TP. Hồ Chí Minh: Loay hoay giải pháp thu hút khách cho chợ truyền thống

Hiện nay, hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đang tính toán các giải pháp toàn diện, trong đó có cả thay đổi công năng nhằm nâng cấp mô hình chợ, thu hút đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển.

Các chợ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với siêu thị, trung tâm thương mại và đặc biệt là chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Các chợ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với siêu thị, trung tâm thương mại và đặc biệt là chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Theo thống kê của ngành công thương TP. Hồ Chí Minh, hiện có 232 chợ truyền thống (tính cả 3 chợ đầu mối) trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, từ sau dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh tại các chợ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với siêu thị, trung tâm thương mại và đặc biệt là chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Theo đó, trong 229 chợ dân sinh, số lượng thương nhân hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 khoảng 60 - 80%. Trong đó, các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, số tiểu thương quay lại kinh doanh đạt từ 80 - 100%; ngành hàng khác như quần áo, vải, giày dép... khoảng 30 - 70%. Hiện nay, lượng khách đến chợ giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19 và giảm 30 - 50% so với thời điểm năm 2019.

Theo PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật, sự phát triển hệ thống chợ cũng là phù hợp với nhu cầu trao đổi hàng hóa, là nét văn hóa của người dân. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng.

"Điều kiện kinh doanh tại rất nhiều chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang xuống cấp. Hệ thống chợ vẫn tồn tại tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả, không có nguồn gốc rõ ràng… điều này góp phần khiến người tiêu dùng dần quay lưng", ông Khánh nhận định.

Để giúp tiểu thương thu hút khách hàng, tháng 5/2024, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống, làm thí điểm tại chợ Bến Thành (quận 1). Theo đó, tiểu thương sẽ được hỗ trợ bán hàng trực tuyến và tổ chức các khóa tập huấn thực hành kỹ năng bán hàng trực tuyến, đào tạo người sáng tạo nội dung (KOL) tại chợ, hỗ trợ thương nhân trực tiếp khởi tạo và vận hành gian hàng trực tuyến...

Một số chợ dân sinh hoạt động không hiệu quả có thể được chuyển đổi thành siêu thị, siêu thị kết hợp với chợ.

Một số chợ dân sinh hoạt động không hiệu quả có thể được chuyển đổi thành siêu thị, siêu thị kết hợp với chợ.

Tuy nhiên, chuyện giúp tiểu thương, thương nhân tiếp cận kinh doanh trên nền tảng số thí điểm ở chợ Bến Thành chỉ là giải pháp bổ trợ, không phải là căn cơ. Vì vậy, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định phải có giải pháp trọng tâm, phải nhìn lại những lý do vì đâu chợ truyền thống ế.

Trước thực trạng đó, thành phố đang nghiên cứu các giải pháp toàn diện để đổi mới mô hình chợ, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút đầu tư từ xã hội.

Trước vấn đề này, để thu hút khách hàng đến chợ truyền thống, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất sửa đổi Nghị định 60/2024 về quản lý chợ, đặc biệt là phân loại và gắn kết chợ dân sinh với hệ sinh thái thương mại gồm siêu thị, trung tâm thương mại, du lịch và xuất nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, việc xác định rõ nhóm khách hàng mục tiêu là yếu tố quan trọng, như: người thu nhập thấp phù hợp với chợ vỉa hè, người cao tuổi có nhu cầu riêng, còn giới trẻ sẽ quan tâm hơn nếu chợ kết nối thuận tiện và hiện đại.

Bên cạnh đó, việc tiểu thương ứng dụng công nghệ như thanh toán không tiền mặt, giao hàng nhanh sẽ giúp tăng trải nghiệm mua sắm. Ngoài ra, cần kết nối chợ với hệ thống giao thông công cộng như metro để hình thành trung tâm mua sắm hiện đại. Ngoài ra, vai trò của chính quyền trong việc quản lý, hỗ trợ tài chính và quảng bá là rất cần thiết.

Ông Đào Hà Trung, chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ chí Minh cho rằng, chợ cần đi tìm bản sắc riêng bên cạnh việc tăng ứng dụng công nghệ, dịch vụ giao hàng. Các chợ dân sinh nên tăng kinh doanh đặc sản địa phương, phân loại mô hình đặc thù, tiến hành cải tổ giao thông, thay đổi công năng, thậm chí tính toán tăng giờ kinh doanh lên 24h mỗi ngày.

Hiện nay, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng thực hiện đề án "Phát triển hệ thống chợ tại TP. Hồ Chí Minh thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế", bà Trần Như Quỳnh, Phó trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, một số chợ dân sinh hoạt động không hiệu quả có thể được chuyển đổi thành siêu thị, siêu thị kết hợp với chợ, hoặc có thể chuyển đổi thành chợ phiên, chợ bán các sản phẩm đặc thù, chuyên biệt.

Ngoài ra, ngành công thương cũng sẽ xem xét đề xuất thêm chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế, phí, vay vốn... cho tiểu thương để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tăng tập huấn, hỗ trợ áp dụng công nghệ thông tin để dần hình thành chợ online.

“Nhiều ý kiến chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong việc hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh chợ. Các chợ nổi tiếng như Bến Thành, Bình Tây, An Đông... cần được bảo tồn như một phần di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch và thương mại của thành phố. ngành công thương sẽ đề xuất với UBND thành phố cùng các đơn vị liên quan để có chính sách cụ thể cho sự tồn tại của chợ, sự phát triển của hệ thống chợ”, bà Quỳnh nói.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-loay-hoay-giai-phap-thu-hut-khach-cho-cho-truyen-thong-163227.html