Bài 3: Biên cương thành quê hương, tổ ấm (Tiếp theo và hết)

Trong chuyến công tác dọc miền biên viễn Lai Châu, đến các đồn biên phòng (ĐBP), chúng tôi không khỏi xúc động, khâm phục trước tình cảm và trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đối với vùng biên cương Tổ quốc, nhất là với bà con các dân tộc sinh sống trên mảnh đất đầy gian khó này. Chắc chắn mọi lời hay ý đẹp không thể diễn tả hết tấm lòng của những con người nơi đây...

"Kết duyên" với miền gian khó

18 giờ 30 phút, khi ráng chiều rực rỡ chiếu ánh sáng như huyền ảo trên những bông lau trắng, dọc đường từ bản Pha Bu (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè) quay trở lại Đồn Biên phòng Pa Ủ, tôi ngồi sau xe máy của Trung úy QNCN Phạm Minh Lượng, nhân viên Đội Trinh sát của Đồn. Đồi dốc cùng những khúc cua tay áo liên hồi khiến ruột gan tôi như đảo lộn, vậy mà anh Lượng bảo, 3 bản chúng tôi vừa chạy qua có đường đi dễ nhất so với 6 bản còn lại thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Pa Ủ quản lý. Vừa lái xe đi chậm, Phạm Minh Lượng vừa kể chuyện.

Tháng 8-2014, tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng 1, Phạm Minh Lượng được điều về tỉnh Lai Châu công tác. Chàng trai quê Yên Khánh, Ninh Bình hăm hở xách ba lô lên đường với suy nghĩ sẽ trải nghiệm vài năm ở vùng biên giới rồi xin về quê hương công tác. Nhưng mọi chuyện diễn ra khác hẳn suy tính của anh. Điều bất ngờ đầu tiên với anh khi được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Thu Lũm (huyện Mường Tè) là đường đi quá gian nan. Chàng trai sinh ra ở vùng đồng bằng không thể hình dung cuộc sống ở vùng biên có nhiều “không” đến thế: Không đường, không điện lưới, không sóng điện thoại, không internet... Những ngày đầu ở vùng biên cương xa xôi, gian khó, Phạm Minh Lượng luôn phải tự động viên mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Thế rồi anh "bén duyên" với đất, với người nơi đây lúc nào không hay và ngày càng thấy mình gắn bó với nơi này.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ luôn "ba bám, bốn cùng" với bà con dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: THU GIANG

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ luôn "ba bám, bốn cùng" với bà con dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: THU GIANG

Đầu năm 2018, Phạm Minh Lượng được điều sang Đồn Biên phòng Pa Ủ công tác thì cuối năm ấy, anh kết hôn với người con gái Hà Nhì là Lý Phì Nu, Bí thư Đoàn xã Can Hồ (huyện Mường Tè). Yêu nhau từ những lần giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ của Đồn với thanh niên địa phương, đến nay, họ đã có tổ ấm xinh xắn ở miền biên viễn và cậu con trai 3 tuổi. Tuy nhà và đơn vị ở cùng huyện nhưng mỗi tháng anh chỉ về được một đến hai lần. Gần 10 năm "bám bản" làm nhiệm vụ, hầu như khắp các bản làng, đồi núi ở huyện biên giới Mường Tè rộng mênh mông đã in dấu chân anh.

Phạm Minh Lượng nhớ lại, thời gian đầu lên đây công tác, anh khá vất vả bởi chưa biết tiếng của dân tộc La Hủ. Rồi những chuyến đi thực hiện nhiệm vụ, "4 cùng" với bà con, anh học dần và hiểu ngôn ngữ, tâm tư, nguyện vọng, phong tục, tập quán của họ. Gắn bó gần 10 năm, thành con rể của quê hương Mường Tè và định cư tại đây, anh thấy rõ sự đổi thay của vùng đất này. “Năm 2019, để vào bản Pha Bu xây dựng trường mầm non, tôi và đồng đội phải vác vật liệu đi bộ nửa ngày. Vậy mà bây giờ xe tải có thể vào tận bản. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con cũng đi lên từ những chương trình đồng hành với biên cương, những mô hình phát triển kinh tế giúp bà con xóa đói, thoát nghèo... Làm sao mà không tin tưởng và hy vọng được, phải không chị?”. Đó là những điều Trung úy QNCN Phạm Minh Lượng thốt lên khi nghĩ về tương lai của Pa Ủ. Tôi hiểu rằng, tự trong sâu thẳm trái tim mình, Phạm Minh Lượng luôn mong muốn góp phần đem lại tương lai tươi sáng hơn cho bà con các dân tộc ở đây.

