Bài 3: Lính đảo với nghi lễ và văn hóa nơi đầu sóng

Giữa bao la sóng nước và trời xanh ngút ngàn, những nghi lễ chào cờ hay cách các chiến sĩ chào nhau trên đảo nhỏ đã trở thành những khuôn hình chuẩn mực, không chỉ mang nét trang nghiêm mà còn hàm chứa nền văn hóa ứng xử đặc thù của người lính đảo xa. Từ nghi lễ chào cờ, cách đặt bàn thờ Bác Hồ cho đến những buổi sinh hoạt Chi đoàn, tất cả đã tạo nên một bức chân dung sinh động về nền văn hóa quân ngũ giữa đảo xa, nơi mà Tổ quốc hiện hữu bằng gió, bằng sóng và bằng nhịp tim từng người lính.

Nghi lễ quân đội giữa trùng khơi

Mỗi sáng thứ Hai, dù trời nắng hay mưa, dù sóng biển có ào ào sôi động cỡ nào, cờ Tổ quốc vẫn được kéo lên nghiêm trang trong tiếng Quốc ca. Lễ chào cờ trên các đảo Trường Sa là nghi lễ trang trọng nhưng cũng gần gũi đối với mỗi chiến sĩ. Mỗi lần chào cờ là một lần nhắc nhở mình về trách nhiệm bảo vệ biển đảo, về danh dự của Tổ quốc nối dài trên đường chân trời. Tư thế đứng nghiêm, ánh mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật giữa nền trời và tiếng sóng, trở thành khoảnh khắc thiêng liêng, lắng đọng giữa đời lính.

 Nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn.

Nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn.

Không chỉ có Lễ chào cờ, Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên biển cũng được diễn ra đều đặn, đặc biệt vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, Quốc khánh, hay các sự kiện trọng đại của đất nước. Trên nền nhạc trầm buồn, từng chiến sĩ tới trước bia tưởng niệm, đặt vòng hoa, thắp nhang và cùng nhau cúi đầu tưởng niệm. Nơi đầu sóng ngọn gió, nghi lễ đó như một lời thề nguyện lặng lẽ và mãnh liệt của thế hệ hôm nay đối với những người đi trước. Gió biển như cũng ngừng thổi, sóng như dừng lại, nhường chỗ cho phút mặc niệm âm thầm mà hùng tráng. Từng cử chỉ, từng bước chân đều toát lên sự trang nghiêm và niềm tự hào. Dẫu xa đất liền, dẫu giữa muôn trùng nước mặn, người lính đảo vẫn giữ trọn vẹn nề nếp và nghi lễ của Quân đội nhân dân Việt Nam, những nghi lễ góp phần hình thành bản sắc văn hóa quân ngũ nơi đảo tiền tiêu.

 Chuẩn bị hoa và hạc giấy tri ân các chiến sĩ Gạc Ma.

Chuẩn bị hoa và hạc giấy tri ân các chiến sĩ Gạc Ma.

Giữa đại dương mênh mông, khi tàu qua khu vực Gạc Ma – nơi từng thấm máu những người lính giữ đảo vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, thủy thủ đoàn và cán bộ chiến sĩ trên tàu thường tổ chức một nghi lễ đặc biệt: Lễ thả vòng hoa tưởng niệm. Không cần sân khấu, không ánh đèn, nghi lễ ấy chỉ có gió biển, sóng nước, tiếng Quốc ca trầm hùng và những tấm lòng thầm lặng cúi đầu trước lịch sử. Chiếc vòng hoa được kết cẩn thận, đặt trang trọng trên mặt nước. Mỗi cánh hoa là một lời tri ân, một nén hương gửi đến những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trên boong tàu, mọi người đứng nghiêm, mắt hướng về phía biển xanh thẳm. Người dẫn lễ đọc chậm rãi danh sách 64 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tại đảo Gạc Ma. Từng cái tên như vang lên giữa sóng gió, như còn đó, chưa từng rời xa.

 Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng hy sinh.

Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng hy sinh.

