Bài 3: Gian nan hành trình đòi lại tiền
Vụ việc 9 lô trái phiếu bị hủy của Tân Hoàng Minh vẫn đang khiến các trái chủ 'ngồi trên đống lửa'. Hành trình 'đòi tiền mua trái phiếu vi phạm' hiện vẫn bỏ ngỏ câu trả lời.
>>> Bài 1: “Hô biến” thành nhà đầu tư chuyên nghiệp
>>> Bài 2: Trong mê trận trái phiếu doanh nghiệp
Không những thế, đã xuất hiện tình trạng một số DN phát hành trái phiếu khó khăn trong thanh toán trái phiếu đáo hạn hoặc rút trước hạn của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư “ngồi trên đống lửa”
Ông N.T.C (Láng Hạ- Đống Đa- Hà Nội) là một trong hơn 7.000 nhà đầu tư đã mua các trái phiếu thuộc 9 lô bị UBCKNN ra quyết định hủy bỏ. Tin tưởng rằng các lô trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành đã được UBCKNN phê duyệt và cấp phép, đồng thời đã được đăng tin trên trang thông tin của Sở GDCK Hà Nội nên ông đã dồn hết vốn liếng mua quyền sở hữu trái phiếu và ký hợp đồng Đầu tư Trái phiếu với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh).
“Quá trình mua trái phiếu, chúng tôi ký kết hợp đồng và các cam kết rõ ràng gồm: Hợp đồng Đầu tư Trái phiếu, Giấy xác nhận Giao dịch Trái phiếu và Thư Cam kết Thanh toán. Trái phiếu có tài sản đảm bảo, được ký kết công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các bên nên nhà đầu tư vẫn tin tưởng là trái phiếu được phát hành đúng các quy định của pháp luật. Thực tế, dù có thông thái đến đâu, chúng tôi cũng không đủ thời gian cũng như thông tin để có biết được DN có sử dụng tiền của lô trái phiếu bán cho chúng tôi có đúng mục đích như đăng ký không?”- ông N.T.C cho biết.
Hợp đồng đầu tư trái phiếu giá trị 1 tỷ đồng giữa ông N.T.C và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh ký ngày 4/1/2022 có thời hạn đầu tư 3 tháng. Đến nay, ngày kết thúc thời hạn đầu tư (4/4/2022) đã qua lâu, mặc dù Tân Hoàng Minh có Thư cam kết thanh toán, tuy nhiên, câu trả lời bao giờ nhà đầu tư nhận được tiền vẫn còn bỏ ngỏ.
Không chỉ ông N.T.C, hơn 7.000 nhà đầu tư đã lỡ mua 9 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng bị thu hồi của Tân Hoàng Minh hiện nay vẫn mệt mỏi với hành trình “đòi tiền mua trái phiếu”. Hơn một tháng nay, các nhà đầu tư này đã gửi đơn và gõ cửa nhiều cơ quan để tìm phương án giải quyết, tuy nhiên, câu trả lời vẫn là “liên hệ để được giải quyết theo các quy định của pháp luật”.
Theo biên bản làm việc giữa Công ty TNHH TMDVKS Tân Hoàng Minh và đại diện nhà đầu tư vào lúc 14h30 ngày 27/4, Bộ Tài chính đã làm việc với cơ quan liên quan thống nhất đưa ra chính sách để bảo vệ nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư hay DN có sai phạm thì cũng tạo điều kiện để khắc phục sai phạm nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh vào chiều 25/5. Đến ngày 27/4, UBCKNN lại thông tin, đề nghị các công ty và nhà đầu tư liên hệ làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra- Bộ Công an để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, với các lô trái phiếu chưa được công khai, nhiều nhà đầu tư cũng trầy trật trong việc yêu cầu DN phát hành trả tiền. Đơn cử, nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu và ký kết các Thỏa thuận Hợp tác chiến lược, Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Tập đoàn E do ông Nguyễn Ngọc T làm Chủ tịch HĐQT và các công ty liên quan cũng rất vất vả trong hành trình đòi tiền các lô trái phiếu và các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đến hạn tất toán.
