Bài 3: Gỡ thể chế để khơi thông nguồn lực

Ngành quảng cáo đã có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua, trong đó có quảng cáo ngoài trời, đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động quảng cáo ngoài trời còn gặp một số vướng mắc, bất cập về hành lang pháp lý, dẫn đến việc khai thác chưa hiệu quả.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Hiện nay, hệ thống quy phạm pháp luật về quảng cáo được ban hành khá đầy đủ như Luật Thương mại 2005; Luật Quảng cáo năm 2012; Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại; Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Thông tư 04/2018/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời…

Với TP Hà Nội, ngày 12/3/2024, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP. Theo đó, hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo, văn bản pháp luật liên quan, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan của TP.

Biển quảng cáo khổ lớn trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Biển quảng cáo khổ lớn trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Mặc dù vậy, trong thực tế, hoạt động quảng cáo vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Theo đại diện Công ty CP Quảng cáo thương mại Hà Nội, Thông tư 04/2018/TT-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời, quy định "Bảng quảng cáo, hộp đèn phải nằm trong quy hoạch quảng cáo được phê duyệt".

Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp bởi các bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn thì bản chất phần lớn thường là công trình sở hữu tư nhân. Do đó, không thể quy hoạch đối với bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn thuộc sở hữu tư nhân.

Bên cạnh đó, đối với bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn, hiện nay quy chuẩn kỹ thuật quy định: bảng quảng cáo, hộp đèn ngang nhô ra khỏi mặt ngoài công trình tối đa 0,2m với chiều cao tối đa 2m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang công trình.

Nhiều DN cho rằng, quy định này chỉ phù hợp với loại hình bảng quảng cáo dán bạt hiflex hoặc kết cấu kim loại sử dụng bạt hiflex. Còn với loại hình quảng cáo màn hình Led đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, khoảng cách nhô tối đa 0,2m sẽ không đáp ứng được việc lắp đặt hệ thống kết cấu của màn hình Led, do còn các thiết bị phụ trợ như quạt làm mát, hệ thống phòng cháy, chữa cháy…

“Quảng cáo màn hình Led đã mang đến một bước tiến mới cho ngành quảng cáo. Do đó cần cởi mở hơn về quy định kích thước và ứng dụng công nghệ màn hình Led quảng cáo” - bà Nguyễn Lê Ái Liên, Công ty TNHH Mặt Trời Vàng Goldsun kiến nghị.

Với cấp địa phương, lãnh đạo quận Đống Đa cũng bày tỏ còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để quản lý hoạt động quảng cáo đi vào nền nếp hơn. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đèn Led rọi chiếu xuống đường giao thông để quảng cáo và tổ chức, cá nhân làm vượt số lượng biển hiệu theo quy định.

Bởi thực tế trong các Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ; Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo; Nghị định 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2021/NĐ-CP… chưa có chế tài xử lý những vấn đề này.

“Cùng với đó, theo khoản 3, Điều 34 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND ngày 12/3/2024 của UBND TP Hà Nội giao UBND quận, huyện, thị xã tổ chức, quản lý hoạt động quảng cáo màn hình Led. Vậy, UBND quận, huyện, thị xã có quyền chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân lắp dựng màn hình Led hay không?” - ông Nguyễn Thanh Tùng đặt vấn đề.

Sớm hướng dẫn thực hiện quy hoạch quảng cáo

Quảng cáo được coi là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Doanh thu từ dịch vụ quảng cáo cũng tăng lên hàng năm. Doanh thu quảng cáo của nước ta năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, muốn phát huy được tiềm năng, lợi thế, đưa quảng cáo thực sự trở thành ngành công nghiệp văn hóa phát triển năng động, ngoài hành lang pháp lý, vấn đề triển khai quy hoạch quảng cáo cũng cần được tháo gỡ.

Thời điểm này cũng là đến lúc cần thay đổi một số chính sách lớn để cho hoạt động quảng cáo mang tính chất đồng bộ, mang tính chất là một văn bản chuyên ngành từ quảng cáo và thống nhất các luật hiện nay. Với quảng cáo ngoài trời, vấn đề thứ nhất cần quan tâm quy hoạch quảng cáo, thứ hai là thủ tục hành chính và thứ ba là kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương

Theo đó, năm 2018, Hà Nội ban hành Quyết định số 1997/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Quy hoạch đến nay đã được 6 năm nhưng vẫn chưa được triển khai thực hiện, nên DN gặp khó khăn khi có nhu cầu muốn đầu tư xây dựng thêm các vị trí mới. “Đề nghị UBND TP sớm ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP theo Quyết định số 1997/QĐ-UBND để thuận tiện cho quá trình quản lý Nhà nước về quảng cáo tại địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng kiến nghị.