Trao truyền tình yêu biên cương

Rời Đồn Biên phòng Pa Ủ, chúng tôi quay ngược lại trung tâm huyện Phong Thổ, rồi tiếp tục vượt gần 30km vòng vèo qua những quả đồi mới lên đến Đồn Biên phòng Dào San. Nằm ở độ cao hơn 1.900m so với mực nước biển nên nhiều người ví nơi đây là Sa Pa của Lai Châu, bởi nhiệt độ luôn dao động trên dưới 20 độ C vào mùa hè. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San kể rằng, du khách thường ưa thích khí hậu nơi đây vì họ chỉ đến một vài ngày, coi nhiệt độ thấp, sương mù như đặc sản được thưởng thức chứ không biết nỗi khổ của người sống ở đây quanh năm. Mảnh đất này dường như được thiên nhiên “ưu đãi” cho sự khắc nghiệt. Mùa đông thì rét cứa thịt da khiến chân tay sưng phù, nứt toác vì lạnh; mùa hè thì mưa tầm tã suốt mấy tháng. Có anh cán bộ ở Đồn Biên phòng Dào San chìa tay cho tôi xem. Bàn tay sưng phù hằn ngang dọc những vết sẹo thâm đen. Từ dưới xuôi lên đây công tác đã nhiều năm nhưng cơ địa anh vẫn không quen được với thời tiết lạnh, tay chân bị cước, nứt nẻ, bật máu, vết thương này chưa lành đã "mọc" thêm vết thương khác. Ở đây, quần áo giặt xong không thể phơi ngoài trời, phải hong lửa hoặc cho vào tủ sấy mới khô được. Chăn chiếu lúc nào cũng ẩm ướt vì sương mù theo các khe cửa tràn vào phòng... Thế nên, khi được biết trong điều kiện khắc nghiệt như thế vẫn có cán bộ biên phòng "dũng cảm" đưa vợ con từ ngoại thành Hà Nội lên vùng này định cư thì chúng tôi vô cùng khâm phục. Đó là chuyện của gia đình Trung tá QNCN Nguyễn Duy Chương, nhân viên báo vụ Đồn Biên phòng Dào San.

Chúng tôi vào thăm nhà Trung tá QNCN Nguyễn Duy Chương, ở ngay cổng Đồn, thuộc địa phận bản Sín Chải, xã Dào San. Căn nhà cấp 4 đơn sơ, phía ngoài để vợ anh làm hàng xáo, xay thóc bán gạo cho bà con, phía trong là những vật dụng giản dị. Anh Chương sinh ra ở Chương Mỹ (Hà Nội), năm 1994 về BĐBP tỉnh Lai Châu nhận công tác thì năm sau anh thành hôn với người con gái từ thuở “thanh mai trúc mã”. Khi con trai được một tuổi, anh Chương quyết định đưa vợ con lên đây định cư. Ban đầu, vợ anh là chị Vũ Thị Quyên không muốn đi vì sợ xa gia đình, người thân, nhưng chồng động viên, thuyết phục nên chị cũng mềm lòng. Lúc bồng bế con thơ lên đến "lưng trời" Dào San, chị Quyên đã cảm thấy "hoảng". Rồi chị suýt khuỵu xuống khi đứng trước nơi ở của gia đình là căn lán ghép tôn dựng vội, gió thổi thông thống từ ngoài vào trong. “Vợ không có việc làm, con thơ thì ốm quặt quẹo suốt vì viêm phế quản, rồi những lúc thấy tay vợ tứa máu vì bị cước do không chịu được lạnh, tôi xót lắm! Nhưng vẫn phải động viên vợ quyết tâm bám trụ”, anh Chương kể.