“Khi khách hàng có nhu cầu hoặc đến hạn tất toán hợp đồng, chúng tôi đã phải chờ khá lâu để lấy được tiền chứ không phải 3 ngày như tư vấn viên thông báo. Mặt khác, dù nhiều Hợp đồng số tiền không lớn nhưng khách hàng vẫn phải chờ Tập đoàn E chia ra trả làm nhiều đợt, trả rất lẻ tẻ”- một nhà đầu tư mua trái phiếu Tập đoàn E cho biết.
Không chỉ trái phiếu mà các khách hàng đã đầu tư tài chính vào Tập đoàn E và các công ty thành viên hiện cũng phải năm lần bảy lượt vẫn chưa đòi được tiền. Theo văn bản Công ty CP Đầu tư và Phân phối E- một công ty thuộc Tập đoàn nói trên gửi khách hàng thì do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến toàn bộ hệ thống trung tâm tạm ngừng giảng dạy trực tiếp, dẫn tới doanh thu của Tập đoàn, công ty bị sụt giảm nghiêm trọng.
Hiện, việc giảng dạy trực tiếp được khởi động trở lại, Công ty buộc phải ưu tiên dùng tiền cho việc duy trì và vận hành hệ thống trước tiên. Chính vì vậy, công ty chưa thể chủ động được nguồn tài chính để thực hiện việc mua lại cổ phần của khách hàng. Và phương án để xuất là mỗi tháng mua lại 10 triệu đồng của khách hàng cho đến khi thanh toán hết.
Theo khảo sát thực tế của PV Báo Kinh tế & Đô thị, hiện, mỗi ngày, rất nhiều “thượng đế” đang chật vật xếp hàng tại trụ sở chính của Tập đoàn E tại Tầng 2, Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội yêu cầu trả lại tiền.
Nơm nớp với trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn
Năm 2022 là thời điểm mà nhiều TPDN đến hạn thanh toán. Theo dữ liệu đấu nối và tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research), tổng khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2022 là 231.243 tỷ đồng, tập trung lớn nhất ở nhóm ngành bất động sản (83.530 tỷ đồng), tổ chức tín dụng (67.650 tỷ đồng)…
Có thể nói, 231.243 tỷ đồng TPDN đáo hạn năm nay được xem là phép thử đáng kể đầu tiên đối với năng lực thanh toán của các nhà phát hành. Từ tháng 5 đến cuối 2022, hơn 180.000 tỷ đồng TPDN đến hạn, trong đó cao điểm là vào tháng 8 và tháng 12 với lần lượt gần 28.908 tỷ đồng và 49.193 tỷ đồng trái phiếu đến hạn. Với riêng trái phiếu bất động sản, áp lực nếu có sẽ tập trung vào tháng 12 với hơn 21.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Ông Phan Linh- Công ty Take Profit cho hay, việc phát hành TPDN của các DN, đặc biệt là khối bất động sản hiện đang đầy rẫy nguy cơ khi nhiều TPDN không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chất lượng thấp, không có tính thanh khoản hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu của chính DN. “Với các trái phiếu này, nếu DN không có năng lực tài chính hoặc DN khó khăn, mất khả năng thanh khoản thì rủi ro sẽ đổ hết cho nhà đầu tư, khiến họ mất trắng”- ông Linh nói.
Theo dữ liệu của FiinGroup, khoảng 138.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 - 2024). Điều này không chỉ tạo áp lực trả nợ lớn hơn của các DN này dần hồi phục sau đại dịch và trước những thay đổi pháp lý và những sự kiện gần đây mà còn tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, chính là các định chế tài chính như công ty chứng khoán và ngân hàng.
(Còn nữa)
Trước mắt, cần phải có giải pháp để bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư. Với TPDN, các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành có trái phiếu đến hạn trong thời gian tới, tìm mọi biện pháp để có thể đảm bảo phương án trả nợ cho nhà đầu tư trái phiếu, không để tình trạng không thể trả nợ của bất cứ tổ chức phát hành nào xảy ra trong giai đoạn hiện nay. Điều này giúp bảo vệ niềm tin và giữ chân dòng vốn đầu tư trên thị trường trước khi chúng ta có thể áp dụng các biện pháp dài hạn khác.