Bài 3: Hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam
Lịch sử dân tộc và văn hóa Việt Nam đã chứng minh, trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc và 100 năm cai trị của thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam vẫn giành lại được độc lập, vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Mỗi một cộng đồng, tộc người hay một dân tộc, quốc gia trong quá trình hình thành và phát triển nhất thiết phải tạo dựng cho mình những giá trị riêng. Những giá trị này được bồi đắp, kết tinh thành hệ thống tinh hoa văn hóa, từ đó tạo nên bản sắc tộc người, bản sắc dân tộc và quốc gia.
Bản sắc này là nền tảng, điểm tựa cho phát triển ở mọi thời đại, tạo ra sự ổn định lâu dài cho quốc gia, dân tộc đó. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, có quá trình hình thành và phát triển gắn với các biến cố lịch sử như bị xâm chiếm, đô hộ và âm mưu đồng hóa văn hóa...
Lịch sử dân tộc và văn hóa Việt Nam đã chứng minh, trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc và 100 năm cai trị của thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam vẫn giành lại được độc lập, vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Đó chính là nhờ vào nền tảng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam được tạo dựng qua nhiều thế hệ
Chính sách văn hóa
Tiến sĩ Phạm Văn Dương (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) lưu ý và đồng thời cho rằng, trong bối cảnh đương đại, dưới tác động của toàn cầu hóa và sức mạnh của công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội... đã và đang đặt ra những thách thức lớn về kiến tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa.
Trước hết cần làm rõ nội hàm khái niệm “hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam” là gì? Theo cách tiếp cận con người là chủ thể, là trung tâm của văn hóa, từ bản chất đặc trưng của con người mà hình thành giá trị văn hóa. Giá trị văn hóa là những phương diện thể hiện giá trị con người ở những lát cắt và bình diện khác. Giá trị con người và giá trị công dân là nền tảng gốc rễ cơ bản để hình thành giá trị văn hóa và giá trị xã hội.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng chỉ rõ và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ cho toàn Đảng, toàn dân và cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.
Khi đó, Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa để văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại quần chúng hoặc xa rời đông đảo quần chúng); khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những thách thức về an ninh, văn hóa chưa từng có đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và với mỗi cá nhân. Đó là sự lệ thuộc vào công nghệ, bị nô dịch và dẫn dắt bởi công nghệ.
Trong đó, yếu tố dân tộc được ưu tiên số một, thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với nguy cơ văn hóa dân tộc bị thực dân nô dịch, đồng hóa, bản sắc, bản lĩnh con người Việt Nam có thể bị xóa nhòa, từ đó tinh thần độc lập dân tộc suy yếu.
Từ văn kiện này, quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chính sách văn hóa của Đảng ngày càng khẳng định tính xuyên suốt, hệ thống và sáng tỏ. Trong phát triển văn hóa, ở mọi giai đoạn cách mạng, Đảng luôn coi yếu tố con người là then chốt, mọi nguồn lực kinh tế văn hóa phục vụ cho mục tiêu phát triển con người Việt Nam.
Trải qua nhiều giai đoạn, Đại hội XI của Đảng khẳng định phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi con người là trung tâm của chiến lược phát triển, là chủ thể phát triển, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Năm 2014, Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết một lần nữa khẳng định mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Năm 2015, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán, “gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh “... tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Một lần nữa, vai trò của con người Việt Nam được khẳng định là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất để phát triển đất nước. Đây là nhận thức mới về mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa văn hóa với con người. Phát triển văn hóa chính là phát triển con người và ngược lại.
Nhận diện hệ giá trị
Các nhà khoa học, giới nghiên cứu thống nhất rằng, giá trị văn hóa là nguồn tài nguyên, nguồn lực vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, trong đời sống thường nhật chúng ta không dễ dàng nhận diện được một cách toàn diện hệ thống các giá trị văn hóa của một dân tộc hay một quốc gia.
Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam gồm các giá trị do chính con người thuộc cộng đồng 54 dân tộc sáng tạo ra trong quá khứ và hiện tại. Giá trị văn hóa con người Việt Nam theo thời gian kết tinh thành hệ thống các giá trị văn hóa, trong đó không chỉ biểu hiện ở khía cạnh vật chất là những di sản văn hóa đến từ quá khứ, mà còn là các sinh hoạt văn hóa mang hơi thở của cuộc sống hôm nay.
