Bài 3: Phát huy hiệu quả vai trò của y tế cơ sở
Để y tế cơ sở là nền tảng
Trạm y tế (TYT) tuyến xã là đơn vị y tế gần dân nhất, phát hiện sớm nhất những vấn đề sức khỏe cộng đồng, triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và công tác y tế dự phòng tại địa phương. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của y tế tuyến xã sẽ góp phần hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, phát hiện bệnh sớm, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh và các chi phí xã hội khác, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung.
Tiêm vắc - xin phòng Covid-19 cho người dân tại Trạm y tế xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi)
Khẳng định vai trò “người gác cổng” của TYT
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25.10.2017, Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới nêu rõ: “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”. Nghị quyết đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được thực hiện bởi mạng lưới y tế cơ sở nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở: Phát triển y học gia đình; triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Nghị quyết đề cập việc tăng cường phát triển hệ thống y tế cơ sở là một nội dung quan trọng. Theo đó, hệ thống y tế cơ sở phải quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hạn chế việc người dân phải nhập viện để góp phần khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Như vậy, TYT đóng vai trò như "người gác cổng", là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh.
Cơ chế mở cho TYT
Theo bác sỹ Vũ Kim Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ: “Để phát huy vai trò “người gác cổng” của y tế cơ sở, TYT tuyến xã cần được mở rộng cơ chế hoạt động và đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Theo đó, đa dạng hóa hoạt động khám, chữa bệnh, kêu gọi xã hội hóa mô hình phòng khám tại TYT nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại TYT và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư”. Đặc biệt,TYT phải phân loại được bệnh tật để tư vấn cho người dân".Một số ý kiến cho rằng, nên có cơ chế linh hoạt đối với y tế cơ sở theo năng lực cung cấp dịch vụ y tế, số lượng người bệnh có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh, khuyến khích thực hiện các dịch vụ kỹ thuật phân tuyến theo khả năng cho phép. Nếu dịch vụ nào phân cấp trong danh mục của Bộ Y tế cho tuyến xã làm được thì kết quả đó phải được liên thông tuyến trên để bệnh nhân không phải chi trả hai lần.
Bác sỹ Lê Xuân Thông, Trạm trưởng TYT xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) đề xuất: Triển khai rộng rãi khám bệnh, chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế (BHYT) tại TYT; cho phép TYT quản lý, khám, cấp thuốc BHYT đối với bệnh mãn tính không lây nhiễm; nâng mức trần đối với khám, chữa bệnh ban đầu BHYT tại TYT; thực hiện cơ chế giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo lộ trình của Bộ Y tế. Tôi cho rằng mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình rất phù hợp, hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân cần sớm được triển khai…
Thực tế có những TYT rất nỗ lực để người dân được tiếp cận y tế thuận lợi nhất. TYT xã Ngô Quyền (Tiên Lữ) cử y, bác sỹ, nhân viên đến từng thôn để khám bệnh, tư vấn phòng bệnh cho người dân…
Nâng cao năng lực TYT
Có người so sánh “1 đồng dự phòng bằng 1 nghìn đồng điều trị” để thấy rằng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn là ưu tiên số 1. Đặc biệt trong tình hình mới, do những nguyên nhân khác nhau, mô hình bệnh tật dần thay đổi. Người mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm ngày càng tăng, xu hướng trẻ hóa. Toàn tỉnh có trên 23.300 người mắc bệnh tiểu đường, trên 23.600 người mắc bệnh huyết áp, tim mạch đang điều trị ngoại trú BHYT, nhiều người chịu gánh nặng bệnh tật kép; tỷ lệ người mắc ung thư gia tăng…
Theo ông Phan Tiến Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người có nhiều kinh nghiệm trong công tác dự phòng: Ðể thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, y tế dự phòng trong đó có TYT không chỉ cần làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ... góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Theo đó, TYT tăng cường công tác truyền thông giúp người dân hiểu hơn về bệnh tật và cách phòng tránh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm; tư vấn sức khỏe cho người dân bằng hình thức trực tiếp hay điện thoại... Điều này càng có ý nghĩa đối với người nghèo, người yếu thế, người già, góp phần vào công tác an sinh xã hội. Đồng thời tăng cường chữa bệnh bằng y học cổ truyền, giảm lạm dụng thuốc tây y, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
Xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp TYT tuyến xã theo thiết kế, quy mô phù hợp với phân vùng TYT và theo nhu cầu thực tế ở địa phương. Rà soát, đầu tư trang thiết bị theo danh mục bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh cho y tế cơ sở, bảo đảm cung cấp dịch vụ xét nghiệm cơ bản, đáp ứng khám, điều trị các bệnh thông thường tại xã theo gói dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm, nhưng phải xác định ưu tiên, tránh dàn trải, phù hợp với năng lực chuyên môn của TYT. Tổ chức các tủ thuốc tại TYT đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân; xây dựng, bổ sung danh mục các thuốc được BHYT chi trả cho các bệnh mãn tính không lây nhiễm, bệnh nhân tâm thần, người cao tuổi điều trị lâu dài tại tuyến xã.
Đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ TYT, hỗ trợ kỹ thuật từ xa và luân phiên đưa bác sỹ từ tuyến huyện về xã và từ xã lên tuyến trên để bảo đảm tăng cường năng lực hành nghề tại xã; nâng cao năng lực quản lý của cán bộ TYT, bảo đảm nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Theo phân loại công việc của ngành Y tế, y tế dự phòng chiếm khoảng 60% số công việc của ngành y tế, nhưng nhân lực y tế dự phòng chỉ chiếm khoảng 10% tổng số nhân lực toàn ngành. Bác sỹ Vũ Thị Hạnh, Trạm trưởng TYT xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) đề nghị: Cần duy trì nhân viên y tế thôn như trước đây, tăng số lượng nhân viên y tế thôn ở thôn đông dân. Đồng chí Phạm Khả Song, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Kim Động đề nghị: “Cần có cơ chế đặc thù đối với y tế tuyến xã trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là lực lượng nòng cốt trong rà soát, truy vết, quản lý các trường hợp nguy cơ trong phòng, chống dịch ở cơ sở, đặc biệt trong điều kiện thiếu nhân lực”.
Có chế độ đãi ngộ để thu hút cán bộ y, dược có trình độ đại học trở lên về công tác tại y tế cơ sở; phấn đấu đủ bác sỹ, dược sỹ cho cả lĩnh vực y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, tiến tới mỗi TYT có tối thiểu 1 bác sỹ tại trạm trở lên. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý TYT, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ BHYT, thanh toán BHYT.
Bài 1: Áp lực cơ sở y tế tuyến xã
Bài 2: Trạm y tế tuyến xã: Gần mà xa