Vòng hoa từ từ được thả xuống biển, trôi theo làn sóng nhẹ, mang theo bao xúc cảm nghẹn ngào. Không ai nói gì, chỉ có tiếng sóng thì thầm như lời ru vĩnh viễn dành cho những người con bất tử. Trong khoảnh khắc đó, không gian như lắng đọng, biển lặng lại, gió dường như cũng ngừng thổi để tiễn biệt. Đây không chỉ là một nghi lễ quân đội. Đó là một hành vi văn hóa sâu sắc, một hình thức tưởng niệm mang dấu ấn tâm linh và bản sắc Việt. Bằng sự trang nghiêm và kính cẩn, người lính hôm nay đang nối dài mạch nguồn tri ân, để những người ngã xuống không chỉ được ghi nhớ trong sách sử, mà còn hiện diện trong từng chuyến tàu, từng nhịp tim của những người lính và nhân dân cả nước.

 Vòng hoa trôi dần về phía đảo Gạc Ma.

Vòng hoa trôi dần về phía đảo Gạc Ma.

Và cứ thế, mỗi khi tàu đi qua Gạc Ma, vòng hoa lại nhẹ nhàng trôi về phía chân trời, nơi hoàng hôn và lịch sử gặp nhau, nơi ký ức được giữ gìn bằng lòng biết ơn và niềm kiêu hãnh. Gạc Ma – không chỉ là một địa danh, mà là lời nhắc nhở bất tận về chủ quyền, về hy sinh và về một đất nước không bao giờ quên những đứa con của mình.

 Các đại biểu thả hoa và hạc giấy tri ân các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.

Các đại biểu thả hoa và hạc giấy tri ân các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.

Văn hóa ứng xử của người lính đảo

Khác với hình dung cứng nhắc về quân ngũ, những ngày tháng sống trên đảo mang đến một nền văn hóa ứng xử linh hoạt, đầy nhân văn. Cách chào nhau giữa các chiến sĩ với đặc trưng hô to “Chào đảo!” như lời khẳng định sự hiện diện và gắn kết. Câu chào ấy không đơn thuần là lời xã giao, mà là tín hiệu nhận diện, là sợi dây liên kết thầm lặng giữa những người lính canh giữ biển trời Tổ quốc. Một cánh tay giơ cao, một câu hô vang giữa biển trời rộng lớn, đó không chỉ là thao tác quân sự mà là một nghi thức kết nối giữa con người với đại dương, giữa người lính với Tổ quốc. Với các đoàn công tác như tàu KN390 của chúng tôi, khi gần đến đảo bao giờ cũng kéo 3 hồi còi chào đảo và khi kết thúc chuyến công tác tại đảo, tất cả cùng tập hợp nơi boong trái tàu để làm nghi lễ chào đảo. Chỉ đơn giản và bình dị vậy thôi, nhưng ai cũng thấy ấm áp lạ thường.

 Các chiến sĩ trẻ trong giờ nghỉ giải lao.

Các chiến sĩ trẻ trong giờ nghỉ giải lao.

Trong nhà ở, bàn thờ Bác Hồ luôn được đặt trang nghiêm, sáng đèn, dù là trên những đảo nhỏ như Song Tử Tây, Len Đao. Mỗi sáng, sau giờ thể dục, các chiến sĩ lại dành thời gian đọc báo, kể chuyện Bác Hồ, ôn lại truyền thống và lịch sử dân tộc. Những hoạt động ấy, tưởng chừng đơn giản, lại chính là cách người lính tự rèn luyện bản thân, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng và giữ gìn “ngọn lửa đỏ” trong tim. Buổi sinh hoạt Chi đoàn được tổ chức đều đặn mỗi tuần, nơi mà những vấn đề nhỏ nhất trong đơn vị được đưa ra chia sẻ, góp ý chân tình. Ở đó, không có khoảng cách giữa chỉ huy và chiến sĩ, không có rào cản giữa các vùng miền. Tất cả là một tập thể thống nhất, cùng nhau vì nhiệm vụ, cùng nhau vun đắp tình đồng đội. Chính những phút giây sinh hoạt đời thường như vậy đã tạo nên một nền văn hóa ứng xử thấm đẫm tình người, làm ấm lòng nơi đảo xa.