Giá trị văn hóa con người Việt Nam là yếu tố cấu thành bản sắc tộc người bao gồm: tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, nghệ thuật, luật pháp, tập quán, sinh hoạt... là sự thể hiện bản chất, năng lực con người với tính cách là thành viên cộng đồng xã hội.
Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam còn bao gồm toàn bộ các giá trị vật thể và phi vật thể cốt lõi, được kết tinh từ các mối quan hệ xã hội của con người. Mỗi tộc người được hình thành do quá trình cư trú, hoạt động của họ tác động vào thế giới tự nhiên cụ thể mà tạo ra, nhằm thỏa mãn các nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại và phát triển của mình.
Trên ý nghĩa đó, có thể nhận thấy các giá trị văn hóa con người của 54 tộc người Việt Nam gồm: các loại hình văn hóa gắn với tập quán cư trú, kiến trúc nhà ở làng bản gắn với môi trường, các tri thức dân gian về môi trường và tài nguyên; các luật tục quy định các nếp sống của cộng đồng; dân ca, dân vũ hoạt động kinh tế của mỗi tộc người, của các cộng đồng tộc người với những mức độ khác nhau trong quá trình nông thôn hóa, đô thị hóa...
Yếu tố của các loại hình văn hóa trên biểu hiện đa dạng, phong phú, giàu bản sắc là tài sản, là nguồn vốn hữu hình và vô hình của cộng đồng, dân tộc và địa phương, đây chính là nguồn tài nguyên cho phát triển.
Bối cảnh đương đại
Xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ do sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó phải kể đến sức mạnh của công nghệ thông tin với internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo...
Những yếu tố công nghệ này dường như đã xóa nhòa một phần ranh giới quốc gia, ranh giới văn hóa. Mỗi công dân từ các quốc gia tham gia vào hệ thống kết nối này sẽ trở thành một phần của hệ thống.
Từ đó tiếp cận, hội nhập, thẩm thấu hệ giá trị chung của hệ thống đó, hình thành nên hệ giá trị công dân toàn cầu, bản sắc quốc gia, dân tộc, vùng miền có thể sẽ mờ nhạt dần. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những thách thức về an ninh, văn hóa chưa từng có đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và với mỗi cá nhân. Đó là sự lệ thuộc vào công nghệ, bị nô dịch và dẫn dắt bởi công nghệ.
Văn hóa con người Việt Nam từ trước đến nay đã được nhận diện và khái quát thành hệ giá trị con người Việt Nam với những đặc tính ưu việt như cần cù, sáng tạo trong lao động, đoàn kết trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa, khéo léo, thích nghi nhanh trong lao động và hội nhập.
Tuy nhiên, những giá trị trên mang tính phổ quát nhiều hơn, vì vậy có thể nhận thấy ở mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tuy vậy, hệ giá trị chung, phổ quát mang bản sắc quốc gia vẫn rất cần thiết nhận diện, làm rõ những đặc điểm của con người Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh: “... Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Ở mọi thời đại, mọi quốc gia, dân tộc và mọi nền văn hóa, sự phát triển hay diệt vong đều có nguồn gốc từ yếu tố con người. Con người là chủ thể sáng tạo, là trung tâm, là yếu tố quyết định các giá trị do chính con người tạo lập và cũng chính con người là tác nhân hủy hoại những giá trị đó.
Vì vậy, xây dựng văn hóa con người Việt Nam là yếu tố then chốt, sống còn, lâu bền trong chiến lược xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đảng và Nhà nước phải trở thành nhân tố then chốt, quyết định trong việc hình thành và phát triển hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, làm động lực nội sinh mạnh mẽ cho việc thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh và bền vững.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải dựa trên nền tảng hệ giá trị chung của quốc gia, chắt lọc, kế thừa phát triển và ngày càng hoàn thiện từ các giá trị văn hóa con người Việt Nam đã được tạo dựng thử thách, được khẳng định qua thời gian.
Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, mục tiêu phấn đấu của mỗi con người, mỗi cộng đồng, tộc người, trở thành niềm kiêu hãnh, sức mạnh và khả năng đề kháng, miễn dịch trước những tác động của toàn cầu hóa và nô dịch văn hóa. Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải trở thành hệ giá trị công dân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-3-he-gia-tri-van-hoa-cua-con-nguoi-viet-nam-a139751.html