Bài 3: Hồi sinh nơi 'tâm bão' Huổi Khon
ĐBP - Sau 'cơn mưa, trời lại sáng', bản Huổi Khon nay đã khoác lên mình gam màu tươi sáng của những nương ngô, ruộng lúa sau những ngày 'giông bão' ập đến; đó cũng là sự hiện hữu từ những thay đổi, phát triển trù phú ngay giữa tâm bão ngày nào. Để có được những chuyển biến tích cực đó cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, cơ quan chức năng còn có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy mà cuộc sống của bà con bản Huổi Khon nói riêng và nhân dân huyện Mường Nhé nói chung đã dần ổn định và trở lại là chính mình không còn ảo tưởng vào những sức mạnh siêu nhiên, huyễn hoặc để các thế lực thù địch lợi dụng.Bài 1: Từ chỗ tối đến nơi sángBài 2: Nhờ có Đảng soi đường, chỉ lối
Đời sống người dân ngày càng thay đổi. Trong ảnh: Người dân bản Huổi Khon 2 phơi ngô sau khi vừa thu hoạch.
“Đất dữ” hóa bình yên
Chúng tôi vào bản Huổi Khon sau hơn 10 năm xảy ra vụ việc tập trung đông người đòi thành lập “nhà nước Mông” năm nào. Giờ đây, tuyến đường lên bản đã được đầu tư rải cấp phối, giúp ôtô chạy thẳng vào bản với những ngôi nhà gỗ vững chãi dọc 2 bên đường. Những triền đồi trọc phía trên con đường vào bản trước kia thì nay cũng trở thành những đồi chít vươn lên xanh tốt. Nơi ngã 3 bản - điểm tập trung của những lều lán tạm bợ 10 năm trước thì nay đã mọc lên các điểm trường với tiếng trẻ ê a đánh vần con chữ, tiếng đùa vui sau những tiết học. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc đang sinh sống nơi đây.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ cấp 4 mới dựng cách đây chưa đầy 1 năm, ông Sùng A Kỷ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Huổi Khon 1, chia sẻ: Cuộc sống của đồng bào ngày càng tốt lên nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước. Đường vào bản đã được mở rộng, rải cấp phối để ô tô đến tận nơi, có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, có điểm trường. Trước đây, trẻ em trong bản chưa được đi học nhiều, bây giờ thì cứ đến độ tuổi đi học, đều được đến trường học con chữ. Ở bản còn có 4 gia đình là: Sùng A Chơ, Vàng A Hồ, Thào A Sinh, Giàng A Chính được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà, lợp mái tôn vững chắc. Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước thì người dân trong bản cũng đã chủ động làm nương lấy hạt ngô, hạt thóc để ăn, chăn nuôi chứ không còn trông chờ vào những thứ siêu nhiên như cái luận điệu “ngồi mát ăn bát vàng” mà kẻ xấu tuyên truyền, lôi kéo nữa.
Như để minh chứng cho những lời vừa nói, chỉ tay về phía đồi chít xa xa, ông Kỷ phấn khởi tiếp lời: Vì điều kiện đất đai ít, không có nhiều ruộng lúa nước mà chủ yếu là đất nương nên dân bản đã tập trung trồng cây chít thôi; có nhiều gia đình thu hoạch gần 2 tấn chít /năm. Ngoài ra thì cũng nhiều người trồng cây sa nhân, cà phê cho thu nhập khá ổn định. Đặc biệt là dân bản không còn chăn nuôi theo kiểu thả rông mà đã nuôi nhốt và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như gia đình ông Sùng A Măng vừa mới xuất chuồng gần 20 con lợn thịt với khối lượng hơn 1 tạ/con cho thu nhập khá cao.
Từ khi bản Huổi Khon tách làm 2 bản: Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2 thì cả 2 bản đều được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của bản. Dẫn chúng tôi tham quan con đường nội bản mới được bê tông hóa, anh Thào A Gia, Trưởng bản Huổi Khon 2 cho biết: Con đường bê tông nội bản dài gần 1km này mới được Nhà nước đầu tư theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn nhiều. Ngoài ra, bản còn đang được đầu tư xây dựng điểm trường mầm non và tiến tới làm nhà văn hóa bản nữa. Có nhà, có sơ sở hạ tầng, có đất sản xuất, chúng tôi còn được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất gieo trồng nên không lo đói. Trước đây, trong bản hầu như nhà nào cũng được hỗ trợ trâu sinh sản để phát triển chăn nuôi. Từ con giống được hỗ trợ, đến nay nhiều hộ còn nhân rộng được đàn gia súc như gia đình: Vàng A Sình (6 con trâu), Thào A Giang (7 con trâu)… Để có được những thay đổi đó, các cơ quan ban, ngành từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã đã tuyên truyền, vận động giải thích để bà con nhận ra cái xấu và không nghe theo, mà chỉ tập trung làm nương, phát triển chăn nuôi để ổn định cuộc sống.
