Bài 3: Nhiệt điện than trước thách thức chuyển đổi xanh
Chuyển đổi nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện than nhằm đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 đang đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Hơn 2,4 nghìn tỷ đồng cho nâng cấp hệ thống xử lý khí thải
Việc chuyển đổi xanh trong các nhà máy nhiệt điện than là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên điều các doanh nghiệp mong muốn là sớm có những hướng dẫn và cả cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà máy trong quá trình chuyển đổi.
Trước đó vào cuối tháng 3/2024, tại cuộc họp kỹ thuật "Đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050", do Viện Năng lượng và UNDP Việt Nam tổ chức trong đó thảo luận về lộ trình chuyển đổi từ sản xuất nhiệt điện than sang các giải pháp thay thế bền vững.
![Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_35_51430900/ecee9eeaa4a44dfa14b5.jpg)
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hường
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Năng lượng Việt Nam, cho biết ngành sản xuất điện hiện dẫn đầu về phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 29,08% tổng phát thải khí nhà kính cả nước.
Trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, lĩnh vực năng lượng sẽ phải cắt giảm khoảng 32,6% lượng khí nhà kính. Trong đó, lĩnh vực nhiệt điện phải cắt giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính.
"Mục tiêu đến năm 2050, sẽ không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, với tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, sản xuất 72,5 - 80,9 tỷ kWh/năm"- ông Trung thông tin.
Rõ ràng, xu thế dần "loại bỏ" nhiên liệu than trong các nhà máy điện là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên trong 31 nhà máy nhiệt điện than hiện nay của Việt Nam, mỗi nhà máy có những điều kiện về công nghệ, quy mô đầu tư, địa bàn đầu tư khác nhau... nên các quy định về tiêu chuẩn khí thải và môi trường cũng vì thế khác nhau, do vậy mức đầu tư ban đầu của dự án/kW cũng khác nhau.
Để có cái nhìn đa chiều và chính xác, với sự hỗ trợ từ Tổng Công ty Phát điện 1, điểm dừng chân tiếp theo của tôi là một nhà máy nằm ngay bên bờ Vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) - Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh do Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh quản lý, vận hành.
Được đầu tư xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XXI gồm 4 tổ máy với tổng công suất 1.200MW, khi đó Nhà máy nằm trên địa bàn huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh), đến nay sau 22 năm hoạt động với tốc độ đô thị hóa, địa danh hành chính Hoành Bồ giờ không còn và được sáp nhập với thành phố Hạ Long, đồng nghĩa nhà máy nằm trong thành phố, như vậy các tiêu chuẩn, kỹ thuật về môi trường khí thải sẽ phải đáp ứng cao hơn.
Ông Nguyễn An Đông – Phó Trưởng phòng An toàn môi trường - Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết: Tại phòng điều khiển trung tâm của nhà máy, chúng tôi đã đầu tư hệ thống giám sát khí thải, nước thải, khói thải tự động và được truyền trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh.
Theo ông Đông, công ty thường xuyên nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống kiểm soát nguồn thải để đảm bảo môi trường tốt nhất cho nhà máy và khu vực xung quanh.
![Ông Nguyễn An Đông - Phó Trưởng phòng An toàn môi trường- Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_35_51430900/862bf52fcf61263f7f70.jpg)
Ông Nguyễn An Đông - Phó Trưởng phòng An toàn môi trường- Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh
Đối với việc xử lý chất thải, công ty thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, thuê đơn vị có đủ chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại, dọn, rửa đường… thiết bị hệ thống nước tuần hoàn được đầu tư để đảm bảo nước thải làm mát ra ngoài môi trường theo quy chuẩn.
“Đồng thời, cải tạo cảnh quan, môi trường xanh trong công ty, tạo môi trường xanh sạch đẹp. Phát động các phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến cải tiến về môi trường như giảm nước thải ra ngoài môi trường, nâng cao hiệu suất của các tổ máy đã được thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế- môi trường- xã hội”- ông Đông cho hay.
Khi được hỏi về những chuẩn bị của công ty đảm bảo nâng cấp hệ thống xử lý môi trường theo dự thảo Quy chuẩn quốc gia mới thay thế QCVN 22:2009/BTNMT, ông Nguyễn An Đông cho biết, theo ước tính chi phí đầu tư cho dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, môi trường theo quy chuẩn mới ước tính khoảng trên 2,3 -2,4 nghìn tỷ đồng. “Nếu không có chính sách hỗ trợ cụ thể để công ty có đủ kinh phí để nâng cấp hệ thống xử lý khí thải thì công ty khó có thể thực hiện được”- ông Đông thông tin.
