Bài 3: Nhiều sự cố tai biến liên quan đến làm đẹp 'siêu tốc'
Theo bác sĩ da liễu, đã có rất nhiều sự cố tai biến liên quan đến vấn đề làm đẹp 'siêu tốc' khiến nhiều khách hàng cũng là nạn nhân phải hối tiếc khi mang di chứng suốt đời.
Nhiều nạn nhân phải hối tiếc
Những năm gần đây, các dịch vụ thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy (filler) và botox để làm đẹp ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều trường hợp biến chứng nghiêm trọng do làm đẹp từ tiêm chất làm đầy, botox.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, trong quá trình làm nghề TS.BS Nguyễn Thái Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Nghệ An cho biết, trong quá trình khám chữa bệnh chuyên khoa da liễu bác sĩ đã gặp khá thường xuyên những trường hợp bị biến chứng do tiêm filler (do những cơ sở không có chuyên môn thực hiện).
“Các trường hợp biến chứng do tiêm filler khi đến với bác sĩ thường là trong tình trạng có thể sưng to, biến dạng vùng tiêm hoặc u hạt theo vị trí tiêm, nặng hơn có thể có ổ áp xe do nhiễm trùng, viêm mô tế bào lan tỏa”, BS. Dũng cho biết.
Hiện nay, có không ít cơ sở làm đẹp, thậm chí chỉ spa nhưng quảng cáo đào tạo học viên tiêm filler, botox, không ít người đã tin và đến học rồi trở thành những “bác sĩ” tiêm cho khách hàng.
Theo Theo Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Nghệ An, những hệ lụy của việc đào tạo ra những học viên này đó là rất nhiều sự cố tai biến liên quan đến vấn đề làm đẹp “siêu tốc” khiến nhiều khách hàng cũng là nạn nhân phải hối tiếc khi mang di chứng suốt đời, nặng nề như: Bị thuyên tắc mạch máu phía sau võng mạc, xuất huyết kết mạc, phù giác mạc, gây mù mắt, tai biến mạch máu não…
“Nguyên do là vì những cơ sở này không đáp ứng đủ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm để đào tạo cho học viên sau khi ra trường để hành nghề.
Trong khi các chuyên gia thực thụ đều nhận định, có nhiều kỹ thuật đòi hỏi các học viên phải học và được đào tạo rất chuyên sâu, bài bản nhằm tránh vô số các rủi ro cho khách hàng”, BS.Dũng nói.
Hoại tử, nhập viện vì tiêm filler
Tháng 7/2024, tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp chị N.C.T (31 tuổi, Quảng Nam) đến viện trong tình trạng áp xe vú hai bên do biến chứng tiêm filler ngực.
Theo chia sẻ, sau khi tiêm filler nâng ngực tại một thẩm mỹ viện, chị T. đã gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng như bị áp xe hai bên ngực. Tình trạng sức khỏe của chị ngày càng xấu đi, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. May mắn thay, các bác sĩ đã kịp thời can thiệp phẫu thuật và lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể, cứu được tính mạng chị T.
Một trường hợp khác là chị Đ.T.N. (30 tuổi, Hà Tĩnh) đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Chị N. đã tiêm filler vào trán và thái dương tại một cơ sở spa ở Nhật Bản. Chỉ sau 0,5cc filler, chị N. đã gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng như sụp mí mắt, hoa mắt, chóng mặt và nôn mửa.
Tình trạng bệnh nhanh chóng trở nên xấu đi, khiến chị N. suýt mất hoàn toàn thị lực. May mắn, chị N. đã kịp thời trở về Việt Nam và được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức can thiệp cấp cứu.
Hay cũng trong tháng 7/2024, thông tin trên báo chí chị N.T.N. (30 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đến một bệnh viện ở Bạc Liêu khám trong tình trạng nổi nhiều nốt nhọt, rỉ dịch, sưng và đau vùng cằm làm kèm dấu hiệu nhiễm trùng như sốt.
Trước đó, chị N. có tiêm chất làm đầy (filler) "để làm đẹp" trên vùng mặt không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ chẩn đoán chị N. bị viêm mô tế bào vùng cằm sau tiêm filler thẩm mỹ. Theo bác sĩ, đây là biểu hiện của biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm không an toàn.
Chị N. được bác sĩ điều trị truyền kháng sinh, kháng viêm, tích cực chăm sóc vùng da nhiễm trùng.
Những trường hợp trên cho thấy, việc tiêm chất làm đầy vào cơ thể dù là để làm đẹp cũng ẩn chứa những nguy cơ khôn lường. Các biến chứng như áp xe, sụp mí mắt, mất thị lực... có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người được tiêm.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, các ca biến chứng do tiêm filler và botox diễn ra ngày càng phổ biến, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Điều này cho thấy, những liệu trình làm đẹp bằng cách tiêm chất vào cơ thể là vô cùng nguy hiểm và cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Đưa ra khuyến cáo của mình, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Nghệ An lưu ý, người có nhu cầu làm đẹp cần đến các cơ sở y tế như bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ đã được cấp giấy phép hoạt động chuyên môn, ở đó có các bác sĩ da liễu, thẩm mỹ được đào tạo chính quy ít nhất là 7 năm tại các trường y và phải mất rất nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệm mới có thể hành nghề tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa.
“Nếu chẳng may gặp sự cố sau khi tiêm filler ở các cơ sở “chui” thì hãy đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ để các bác sĩ chuyên môn xử lý kịp thời, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc về sau”, BS.Dũng nhấn mạnh.