Khi niềm tự hào văn hóa trở thành động lực

Hàng nghìn người đổ về Bảo tàng Khảo cổ học Tô Châu mới khai trương, không phải để giải trí, mà để kết nối với lịch sử hàng nghìn năm tuổi, một xu hướng đang lan rộng khắp Trung Quốc trong bối cảnh niềm tự hào văn hóa dân tộc ngày càng tăng.

Khách thăm quan Bảo tàng Khảo cổ học Tô Châu, tỉnh Giang Tô,Trung Quốc. Anh: Xinhua

Khách thăm quan Bảo tàng Khảo cổ học Tô Châu, tỉnh Giang Tô,Trung Quốc. Anh: Xinhua

Ngày khai trương Bảo tàng Khảo cổ học Tô Châu, Cheng Yi – người quản lý bảo tàng – chỉ dự kiến đón khoảng 3.000 đến 4.000 khách, phần lớn là giới chuyên môn.

Nhưng thực tế đã khiến ông bất ngờ: gần 8.000 người đã tới trong ngày đầu tiên, trong đó nhiều người là du khách phổ thông, cả trong và ngoài thành phố.

Tọa lạc tại thành phố Tô Châu ở phía đông tỉnh Giang Tô, bảo tàng mở cửa vào ngày 17.5, ngay trước Ngày Du lịch Trung Quốc (20.5) và Ngày Bảo tàng Quốc tế (18.5), tạo thêm lực đẩy cho một làn sóng du lịch khảo cổ học đang bùng nổ trên khắp Trung Quốc.

Từng là lĩnh vực mang tính học thuật chuyên sâu, khảo cổ học giờ đây thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng. Từ các bảo tàng danh tiếng như Cố Cung Bắc Kinh, đến các di tích xa xôi như đèo Yanmen ở Sơn Tây, người dân Trung Quốc đang háo hức tìm về quá khứ.

Tại Bảo tàng Khảo cổ học Tô Châu, những hiện vật gốc được trưng bày sau khi trải qua khai quật và xác minh khoa học. Du khách chen chân bên các trưng bày, liên tục đặt câu hỏi: “Ai được chôn ở đây?”, “Di vật này dùng để làm gì?”, “Có thật không?”.

Một điểm nhấn thu hút đặc biệt là ngôi mộ lớn thời Đông Ngô, được cho là của gia tộc Tôn Quyền, vị vua sáng lập nước Ngô thời Tam Quốc. Sau nhiều năm bị lưu kho vì thiếu không gian trưng bày, các phần của ngôi mộ nay được tái dựng trong bảo tàng, cho phép du khách trực tiếp chiêm ngưỡng cấu trúc và thiết kế nguyên bản.

Theo ông Cheng Yi, sự bùng nổ du lịch khảo cổ không đơn thuần là một trào lưu. Nó phản ánh niềm tự hào ngày càng lớn của người dân Trung Quốc với lịch sử và văn hóa dân tộc, trong bối cảnh quốc gia ngày càng phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

“Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, người ta không nghĩ nhiều đến khảo cổ. Nhưng giờ đây, với đời sống vật chất ổn định, họ bắt đầu quan tâm đến cội nguồn”, ông nói.

Ông Cheng cũng nhấn mạnh vai trò của dự án quốc gia nhằm truy tìm nguồn gốc nền văn minh Trung Hoa, một chương trình được chính phủ Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ, gắn liền với khái niệm “phục hưng văn minh Trung Hoa”.

Bảo tàng không chỉ trưng bày hiện vật, mà còn giới thiệu các phương pháp khai quật, công cụ khảo cổ và công nghệ ứng dụng như thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này giúp xóa bỏ định kiến phổ biến rằng khảo cổ học chỉ là “đào mộ”.

“Chúng tôi muốn công chúng hiểu rằng khảo cổ học là một ngành khoa học, có hệ thống, có bằng chứng, và có khả năng kể chuyện”, ông Cheng chia sẻ.

Sự hòa trộn giữa yếu tố khoa học, thẩm mỹ và cảm xúc đang tạo ra một trải nghiệm mới mẻ cho du khách ở mọi lứa tuổi. Từ người cao tuổi từng chơi trên những gò đất của ngôi mộ thời thơ ấu, đến một bé gái 9 tuổi mơ ước làm nhà khảo cổ sau khi nhìn thấy một chiếc trâm cài tóc cổ – lịch sử không còn nằm trong sách giáo khoa, mà hiện hữu trước mắt và chạm vào cảm xúc.

Nhiều hiện vật tại bảo tàng là những hiện vật mới được phát hiện giúp lấp đầy những khoảng trống trong kiến thức khảo cổ học từ nền văn hóa Lương Chử thời đồ đá mới, đến thời Xuân Thu và Chiến Quốc (770 TCN-221 TCN) và xa hơn nữa.

Theo ông Cheng, khi Trung Quốc tiếp tục đầu tư cho các bảo tàng, đặc biệt trong bối cảnh mỹ học truyền thống ngày càng được ưa chuộng, những không gian kết nối quá khứ như Bảo tàng Khảo cổ học Tô Châu sẽ ngày càng phổ biến.

Không chỉ là nơi trưng bày, những bảo tàng này đang trở thành biểu tượng cho niềm tin vào văn hóa bản địa và vai trò của lịch sử trong xây dựng bản sắc hiện đại.

Và trong quá trình đó, khảo cổ học không còn là một ngành khô khan, mà trở thành một phần sống động của đời sống văn hóa đương đại Trung Quốc.

Theo Global Times

N. THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/khi-niem-tu-hao-van-hoa-tro-thanh-dong-luc-136072.html