Bài 3: Giữ nét đẹp văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần
Cùng với việc kiến tạo cơ sở hạ tầng cho bước phát triển bứt phá của nông nghiệp, nông thôn Thủ đô, Hà Nội luôn xác định, vấn đề căn cốt của nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nông thôn mới Hà Nội phải bảo tồn, gìn giữ, phát huy được nền tảng văn hóa truyền thống...
Thư viện xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Phong phú đời sống văn hóa tinh thần
Đã thành nếp, người dân thôn Nhị Khê, xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) mỗi tối lại rủ nhau ra nhà văn hóa tập hát chèo. Bà Lê Thị Vệ ở thôn Nhị Khê nói: Người Nhị Khê biết hát chèo từ khi nào không nhớ nữa, còn hiện tại, đội chèo của thôn có 39 thành viên, thường xuyên luyện tập, biểu diễn trong các dịp lễ, Tết… Các vở diễn tập trung tuyên truyền về phong trào xây dựng nông thôn mới, cổ vũ người dân tăng gia sản xuất, bài trừ thói xấu. Đây là sân chơi bổ ích của bà con trong thôn.
Không chỉ Nhị Khê mà hầu hết các xã ngoại thành Hà Nội đều chú trọng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, để từ đó nâng cao đời sống tinh thần của bà con nông dân...
Trên mảnh đất Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, mỗi khi chiều đến, những người nông dân lại cùng ra sân chơi cầu lông, bóng chuyền, bóng đá… Bà Trần Thị Tuyến, chủ cửa hàng bán sữa Sang Tuyến nói: “Người dân xã Tản Lĩnh có phong trào chơi bóng chuyền hơi. Chiều nào sân nhà văn hóa các thôn cũng chật kín; người đông, bà con phải chia ca, chơi từ khi còn nắng tới tối muộn mới nghỉ. Phong trào rèn luyện thể thao không chỉ mang lại sức khỏe, niềm hứng khởi cho mỗi người mà còn mang đến tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng vì cộng đồng...
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhìn chung, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng tăng. Đến năm 2018, toàn thành phố có 1.524/2.538 làng (chiếm 60%) đạt và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”, tăng 7,9% so với năm 2010. Ở các thôn bản, nhà văn hóa, khu thể thao được đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thể thao góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh…
Phát huy nét đẹp của làng quê
Những đám cưới giản đơn, tiết kiệm mà ấm áp, trang trọng; những đám tang không còn cảnh cỗ bàn linh đình, hủ tục nhiêu khê… tưởng là điều không thể ở nhiều vùng quê bởi các tục lệ đã “ăn sâu bám rễ” lâu đời. Thế nhưng cùng với việc xây dựng nông thôn mới, những hủ tục lạc hậu, cản trở sự phát triển đã từng bước được đẩy lùi. Bí thư Chi bộ thôn Nga My Hạ (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) Bùi Văn Hiền cho biết: Cùng với việc loại bỏ hủ tục, người dân trong xã đã hiến đất nông nghiệp, mở rộng nghĩa trang lên 15.000m2. Tất cả ngôi mộ đều được xây dựng với mẫu thống nhất, có hàng, lối... đúng quy ước của làng.
Tại huyện Thanh Trì, để tạo chuyển biến trong việc tang văn minh, huyện vận động các gia đình có người quá cố thay cách thức an táng trước đây bằng việc hỏa táng. Ngoài hỗ trợ của thành phố, huyện hỗ trợ thêm 2 triệu đồng, các xã cũng hỗ trợ thêm từ 1 đến 2 triệu đồng cho mỗi trường hợp. Đến nay, tỷ lệ hỏa táng của huyện đạt 64,7% (tăng 28,5% so với năm 2011).
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Hùng, để thực hiện nếp sống văn minh ở nông thôn, thực tế không cần quá nhiều kinh phí. Các việc: Vệ sinh môi trường, phòng, chống tệ nạn, loại bỏ hủ tục lạc hậu... hoàn toàn có thể thực hiện tốt nếu phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động người dân... Và sự đồng thuận chính là yếu tố quyết định.
Mặt khác, đô thị hóa nông thôn mang đến nhiều tích cực nhưng cũng có không ít mặt trái làm mai một nét đẹp văn hóa truyền thống ở các miền quê. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) Phan Văn Lợi, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, địa phương đã gìn giữ được các di tích lịch sử, văn hóa. Nhiều con đường mới được mở rộng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng những đường lát gạch cổ trong làng vẫn được bảo tồn. Đáng quý nhất là giữa vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, người Đường Lâm vẫn duy trì nhiều nét đẹp truyền thống mang đậm chất làng xã. Chẳng hạn, ở Đường Lâm có nhiều lễ hội, tục lệ nên việc họp xóm, họp làng được tổ chức thường xuyên.
Vào ngày giỗ của hai vị vua Phùng Hưng, Ngô Quyền và Thám hoa Giang Văn Minh, theo tục lệ, xã đứng ra tổ chức phần nghi lễ, còn các hộ dân trong làng góp tiền hoặc gạo. Khi cúng giỗ xong, cả làng quây quần thụ lộc. “Nét đẹp này gắn kết tình làng, nghĩa xóm, từ đó hạn chế được các mâu thuẫn cá nhân” - Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Phan Văn Lợi cho biết.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tại huyện Sóc Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở thu nhập tăng, ở hạ tầng khang trang mà phải giữ được cốt cách văn hóa nông thôn”. Mỗi làng quê đều có phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa riêng. Vì vậy, việc bảo tồn các giá trị di sản để bản sắc văn hóa dân tộc, nét văn hóa truyền thống đặc trưng từng vùng… trở thành nguồn lực phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Từ thực tế phát triển ở nhiều địa phương, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy thường xuyên lưu ý: Xây dựng nông thôn mới phải bám theo quy hoạch, nông thôn gắn kết hài hòa với đô thị và có chức năng bảo tồn cảnh quan, cân bằng sinh thái, tạo vành đai môi trường và gìn giữ giá trị văn hóa. Nông thôn mới Hà Nội đã và đang định hình với những tư duy mới, nếp sống mới và định hướng phát triển mới - gắn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống với phát triển du lịch; xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, phát triển bền vững… Và, thành quả hôm nay, trước hết thuộc về nông dân - là chủ thể và đối tượng thụ hưởng của phong trào xây dựng nông thôn mới.
(Còn nữa)