Qua giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP tại một số quận, huyện, sở, ngành mới đây, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội cũng nhận định, việc ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai quy hoạch quảng cáo còn chậm, dẫn đến các quận, huyện, DN gặp khó khăn trong thực hiện. Nhiều vị trí trong quy hoạch quảng cáo ngoài trời không khả thi, phải hủy bỏ do quy hoạch trùng lặp với các nội dung khác.

Đơn cử như tại huyện Đan Phượng, TP quy hoạch 5 vị trí bảng tuyên truyền băng rôn nằm ở bên phải Quốc lộ 32 nhưng cả 5 điểm này đều không thực hiện được do trùng nội dung quy hoạch với đất giáo dục, đất giao thông, đất đấu giá. Hay tại huyện Thường Tín, trong số các vị trí được quy hoạch quảng cáo tấm lớn trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đi qua địa bàn huyện có 6 điểm quy hoạch trùng với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; có 9 điểm quy hoạch vào đường điện cao thế quốc gia…

Sở VH&TT sẽ minh bạch cách thức tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động quảng cáo và minh bạch về cơ chế quản lý tài chính: việc này DN được gì, Nhà nước được gì, người sử dụng dịch vụ quảng cáo được gì? Hiện Sở đang yêu cầu kiểm tra tổng thể quảng cáo, đánh giá tất cả các lĩnh vực trên cơ sở quy định mới, tận dụng cái hiện có và cũng hướng đến hiện đại để thu hút quảng cáo cả trực quan và trên môi trường số.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng

Bên cạnh đó là việc chậm xây dựng, ban hành cơ chế khai thác các không gian công cộng, tài sản công đưa vào hoạt động kinh doanh quảng cáo. Việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý Nhà nước cho cấp huyện liên quan đến hoạt động quảng cáo đã từng bước được thực hiện, nhưng cơ chế phối hợp quản lý giữa các cấp, ngành còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều quy định về xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng gây khó khăn cho công tác cấp phép, quản lý hoạt động quảng cáo.

Đáng nói, trên địa bàn một số huyện vẫn tồn tại biển quảng cáo tấm lớn sai vị trí quy hoạch. Như tại huyện Sóc Sơn còn 12 bảng quảng cáo tấm lớn nằm trong khuôn viên Cảng hàng không Nội Bài không được cấp phép, không có trong quy hoạch, đã có quyết định của Thanh tra TP yêu cầu tháo dỡ nhưng chưa được xử lý triệt để. Hoặc biển quảng cáo không có giấy phép xây dựng nhưng chưa được tháo dỡ, gây nguy hiểm trên các trục đường Võ Văn Kiệt, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ... Một số vị trí cột trụ quảng cáo bị bỏ không, khung han rỉ, không có bạt hoặc bạt cũ, rách...

Nhiều bảng quảng cáo tấm lớn hết hạn thông báo sản phẩm nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo, mời quảng cáo, chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đi qua địa bàn huyện Thường Tín, 70 bảng quảng cáo tầm lớn được lắp dựng đều đã hết hạn cấp phép thông báo sản phẩm nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo hoặc mời quảng cáo...

Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho biết, xác định quảng cáo là nguồn lực của Thủ đô, là sản phẩm văn hóa của Thủ đô nên Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có đưa nội dung này vào để đạt mục tiêu cuối cùng là trở thành ngành công nghiệp văn hóa.

NĐề nghị TP có hướng dẫn cụ thể về màn hình chuyên quảng cáo, màn hình Led, LCD và các hình thức tương tự, quảng cáo sử dụng ánh sáng điện (đèn phóng khí, đèn Led, đèn laze, đèn media trang trí tòa nhà...) quy định tại Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND ngày 12/3/2024 của UBND TP Hà Nội về ban hành quy chế hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP có phải thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo hay không.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng

(Còn nữa)

Thiên Tú - Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-3-go-the-che-de-khoi-thong-nguon-luc.html