Trung tâm tài chính Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn và các lực đẩy cần thiết
Các chuyên gia tài chính có chung quan điểm với nền kinh tế năng động và môi trường khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam có đủ tiềm năng để trở thành một trung tâm tài chính của khu vực.

Để biến tiềm năng thành hiện thực, Việt Nam cần đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao của các nhà đầu tư về môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ. (Ảnh: Vietnam+)
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư tài chính đầy hứa hẹn, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, Việt Nam cần đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao của các nhà đầu tư về môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ.
Sức hút “con người" và hỗ trợ từ Chính phủ
“Việt Nam không thiếu những yếu tố để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn,” là nhận xét của ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập Golden Gate Ventures, một quỹ đầu tư đã gắn bó với Việt Nam suốt một thập kỷ qua.
Ông Vinnie Lauria đánh giá Việt Nam có môi trường kinh doanh và là một thị trường rất thú vị. Nó đến từ một yếu tố “con người” khi xét về trình độ học vấn, tài năng và khát vọng xây dựng lên các doanh nghiệp lớn và đổi mới. Đến nay, Golden Gate Ventures đã thực hiện gần 20 khoản đầu tư tại Việt Nam. Thời gian tới, quỹ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ với mục tiêu một phần ba các khoản đầu tư mới sẽ hướng tới Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh về sự năng động của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam với số lượng lớn doanh nhân trẻ, đặc biệt là phụ nữ, cũng là một điểm cộng lớn.
“Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam,” ông Vinnie Lauria nói.

Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập Golden Gate Ventures nhấn mạnh Việt Nam không thiếu những yếu tố để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn." (Ảnh: Vietnam+)
Để trung tâm tài chính Việt Nam thực sự cạnh tranh được với các trung tâm khác trong khu vực, các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự hoàn thiện của ba yếu tố then chốt. Đó là môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại Việt Nam.
Về môi trường pháp lý, ông Lauria nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới và gợi ý về việc cho phép các doanh nhân Việt Nam có thể sở hữu cổ phần của các công ty nước ngoài (ví dụ như một công ty ở Singapore) để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc huy động vốn.
"Tôi nghĩ bất cứ điều gì giúp cho việc giao dịch xuyên biên giới dễ dàng hơn đều sẽ giúp ích cho hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam, cho dù đó là đầu tư hay tài năng (đến và đi),” ông Lauria chia sẻ.
Ông Chad Ovel, đại diện của Mekong Capital (một quỹ đã đầu tư vào Việt Nam trong 25 năm) cũng chia sẻ quan điểm về việc cần hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là các khoản đầu tư nhỏ. Ngoài ra, dù Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể về cơ sở hạ tầng song vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giao thông, viễn thông và năng lượng.
Về chất lượng dịch vụ, ông Ovel đánh giá cao nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một thị trường tài chính năng động hơn, bao gồm cả một thị trường chứng khoán riêng cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ.

Ông Chad Ovel, đại diện của Mekong Capital nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới và gợi ý về việc cho phép các doanh nhân Việt Nam có thể sở hữu cổ phần của các công ty nước ngoài. (Ảnh: Vietnam+)
Bên cạnh những cơ hội, các nhà đầu tư cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản và thách thức mà Việt Nam cần vượt qua để thu hút thêm vốn đầu tư. Một trong những vấn đề được nhắc đến là việc nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam chọn thành lập công ty ở nước ngoài.
Ông Ovel đưa ra thực trạng hiện nay một doanh nghiệp công nghệ có thể bắt đầu công ty của mình ở Singapore thay vì Việt Nam bởi việc đăng ký ở quốc đảo này rất dễ dàng thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Trong khi, quy trình đăng ký nhà đầu tư nước ngoài vào một doanh nghiệp tại Việt Nam có thể mất nhiều thời gian và thủ tục phức tạp hơn.
Do đó, ông khuyến nghị Việt Nam tiếp tục hỗ trợ hệ thống giáo dục, tôn vinh thành công và tìm cách hỗ trợ các công ty Việt Nam vươn ra toàn cầu. Ông cũng đề xuất việc xây dựng một môi trường "sandbox" (môi trường thử nghiệm) để các công ty có thể thử nghiệm các sản phẩm và quy trình mới mà không phải trải qua quy trình phê duyệt phức tạp.
Kỳ vọng thêm nhiều "kỳ lân" ở Việt Nam
Ông Hiren Krishnani, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Nasdaq nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc quản trị doanh nghiệp hiệu quả cao, tuyển dụng đúng hội đồng quản trị và kể câu chuyện của công ty một cách đơn giản để các nhà đầu tư có thể hiểu. Ông cũng khuyến nghị các công ty Việt Nam nên tham dự nhiều hội nghị ở Hoa Kỳ, không chỉ các hội nghị cấp cao nhất mà còn các hội nghị cấp hai hoặc cấp ba, để gặp gỡ các nhà đầu tư từ đó thu thập sự phản hồi đồng thời xây dựng mối quan hệ.
Mặc dù chưa tiết lộ cụ thể về các kế hoạch đầu tư cụ thể song các nhà đầu tư đều bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng của thị trường Việt Nam. Ông Lauria cho biết Golden Gate Ventures đang xem xét nhiều cơ hội đầu tư khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ y tế và giáo dục.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Trong khi, ông Krishnamani khẳng định Nasdaq hoàn toàn cam kết với thị trường Việt Nam và hy vọng sẽ thấy nhiều "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD) của Việt Nam niêm yết trên sàn Nasdaq.
Từ những đánh giá khách quan, các chuyên gia quốc tế cho rằng trung tâm tài chính Việt Nam đang sở hữu những "điểm cộng" về nguồn nhân lực trẻ, năng động cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ. Để thực sự trở thành một trung tâm tài chính cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ.
Theo các chuyên gia, việc giải quyết những rào cản còn tồn tại sẽ là "lực đẩy" quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính khu vực hàng đầu, thu hút dòng vốn đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước./.