"Nằm trên di sản, ăn trên di sản và nghỉ trên di sản thì mình phải có trách nhiệm"
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Việt Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết: Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Hạ Long – nơi có Vịnh Hạ Long được UNESCO nhiều lần công nhận là Di sản thiên nhiên của Thế giới, nên chúng tôi ý thức rất rõ “Nằm trên di sản, ăn trên di sản và nghỉ trên di sản” mình phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ môi trường, cảnh quan thiên nhiên của vùng Vịnh.
Khi có chủ trương sáp nhập huyện Hoành Bồ với thành phố Hạ Long vào năm 2029 việc yêu cầu về môi trường, phát triển xanh đối với thành phố trong đó trọng điểm là Nhiệt điện Quảng Ninh đã được đặt ra. Do vậy, từ năm 2020 đến nay, Ban lãnh đạo Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cùng tập thể người lao động đã quyết tâm đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh sao cho hiệu quả đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho nền kinh tế cũng như đáp ứng môi trường của vùng di sản Vịnh Hạ Long.
![Ông Nguyễn Việt Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_35_51430900/7f050e01344fdd11845e.jpg)
Ông Nguyễn Việt Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh
“Chúng tôi đã quy hoạch lại cảnh quan công ty và nhà máy, tập trung phát triển văn hóa doanh nghiệp, cải thiện môi trường sống và làm việc của người lao động, tạo sự thoải mai cho người lao động khi bước vào công ty. Giờ đây người lao động làm việc trong nhà máy nhưng không khác gì trong công viên xanh”- ông Dũng nhấn mạnh.
Để có được điều đó, đã có trên 70% diện tích khuôn viên của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh được bao phủ bởi cây xanh, với nhiều chủng loại từ cây lấy bóng mát, cây ăn quả, hoa, cây cảnh và thảm cỏ… Phấn đấu phủ xanh trên 90% khuôn viên là mục tiêu mà Nhiệt điện Quảng Ninh đề ra.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi xanh của nhà máy trong đó trọng tâm là chuyển đổi nhiên liệu, ông Dũng cho hay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Phát điện 1 đã chỉ đạo các công ty nhiệt điện trực thuộc trong đó có Nhiệt điện Quảng Ninh phối hợp với các chuyên gia của Đan Mạch triển khai nghiên cứu để phát điện linh hoạt và giải pháp chuyển đổi nguồn nhiên liệu để sản xuất điện sạch.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các bên tư vấn để đưa ra chương trình chuyển đổi có hiệu quả”- ông Dũng nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp cổ phấn hóa với các cổ đông gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) và Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), nên Nhiệt điện Quảng Ninh đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các chủ sở hữu trong triển khai thực hiện công tác đầu tư, bảo vệ môi trường.
Hiện công ty đã phối hợp với Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nghiên cứu xử lý khí thải để đảm bảo môi trường cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đảm bảo dự thảo Quy chuẩn quốc gia mới thay thế QCVN 22:2009/BTNMT.
![Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh phấn đấu phủ xanh trên 90% diện tích khuôn viên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_35_51430900/3179467d7c33956dcc22.jpg)
Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh phấn đấu phủ xanh trên 90% diện tích khuôn viên
“Lộ trình từ nay đến năm 2030 phải chuyển đổi nguồn nhiên liệu để giải quyết được thì sau khi đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp, có giải pháp sử dụng nhiên liệu như thế nào thì chúng tôi mới tiến hành các công việc tiếp theo như: thực hiện thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết dây chuyền công nghệ rồi mới tiến hành đầu tư”- ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, việc đáp ứng xử lý khí thải theo quy chuẩn mới và sau đó chuyển đổi nguồn nhiên liệu cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp khi đầu tư, các bước đầu tư cần có thời gian và có sự chuẩn bị về nguồn lực.
Thu hồi chi phí đầu tư qua giá điện là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp
Theo ông Dũng, hiện vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh từ năm 2020 đến nay không thay đổi và đều chi trả cổ tức trên 10%, có thời điểm trên 20%.