Huổi Khon từ một vùng “đất dữ” nay đã bình yên trở lại với những đổi thay to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Kết quả đó là minh chứng sinh động của việc hiện thực hóa sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với địa phương và dân bản; tạo cơ sở thực tiễn để đồng bào các dân tộc yên tâm gắn bó, bám trụ với mảnh đất này.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước chú trọng đầu tư co sở hạ tầng cho bản Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Vững tin theo Đảng
Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè Trần Trung Kiên, cho biết: Đồng bào người Mông nói riêng, cộng đồng các dân tộc thiểu số xã Nậm Kè nói chung luôn một lòng tin theo Đảng. Điều này được minh chứng bằng kết quả cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong ngày bầu cử, cử tri 2 bản Huổi Khon 1, 2 đã tham gia thực hiện nghĩa vụ công dân, đạt tỷ lệ 100%. Điều đáng nói, cử tri 2 bản Huổi Khon dân đi bầu cử rất sớm (khoảng 9 rưỡi sáng bà con đã đi bầu cử xong) và là đơn vị bầu cử xong sớm nhất xã. Trong công tác phòng, chống Covid-19 cũng làm rất tốt, khi phát hiện người lạ thì báo với địa phương, tuyên truyền các gia đình có người thân đi làm ăn xa khai báo với địa phương, với y tế. Những con số này hàm chứa trong đó tình cảm, trách nhiệm, niềm tin sâu sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số 2 bản Huổi Khon đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Cũng giống như nhiều địa phương khác, việc nâng cao chất lượng tổ chức đảng và củng cố hệ thống chính trị ở bản Huổi Khon gặp không ít khó khăn; đặc biệt là trong công tác “tìm và tạo nguồn” phát triển đảng viên. Bởi hầu hết người dân đều trong độ tuổi lao động nên đi làm ăn xa không có điều kiện để ở nhà sinh hoạt; còn lại một bộ phận không tham gia hoạt động đoàn thể, không có hướng phấn đấu vào Ðảng. Dù vẫn còn những khó khăn, song Huyện ủy Mường Nhé, Ðảng ủy xã Nậm Kè đã chú trọng, tích cực tuyên truyền, vận động, mở rộng diện tạo nguồn trong các tổ chức hội, đoàn thể để quần chúng có hướng phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Ðảng. Cùng với việc cử cán bộ vào sinh hoạt tại bản, nhờ đó đến năm 2018, Chi bộ bản Huổi Khon đã được thành lập.
Cùng với sự cố gắng trên tất cả các lĩnh vực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, Điện Biên luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào có đạo với những giải pháp và cách làm sáng tạo hiệu quả. Là Trưởng bản Huổi Khon 2 và cũng là Trưởng nhóm đạo Tin lành Liên hữu cơ đốc, được sự tuyên truyền, vận động của địa phương, cơ quan chức năng, anh Thào A Gia đã trở thành nhân tố tích cực trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động bà con dân bản không nghe theo lời lôi kéo, dụ dỗ của kẻ xấu. Anh Gia chia sẻ: Cán bộ thường xuyên vào bản tuyên truyền cho bà con hoặc trao đổi với bà con về việc theo đạo chính thống thì chúng tôi cũng đã hiểu. Vì thế, giờ đây dân bản Huổi Khon 2 đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng rồi. Bản thân tôi đã được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và sắp tới sẽ phấn đấu trở thành đảng viên, và càng phải làm tốt việc tuyên truyền cho bà con cùng nhau chống cái tà đạo, không để bà con nghe và đi theo cái xấu, yên tâm lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Thiếu tá Hoàng Trọng Thảo, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Kè, cho biết: Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, Đồn đã phối hợp cùng với các cấp, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chỉ rõ những luận điệu hoang đường, lừa bịp của các đối tượng xấu. Qua đó, giúp người dân 2 bản Huổi Khon dần thay đổi nhận thức, khi hiểu ra cái sai thì họ sẽ tự giác quay về với phong tục tập quán, đạo chính thống. Đến nay, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động được 17 hộ theo tà đạo sang đạo chính thống. Và những năm gần đây, 2 bản Huổi Khon luôn là điểm sáng về giữ vững an ninh trật tự, với 100% bà con thực hiện cam kết đảm bảo an ninh trật tự với chính quyền địa phương, cũng như thực hiện nếp sống trật tự, văn minh trên địa bàn xã Nậm Kè…
Với sự nỗ lực, cố gắng vượt lên khó khăn của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc nơi đây, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, hôm nay diện mạo bản Huổi Khon đã đổi thay rõ rệt, với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống nhân dân ổn định và trở về với sự bình yên vốn có của vùng đất nơi cực Tây Tổ quốc…