Bài 3: Lan tỏa nếp sống văn hóa

“Ðảng viên đi trước”

>>>Bài 1: Từ chuyện làm vườn rau…

>>>Bài 2: … đến thói quen giữ vệ sinh

LCĐT - Năm 2019, toàn tỉnh có 144.224 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 1.627 thôn, tổ dân phố và 1.524 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và có 761/1.309 thôn hoàn thành tiêu chí văn hóa, 125/143 xã đạt tiêu chí văn hóa. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc tích cực của đội ngũ đảng viên trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa.

Anh Lù Văn Páo (trái ảnh) thường xuyên gặp, vận động các hộ dân không tổ chức tảo hôn cho con, cháu.

Anh Lù Văn Páo (trái ảnh) thường xuyên gặp, vận động các hộ dân không tổ chức tảo hôn cho con, cháu.

Chi bộ thôn Nậm Sang, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) có hơn 20 đảng viên, 100% là đồng bào dân tộc Xa Phó. Những năm trước, người Xa Phó vẫn còn nhiều hủ tục như kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, thách cưới cao… Để xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, chi bộ thôn đã đề ra nhiều biện pháp,đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của đảng viên.

Trong mắt người dân thôn Nậm Sang, ông Hù Nụ Phệ, Bí thư Chi bộ thôn chính là “cầu nối” giúp họ hiểu hơn những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là người dám đứng lên xóa bỏ những hủ tục giúp bà con trong thôn có cuộc sống văn minh hơn. Ở tuổi lục tuần, ông Phệ vẫn dành thời gian đến từng hộ trong thôn để tuyên truyền người dân xây dựng nếp sống văn hóa. 20 năm trước, khi được tín nhiệm đảm nhận chức vụ Bí thư Chi bộ, ông Phệ luôn trăn trở làm sao giúp đồng bào Xa Phó xóa bỏ được hủ tục trong hôn nhân. Ông tìm đọc nhiều sách, báo nói về những hệ lụy do hôn nhân cận huyết, nạn tảo hôn, thách cưới để có căn cứ tuyên truyền cho người dân. Những dẫn chứng trong sách báo, có cả “người thật việc thật” ở thôn được ông nêu ra đã thuyết phục được nhiều người dân trong thôn. Không chỉ tuyên truyền tại các buổi họp thôn, ông Phệ còn đến từng nhà vận động, giải thích cho bà con hiểu. “Mưa dầm thấm lâu”, đồng bào Xa Phó ở Nậm Sang dần dần không cho con em kết hôn cận huyết thống, đám cưới diễn ra theo đúng nếp sống văn hóa...

Là đảng viên có thời gian công tác tại Hội Phụ nữ xã Nậm Sài (nay là xã Liên Minh), thị xã Sa Pa nên chị Giàng Mu Mạ được chi bộ giao nhiệm vụ vận động chị em trong thôn giữ gìn văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Khi còn tham gia công tác hội, chị Mạ đã tham mưu thành lập câu lạc bộ thổ cẩm, đồng thời huy động hội viên phụ nữ tham gia, vừa góp phần giữ nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập từ bán sản phẩm. Chị còn vận động phụ nữ trong thôn thành lập đội văn nghệ truyền thống gồm gần 20 thành viên. Hiện nay, khi không còn tham gia công tác tại xã, chị Mạ có thêm thời gian sưu tầm những làn điệu dân ca, dân vũ cho đội văn nghệ luyện tập để biểu diễn, tạo được dấu ấn cho du khách mỗi khi đến Nậm Sang.

Còn chàng trai trẻ Lù Văn Páo, tròn 20 tuổi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là người con dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Ngam Lâm, xã Nấm Lư (Mường Khương) nên anh hiểu những hủ tục vẫn còn ở quê mình như tảo hôn, tổ chức đám cưới nhiều ngày, tục thách cưới cao... Khi Chi bộ thôn Ngam Lâm ra nghị quyết, trong đó có mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa, xóa hủ tục trong hôn nhân, trong tổ chức việc tang thì 14 đảng viên đã vào cuộc rất tích cực. Khi giữ vai trò Bí thư Chi bộ, mỗi ngày anh Páo đều dành thời gian đến từng nhà vận động bà con xóa hủ tục trong việc hiếu, việc hỉ. “Nếu tôi để dòng họ mình có người tảo hôn, thách cưới cao thì không thể vận động hộ khác làm theo, vì thế, tôi đã vận động gia đình, người thân của mình thực hiện nếp sống văn hóa trước, từ đó bà con trong thôn nhìn vào đó làm theo. Kết quả là từ 2013 đến nay, thôn không còn tình trạng tảo hôn, việc thách cưới, tổ chức ăn uống nhiều ngày”, anh Páo nói.

Nằm cheo leo trên ngọn núi cao, thôn Tả Cổ Thàng, xã Trịnh Tường (Bát Xát) có 52 hộ dân tộc Mông sinh sống. Thôn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, giao thông nối các hộ trong thôn còn hạn chế, kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Trong cộng đồng người Mông nơi đây vẫn còn một số tập tục lạc hậu như tảo hôn, thách cưới, thả rông gia súc… Để khắc phục tình trạng này, Chi bộ thôn Tả Cổ Thàng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên vận động người dân xóa hủ tục, trước tiên bắt đầu từ chính gia đình, dòng họ mình. Đến nay, cuộc sống của người dân Tả Cổ Thàng đã có những đổi thay rõ rệt:100% trẻ em đến tuổi đi học đều đến trường; tình trạng tảo hôn, thách cưới, tổ chức đám cưới nhiều ngày không còn. Năm 2014, dù còn nhiều khó khăn nhưng các hộ vẫn tự nguyện hiến đất, góp công xây dựng nhà văn hóa thôn.

Anh Vừ A Các, Bí thư Chi bộ Tả Cổ Thàng cho biết,14 đảng viên trong chi bộ luôn đoàn kết, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, cho con cháu đi học đầy đủ, giữ vệ sinh môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới. Chi bộ luôn yêu cầu các đảng viên phải nêu cao tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của dân để xây dựng tập thể thôn đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các đảng viên trong chi bộ, đến nay, Tả Cổ Thàng chỉ còn 12% hộ nghèo (riêng năm 2019 có 5 hộ thoát nghèo), thôn có hơn 60% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Thôn San Bang, xã Bản Vược (Bát Xát) có gần 100 hộ đồng bào Dao sinh sống thì có hơn 40 hộ khá, giàu, chỉ còn 3 hộ nghèo, hơn 80% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và nhiều năm liên tục không có trường hợp tảo hôn, sinh con thứ 3. Thành tích này là nhờ chi bộ thôn đã phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo Nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Trước năm 2015, San Bang vẫn tồn tại tình trạng để người chết trong nhà hơn 3 ngày và làm cỗ dài ngày gây tốn kém cho gia đình có người mất. Chi bộ thôn đã họp và đưa ra biện pháp vận động người dân xóa hủ tục, mũi đột phá là phân công các đảng viên cao tuổi, có uy tín vào cuộc trước để tạo hiệu ứng ngay từ đầu. Nhờ đó, đời sống văn hóa của người dân địa phương đã thay đổi, tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ.

Trong câu chuyện với nhiều người dân ở các thôn, bản chúng tôi từng qua, bà con đều khẳng định vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng, sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên trong thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước, xây dựng nếp sống văn minh, trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo.

Bài 4: Không thể nghèo mãi

Thu Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-3-lan-toa-nep-song-van-hoa-z62n20200713082459388.htm