 Các cán bộ VKSND tối cao chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ trên đào.

Các cán bộ VKSND tối cao chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ trên đào.

Dù điều kiện còn nhiều thiếu thốn, nhưng các chiến sĩ Trường Sa vẫn duy trì nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí phong phú. Trên sân đá bóng gắn bên tháp canh, trên sân khấu dã chiến có bàn ghế bằng tre, bằng gỗ, đêm văn nghệ tự dàn dựng của lính đảo diễn ra đầy hào hứng. Từ hát dân ca ba miền, các tiếng hát của biển, đến những tiếng đàn guitar, đêm phim, thi vẽ tranh, viết thơ.. tất cả đã làm nên một không gian văn hóa đặc trưng giữa trùng khơi. Nhiều chiến sĩ còn tự tay làm đồ mỹ nghệ, nhặt vỏ ốc, mảnh đá san hô làm tranh, đan lá dứa làm quà lưu niệm. Những món quà, mỗi khi tàu đổ bờ mang về đất liền đậm tình người lính, vừa mang theo cả sóng, cả mùi vị mặn mòi của biển, vừa mùi của đất, của tình người. Mỗi món quà là một câu chuyện, là cả một quãng thời gian phục vụ thiêng liêng giữa đảo xa.

 Giao lưu văn hóa văn nghệ trên đảo.

Giao lưu văn hóa văn nghệ trên đảo.

Văn hóa đọc cũng được chú trọng. Tủ sách chiến sĩ không khi nào vơi sách mới, sách báo từ đất liền gửi ra được chia nhau đọc kỹ, rồi đọc lại trong giờ giải lao. Những cuốn sách ấy, với người lính đảo, quý như lương khô tinh thần, giúp họ giữ được tâm thế bình tĩnh, lạc quan, tiếp tục vững tay súng giữa muôn trùng sóng gió. Những ngày lễ lớn, sinh nhật Bác, Quốc khánh, Tết Nguyên đán… đều được tổ chức chu đáo. Có bánh chưng tự gói, có cây nêu dựng giữa sân, có tiếng trống hội và những tràng pháo tay giòn giã. Giữa đại dương, hương Tết vẫn ngát thơm, lòng người lính vẫn ấm áp như đang ở quê nhà. Văn hóa không chỉ giúp nối dài đất liền trong tâm thức, mà còn tiếp thêm sức mạnh để người lính vượt qua mọi gian khó, giữ vững tay súng.

Văn hóa quân ngũ là niềm tự hào của những người lính

Từ những nghi lễ trang nghiêm đến đời sống gần gũi, từ những buổi sinh hoạt tập thể đến tình đồng đội thắm đượm, văn hóa quân ngũ ở Trường Sa là một di sản sống động, là minh chứng cho tình yêu nước, cho sự kiên cường và nhân văn Việt Nam. Trong mỗi người chiến sĩ đảo không chỉ là người lính gác biển, mà họ còn là những "người giữ lửa văn hóa", giữ cho Trường Sa không chỉ là pháo đài thép giữa biển khơi mà còn là ngọn đuốc sáng của văn hóa Việt Nam đương đại.

 Chiến sĩ quần đảo Trường Sa luôn vững vàng nơi đảo tiền tiêu.

Chiến sĩ quần đảo Trường Sa luôn vững vàng nơi đảo tiền tiêu.

Và hơn cả một nhiệm vụ, đó là sứ mệnh. Sứ mệnh gìn giữ cột mốc chủ quyền bằng văn hóa, bằng nhân cách và bằng cả những nghi thức đời thường giản dị. Văn hóa quân ngũ ở Trường Sa chính là ngọn gió lành tiếp nối mạch nguồn dân tộc, là nơi mà từng lời chào, từng ánh mắt chiến sĩ đều hướng về đất mẹ, nơi thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi con người Việt Nam.

Hoàng Long

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/bai-3-linh-dao-voi-nghi-le-va-van-hoa-noi-dau-song-178085.html