Theo vợ chồng anh Chương, mảnh đất này tuy gian khó nhưng đầm ấm tình người. Thấy vợ chồng anh khó khăn, bà con mang gạo, rau đến giúp. Đồn thì ủng hộ các nhu yếu phẩm khác. Rồi mọi chuyện cũng qua!

Tôi hỏi: "Biết khó khăn, gian khổ thế, sao anh không để vợ con ở lại quê nhà?". Anh Chương cười: "Đã xác định trọn đời gắn bó với BĐBP, cũng trót yêu mảnh đất vùng biên nên muốn gia đình đoàn tụ về một mối để yên tâm công tác. Ở đây dù gian khổ, vất vả nhưng rất tự hào, bởi người lính biên phòng đã nhận trách nhiệm cao cả là bảo vệ biên cương Tổ quốc. Mình muốn vợ con cũng hiểu được điều đó".

Bây giờ, vợ và các con của anh Chương đều nói được tiếng Mông, giao tiếp tốt với người dân trong bản. Anh Chương chia sẻ niềm vui của gia đình khi cậu con trai đầu lòng yếu ớt ngày nào, trải qua sương gió biên thùy, nay đã trở thành chàng Trung úy biên phòng đẹp trai, vạm vỡ, vừa tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2022 và đang công tác tại Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (BĐBP tỉnh Lai Châu). Anh tâm sự: "Điều tôi phấn khởi, tự hào nhất chính là tình yêu với biên giới đã được trao truyền đến vợ con. Cậu con trai thứ hai của vợ chồng tôi, cháu Nguyễn Việt Anh đang học lớp 11 cũng có nguyện vọng nối nghiệp cha và anh trai Nguyễn Kỳ Anh, sẽ tiếp tục đăng ký thi vào Học viện Biên phòng".

Trên đây là hai trong nhiều câu chuyện ấn tượng chúng tôi được biết trong chuyến công tác tại các đồn biên phòng ở Lai Châu. Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ biên phòng, chúng tôi cảm nhận rõ ở họ luôn tràn đầy một tình yêu lớn với BĐBP và biên cương Tổ quốc. Đặc thù công việc và địa bàn gian khó, xa xôi khiến BĐBP ít có điều kiện về thăm nhà, thăm quê, nhưng chính công việc phải thường xuyên "ba bám, bốn cùng", sự đồng lòng, chung tay vượt qua bao khó khăn, vất vả đã gắn kết tình cảm giữa BĐBP với người dân vùng biên, khiến cán bộ, chiến sĩ đều coi "đồn là nhà, biên giới là quê hương, người dân các dân tộc là anh em ruột thịt", từ đó dành tâm huyết để giữ gìn, phát triển vùng biên cương "phên giậu". Trung tá QNCN Nguyễn Duy Chương và Trung úy QNCN Phạm Minh Lượng tâm sự rằng, công việc của các anh thường xuyên phải bám bản, bám đường biên, cột mốc. Giữa mênh mông núi rừng xa lắc, nếu không dành tình cảm với mảnh đất và con người nơi mình gắn bó cả cuộc đời binh nghiệp thì làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thế nên lên biên giới, chúng tôi được chứng kiến, bà con gặp BĐBP là tíu tít trò chuyện, "mời bộ đội về nhà mình ăn cơm nhé!”. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến nhà của bà con cũng rất tự nhiên như người của gia đình.

Với những cách làm sáng tạo, đầy tâm huyết và đặc biệt là tình cảm gắn bó với bà con, thực sự coi biên giới là quê hương, BĐBP tỉnh Lai Châu luôn được nhân dân tin tưởng, quý trọng, sẵn lòng giúp đỡ. Niềm tin và cuộc sống ấm no của người dân chính là bức tường thành vững chắc nhất để gìn giữ biên cương Tổ quốc.

PHẠM THỦY - NGUYỆT MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-3-bien-cuong-thanh-que-huong-to-am-tiep-theo-va-het-723107