáng lập Học viện Kidscode, cho rằng, chuyển đổi số giúp cho giáo dục nói chung, giáo dục STEM nói riêng cân bằng hơn, thậm chí miền núi còn có lợi thế hơn về mặt đồng bộ, tập trung, và sự háo hức của cả thầy và trò. Nhiều thầy cô người dân tộc thiểu số ở vùng cao đã được chứng nhận của Mỹ về giáo dục STEM Robotics, điều mà không phải giáo viên nào ở miền xuôi cũng làm được.

“STEM bản chất là cuộc sống. Chúng ta hãy lấy những nguyên liệu từ cuộc sống, bài học hóa lên, sau đó thêm những nội dung công nghệ cao của thế giới, VEX hoặc VEX ảo. Chẳng hạn cho các em thi lập trình robot ảo vẽ áo truyền thống của người Mông, cái gần là cái áo, các em biết rồi, cái mới là lập trình, trộn hai thứ đó lại thì các em sẽ thấy sự gần gũi và cả hấp dẫn, đồng thời tạo ra sự đặc sắc. Nhìn trên không gian mạng VEX ảo quốc tế sử dụng rất nhiều, nhưng khi nhìn thấy một con robot vẽ lá cờ Việt Nam hoặc áo của người dân tộc thiểu số Việt Nam thì đấy mới là giáo dục STEM của Việt Nam”, ThS. Hoàng Văn Đông phân tích.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-2-vuon-toi-chuan-quoc-te-i336452/