“Đối với công ty cổ phần thì nguồn lực đó phải được sự đồng ý của cổ đông và phải chứng minh được hiệu quả kinh tế. Mặc dù đã có thông tư cho phép EVN được phép điều chỉnh giá điện khi giá đầu vào tăng lên tuy nhiên EVN cũng rất cẩn trọng, đơn vị nào lỗ mới xem xét điều chỉnh- đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với chúng tôi khi chuyển đổi, thời gian kéo dài. Do vậy, việc thu hồi chi phí đầu tư qua giá điện là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp”- ông Dũng cho hay.
Ngay từ đầu, Nhiệt điện Quảng Ninh được thiết kế dây chuyền công nghệ sử dụng than nội địa, than cám 6a, 5b và 5a. Với việc phát triển các nhà máy khác trong đó có các nhà máy BOT, để đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, TKV phải nhập khẩu than và phối trộn cung cấp cho các nhà máy.
“Vài năm gần trở lại đây tiêu chuẩn than do TKV cung cấp thay đổi liên tục, không phù hợp với thiết kế công nghệ lò hơi ban đầu của nhà máy điều này đã ảnh hưởng đến công tác sản xuất. Sự cố bục ống sinh hơi xảy ra nhiều hơn do việc sử dụng nguồn than trộn và các nhà máy chưa tìm ra được phương án hợp lý để hiệu chỉnh lò máy”- ông Dũng cho biết và chia sẻ, thời gian đầu sử dụng than trộn có năm nhà máy phải ngừng 50-60 lần để sửa chữa mỗi lần 3-5 ngày, từ năm 2020 trở lại đây với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật từng bước tìm ra giải pháp, trung bình mỗi năm chỉ còn khoảng 7-13 sự cố chủ quan.
Cùng với đó, các cán bộ, công nhân kỹ thuật của công ty sau thời gian vận hành bất thường do tiêu chuẩn nhiên liệu thay đổi đã xây dựng được đặc tính kinh tế của lò hơi và ảnh hưởng suất tiêu hao nhiệt, càng giảm suất tiêu hao nhiệt càng tiết kiệm được tài nguyên và khoáng sản, giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất điện.
![Một góc Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_35_51430900/0b857e8144cfad91f4de.jpg)
Một góc Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh
Theo ông Dũng, các doanh nghiệp khi đầu tư đều phải có giải pháp để thu hồi và sinh lời trong đầu tư. Đặc biệt là đưa vào giá điện các chi phí liên quan trong thiết kế phê duyệt ban đầu là không có. Do vậy, giờ đầu tư nâng cấp nhà máy để thực hiện thêm các nội dung khác so với thiết kế ban đầu thì rất cần có cơ chế chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
“Liên quan đến câu chuyện thu hồi chi phí đầu tư qua giá điện là điều được quan tâm nhất đối với tất cả các nhà máy nhiệt điện chứ không riêng Nhiệt điện Quảng Ninh”- ông Dũng khẳng định.
Ông băn khoăn, giải pháp công nghệ đốt sinh khối không có gì khó khăn, trên thế giới đã thực hiện rồi, giờ là cách thức triển khai, hành lang pháp lý cho phép triển khai, và những đánh giá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh như thế nào vì khi triển khai sẽ dừng sản xuất điều này sẽ làm giảm doanh thu và khiến doanh nghiệp có thể bị lỗ nặng đồng thời ảnh hưởng đến nguồn cung điện cho nền kinh tế.
“Vừa phải chuyển đổi công nghệ vừa phải đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu của hệ thống, đây là thách thức với chúng tôi”- ông Dũng nhấn mạnh.
Quy hoạch điện VIII cho thấy việc chuyển đổi từ năng lượng than sang các nguồn năng lượng sạch là cấp bách. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết.
Trong khi chờ lộ trình chuyển đổi năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện than, sửa đổi Quy chuẩn 22:2009/BTNMT - Quy chuẩn về khí thải công nghiệp nhiệt điện để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu ngày cao về bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương đã tăng cường chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện đầu tư cải tạo, nâng cấp thiết bị máy móc và hệ thống bảo vệ môi trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu chất lượng môi trường theo phân vùng môi trường được phê duyệt tại quy hoạch phát triển của địa phương. Chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện nghiên cứu, thí nghiệm việc pha trộn giữa than nội địa với than nhập khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế, an toàn và đảm bảo tốt hơn về môi trường như giảm lượng phát thải, tro xỉ, khí thải. Tập trung huy động phát điện từ những nhà máy nhiệt điện mới có hiệu suất cao, đáp ứng tốt các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Còn tiếp...