Bài 3: Bất cập ưu đãi thuế VAT, xuất nhập khẩu với khoa học, công nghệ
Lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế VAT, xuất nhập khẩu, tiền thuê đất… Mặc dù vậy, các chính sách này còn nhiều bất cập cần phải được tháo gỡ.
Bài 1: “Mở đường” cho khoa học và công nghệ phát triển
Bài 2: Ưu đãi thuế TNDN, TNCN chưa tạo hứng khởi cho doanh nghiệp, nhà nghiên cứu
Doanh nghiệp gặp khó với thuế VAT, xuất nhập khẩu
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính), quy định về hoàn thuế VAT hiện hành làm mất tác dụng ưu đãi của thuế suất 5%, trong đó có dịch vụ khoa học và công nghệ. Từ ngày 1/7/2016, theo Luật số 106/2016/QH13, cơ sở kinh doanh có thuế VAT đầu vào chưa khấu trừ hết từ 4 quý trở lên sẽ không được hoàn thuế mà chỉ được chuyển sang kỳ sau. Với thuế suất đầu ra 5% nhưng đầu vào chủ yếu là 10%, các tổ chức cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ thường xuyên bị tồn đọng thuế đầu vào mà không được hoàn, dẫn tới ứ đọng vốn. Do đó, thuế suất 5% vô tình trở thành bất lợi thay vì ưu đãi, vì doanh nghiệp không thể thu lại phần thuế đã ứng trước.
Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho hay, để được ưu đãi miễn, giảm thuế VAT và thuế nhập xuất khẩu thì người nhập khẩu (doanh nghiệp) phải: khai đúng mã HS hoặc phải xác nhận hàng hóa thuộc loại trong nước chưa sản xuất được hoặc phải là nguyên vật liệu, phụ tùng, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho khoa học và công nghệ…
Tuy nhiên, trong thực tế doanh nghiệp gặp khó xác định mã HS cho hàng hóa nhập khẩu trong khi cần các cơ quan có thẩm quyền xác định thì được trả lời chung chung hoặc bị đùn đẩy giữa các cơ quan. Đặc biệt, theo cơ chế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm thì rủi ro cho các doanh nghiệp trong trường hợp này là rất lớn.

(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, mặc dù quy định của pháp luật đã phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xử lý các vấn đề có liên quan đến việc xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được hoặc là yếu tố đầu vào trực tiếp phục vụ cho khoa học và công nghệ nêu trên nhưng do sự đa dạng của hàng hóa nên việc xác định và trả lời, giải quyết các vướng mắc nêu trên khá chậm trễ do chưa theo kịp được sự thay đổi của công nghệ và gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên làm tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí xã hội, nhiều trường hợp tiền thuế được miễn giảm không lớn nhưng chi phí thực thi pháp luật để được ưu đãi thuế thì không nhỏ dẫn đến hiệu quả của chính sách chưa cao.
Ngoài ra, Luật thuế VAT năm 2024 mới đây chưa mở rộng chính sách ưu đãi thuế VAT đối với khoa học và công nghệ cho người tiêu dùng, người sử dụng các sản phẩm từ khoa học và công nghệ, cũng như các chính sách ưu đãi cho các yếu tố đầu vào liên quan trực tiếp đến hoạt động khoa học và công nghệ. Hay nói cách khác chúng ta mới có các chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động nghiên cứu và tạo ra công nghệ chưa có nhiều chính sách ưu đãi cho sản phẩm và kích cầu sử dụng sản phẩm công nghệ.
Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế
Phát triển khoa học và công nghệ là yếu tố cốt lõi giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia. Để đạt được điều này, các quốc gia đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào khoa học và công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, do đó yêu cầu chi tiêu, đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực này đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) tỷ lệ đầu tư cho R&D của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 0,42% GDP và hiện nay năm 2025 chỉ đạt gần 0,5% bằng một phần tư so với mức 2% theo quy định. Trong khi đó, theo số liệu từ UNESCO, chi tiêu cho R&D toàn cầu ngày càng tăng đạt khoảng 2,4 nghìn tỷ USD (2022), tương đương khoảng 2,63% GDP toàn cầu tương đương khoảng 2,63% GDP toàn cầu.

(Ảnh minh họa)
Theo quy định, nhà nước chi đầu tư cho R&D từ 2% tổng chi ngân sách hàng năm trở lên và được tăng theo sự phát triển của hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế mức chi chỉ đạt 0,42% GDP năm 2021 và 0,5% GDP năm 2025, trong khi các quốc gia khác trong khu vực có tỷ lệ này của toàn cầu là 2,63% của 2022.
Ngoài ra, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực R&D của Việt Nam ở khối công là chủ yếu (84,13%) trong khi khối tư chỉ chiếm khoảng 13,8%...
Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, “Tuy Việt Nam có mức chi R&D đã tăng cả khối công và khối tư nhưng so với mặt bằng chung thế giới và khu vực thì còn khá khiêm tốn đặc biệt nguồn chi phân bổ không đồng đều, chỉ tập trung tại một số thành phố và trung tâm lớn. Vì vậy, cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng của nhà nước đối với lĩnh vực này. Đồng thời, cần bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ khác đối với khoa học và công nghệ để tạo động lực phát triển đất nước trong thời gian tới”.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hơn 10 năm qua trên thực tế cơ chế quỹ vẫn chưa được áp dụng, bởi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn chưa có sự thay đổi. Quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2002 ở thời điểm 2013 chưa có quy định cơ chế quỹ và sau nhiều lần sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước vẫn không bổ sung nội dung quy định phù hợp, cho nên cơ chế quỹ không thể triển khai được. Ngay cả Quỹ NAFOSTED mấy năm gần đây cũng đang bị “ép” xây dựng dự toán ngân sách như các chương trình khoa học và công nghệ (theo cách xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản). Trong khi thực hiện theo cơ chế quỹ thì phải bố trí dự toán ngân sách cho các quỹ phát triển khoa học và công nghệ mà không cần danh mục các nhiệm vụ đã được phê duyệt như các dự án xây dựng cơ bản.
“Đã đến lúc chúng ta cần áp dụng thông lệ quốc tế cho việc tài trợ kinh phí nghiên cứu, bởi việc không thực hiện cơ chế quỹ dẫn đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tài trợ cho R&D rất thấp. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt phải chờ từ 1 - 2 năm mới được ký hợp đồng và được cấp kinh phí, tiến độ giải ngân chậm vì lạm phát, trượt giá nên phải điều chỉnh dự toán, chế độ kế toán mang tính hình thức, định mức dự toán quá thấp, thủ tục thanh quyết toán quá phức tạp… Kết quả là, hoạt động nghiên cứu nhiều năm qua không có sản phẩm vượt trội đạt trình độ quốc tế, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế”, TS Nguyễn Quân chỉ rõ.